TCCSĐT - Ngày 14-12-2016, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả rà soát việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thuộc khuôn khổ dự án “Xây dựng ứng phó quốc gia với bạo lực gia đình”.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên, bà Ax-trít Ban (Astrid Bant), trưởng đại diện của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam và đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia tư vấn, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình cùng các cơ quan thông tấn báo chí...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên, nhấn mạnh, sau gần 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Luật có hiệu lực từ ngày 01-7-2008), việc rà soát tình hình triển khai Luật cũng như xem xét sự tương thích của Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Kết quả rà soát là cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, một nghiên cứu độc lập về tình hình thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được tiến hành bởi nhóm chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế từ năm 2015, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Báo cáo rà soát thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được nhóm chuyên gia tư vấn hoàn thiện thông qua các hoạt động, như rà soát hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế hiện hành, các văn bản quy phạm, văn bản quản lý liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình và khảo sát thực tiễn tại một số địa phương. Các phát hiện và khuyến nghị từ nghiên cứu độc lập này cùng các sáng kiến, đề xuất của các đại biểu tham dự Hội thảo là những cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tiếp tục hợp tác trong quá trình vận động, hoàn thiện chính sách phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam.

Hội thảo đã nghe ông Nguyễn Văn Cương, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam trình bày kết quả rà soát việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thời gian qua. Theo đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở nước ta cơ bản là tương thích với nhiều chuẩn mực về quyền con người quốc tế và khu vực, với các đạo luật khác trong hệ thống pháp luật quốc gia (tuy vẫn còn một số khoảng trống giữa Luật này với các đạo luật khác). Quy định trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình về cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình (dù trên thực tế, các nỗ lực triển khai vẫn chưa hoàn toàn được như quy định trong Luật); có sự tương thích với thẩm quyền và chức năng của các cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình. Kết quả rà soát cho thấy Chính phủ đã xây dựng một khung khổ chính sách, pháp luật toàn diện để thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Từ năm 2008, hầu hết các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được thực hiện thông qua các sáng kiến truyền thông, phòng ngừa, xử lý và thống kê vụ việc bạo lực gia đình; các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã được xây dựng và triển khai thí điểm ở một số tỉnh, thành phố để triển khai áp dụng chung trong toàn quốc. Các tiến bộ trong việc phòng, chống bạo lực gia đình là khá ấn tượng liên quan tới việc triển khai các chiến dịch truyền thông rộng rãi, việc bảo vệ nhanh chóng những nạn nhân bạo lực gia đình đã được phát hiện, việc tổ chức công tác thống kê cơ bản, việc nâng cao nhận thức của các thành viên là nam giới và nữ giới trong các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp cơ sở. Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, triển khai) đã được xây dựng và triển khai thí điểm ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước (năm 2008) và tiếp theo là Gói can thiệp tối thiểu về phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng (do dự án UNFPA hỗ trợ thí điểm tại 2 tỉnh dự án Hải Dương, Bến Tre).

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, một số quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vẫn chưa được thực thi đầy đủ. Việc tư vấn và chăm sóc một cách chuyên nghiệp cho nạn nhân và việc xử lý thủ phạm gây ra bạo lực gia đình vẫn còn hạn chế; các tổ chức xã hội chưa nhận được ngân sách cần thiết để cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực gia đình; mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng và áp dụng (từ năm 2010) tương tự như mô hình phòng, chống bạo lực gia đình) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, hướng dẫn (từ năm 2008 hiện được triển khai trên 50% số xã/phường/thị trấn trên toàn quốc), dẫn đến có thể có sự chồng lấn (nếu cùng áp dụng trên 1 địa bàn). Sự thiếu hoàn thiện của cơ chế theo dõi việc thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cùng sự hạn chế trong phương pháp thu thập dữ liệu và thống kê chính thức về bạo lực gia đình làm cho việc đánh giá tác động thực tế của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gặp khó khăn.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, với các nội dung xoay quanh việc điều chỉnh các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để bảo đảm sự tương thích cao hơn với các chuẩn mực quốc tế và với Hiến Pháp năm 2013; Nhà nước cần có hành động quyết liệt hơn trong hoạt động điều tra, xử lý các hành vi bạo lực, bảo đảm rằng nạn nhân không bị tác động một cách tiêu cực từ chính việc áp dụng biện pháp chế tài dành cho thủ phạm gây ra bạo lực gia đình. Khuyến nghị với Chính phủ việc thống nhất các nỗ lực ngăn chặn, điều tra, trừng trị và xử lý tất cả các dạng bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới; trao thẩm quyền quyền xử lý vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới và vấn đề bình đẳng giới cho một đầu mối là một bộ trong Chính phủ; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội trong việc nghiên cứu, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp cho nạn nhân, xử lý thủ phạm gây ra bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới và các hình thức bạo lực khác chống lại các thành viên yếu thế trong xã hội. Các đại biểu cũng đề xuất các cơ quan nhà nước cần bố trí nhiều nguồn lực cho việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng như đánh giá các nghị định, thông tư giúp thực thi Luật hiệu quả hơn.../.