TCCSĐT - Đó là chủ đề của Hội nghị Đầu tư thường niên vào đồng bằng sông Cửu Long (Mekonglnvest) lần thứ 4 - năm 2016, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với Câu lạc bộ các Trung tâm Xúc tiến đồng bằng sông Cửu Long (MekongPC) tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 11-11-2016.

Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu là khách mời quốc tế đến từ các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp các nước Nhật Bản, Anh, Hà Lan, Xinh-ga-po, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,… và lãnh đạo các tỉnh, thành, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội nghị, TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, nhấn mạnh: Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, thủy sản; hằng năm đóng góp bình quân 41% giá trị sản xuất nông nghiệp, 20% GDP cho cả nước. Thế nhưng, thời gian qua, việc đầu tư, khai thác kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Ngoài các nguyên nhân do hạn chế về khoa học - công nghệ, quản trị, kết cấu hạ tầng,… thì một trong những yếu tố hạn chế sự phát triển của các lĩnh vực này là do tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa mới chỉ đạt khoảng 65%, trong các kỹ thuật nuôi trồng khác còn rất hạn chế. Theo Viện Nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long, ước tính mỗi năm tỷ lệ thất thoát trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch từ 8-15% sản lượng; nông dân trồng lúa trong vùng mất từ 3.200 - 3.600 tỷ đồng vì thất thoát sau thu hoạch, chiếm gần 12% trong tổng sản lượng lúa bình quân 18 triệu tấn/năm. Trong khâu chế biến nông sản, hầu hết sản phẩm chế biến vẫn đang ở mức sản phẩm thô, thiếu những dây chuyền công nghệ kỹ thuật chế biến tiên tiến để nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng nông sản, dẫn đến tình trạng sản phẩm làm ra khó cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của quốc gia nhưng thời gian qua, sức hút các dự án đầu tư trong nông nghiệp còn rất hạn chế. Tính đến hết tháng 10-2016, theo số liệu của VCCI Cần Thơ, toàn vùng với 13 tình, thành phố chỉ mới thu hút được 50 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 210 triệu USD. Thực tế này cho thấy, trước yêu cầu cơ cấu lại nền nông nghiệp của toàn vùng thích ứng với thời kỳ hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điều kiện và nhu cầu lớn trong thu hút đầu tư để nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng các kỹ thuật thông minh, hướng tới phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị các mặt hàng nông sản, nâng cao đời sống nông dân.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề: Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp - Xu hướng thế giới và cách tiếp cận của đồng bằng sông Cửu Long; cơ hội hợp tác nông nghiệp của Việt Nam và các nước; tiềm năng và hướng phát triển thị trường máy nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long; Ứng dụng mô hình khu nông nghiệp công nghệ cao ở đồng bằng sông Cửu Long; các nhu cầu ứng dụng các thiết bị công nghệ mới, thông minh trong ngành nông nghiệp; các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư trong nông nghiệp;… Hội nghị đã tập trung giới thiệu 50 dự án ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, với tổng vốn 1.385 triệu USD. Bên cạnh đó, Hội nghị còn bố trí hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghệ và doanh nghiệp sản xuất chế biến Việt Nam để tạo cơ hội giao thương, tìm hiểu, hợp tác đầu tư./.