Phong trào lao động giỏi, sáng tạo của công nhân, lao động Thủ đô
12:00, ngày 01-05-2009
Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) thành phố Hà Nội vừa tuyên dương 114 Công nhân giỏi Thủ đô năm 2009, được lựa chọn từ 31 nghìn công nhân giỏi ở các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Phong trào thi đua lao động sáng tạo, phấn đấu đạt danh hiệu công nhân giỏi, được các cấp công đoàn Hà Nội tổ chức rộng khắp, đang góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động.
Những tấm gương tiêu biểu
Ðồng chí Nguyễn Hoàng Tùng, công nhân phân xưởng đúc, Công ty Sông Công Hà Ðông, một trong số 114 người đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô khi gặp chúng tôi thổ lộ: Tôi rất vinh dự và tự hào đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô năm 2009. Bản thân tôi sẽ cố gắng phấn đấu hơn nữa nhằm nâng cao trình độ của mình.
Kể về quá trình phấn đấu, đồng chí Tùng cho biết, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, xã Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh) năm 1993, với quyết tâm thực hiện hoài bão của tuổi trẻ không ngừng học tập và rèn luyện, đã xin vào học tại Trường cao đẳng Bách khoa Hà Nội (1995-1998). Ra trường, được nhận vào làm việc tại Công ty Sông Công Hà Ðông, đồng chí luôn xác định được chí hướng của mình, tích cực học hỏi các bác thợ lớn tuổi và đồng nghiệp để tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm.
Năm 2003, phân xưởng đúc thành lập, đồng chí Tùng được phân công phụ trách phân xưởng gồm bốn chục người thợ. Xác định đây là phân xưởng sản xuất trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, đồng chí đã động viên mọi người chịu khó học hỏi, để nắm vững các thao tác chuyên môn, khắc phục các sự cố xảy ra, đồng thời chủ động tìm hiểu, học hỏi các chuyên gia để nắm bắt kỹ thuật mới. Năm 2006 khi nhận chuyển giao kỹ thuật, đồng chí được giao làm Trưởng tổ nấu gang. Lúc đầu công việc gặp rất nhiều khó khăn, như sản phẩm có tỷ lệ hư hỏng nhiều, hiệu quả không cao, lãng phí thời gian lao động, đồng chí đã mạnh dạn đề xuất lãnh đạo công ty chia ca làm việc theo từng tuần, khoán sản phẩm đến từng người lao động và trực tiếp bồi dưỡng bốn công nhân trẻ đứng được lò nấu để thường xuyên thay nhau, tránh phải làm việc căng thẳng và độc hại. Từ đó, chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao, hạn chế sản phẩm hỏng, đời sống thu nhập của anh em trong tổ được cải thiện. Năm 2007, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Ðảng, nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động xuất sắc. Năm 2009, đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô.
Phong trào thi đua lao động giỏi của Thủ đô được công đoàn các cấp tổ chức không những ở các đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước, mà còn được mở rộng ở nhiều loại hình doanh nghiệp. Mỗi người một số phận, hoàn cảnh nhưng đều có chí vươn lên trong cuộc sống. Ðồng chí Phan Thị Kim Ngân (Công ty cổ phần Dệt 10-10) nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động giỏi, kể về chặng đường phấn đấu của mình: Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, do hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, thay vì đi thi đại học như bạn bè cùng trang lứa, đồng chí quyết định đi học nghề may, mong sớm trở thành công nhân để có thu nhập phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Sau thời gian học nghề, năm 2003, được Công ty May 10-10 tiếp nhận vào làm việc. Mặc dù nhà cách xa nơi làm việc hơn 20 km, phải đi bằng xe buýt mất nhiều thời gian, nhưng đồng chí luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình trong công việc và cố gắng bảo đảm đầy đủ giờ công. Với lòng yêu nghề, ham học hỏi và niềm hứng thú với công việc, đồng chí luôn chú tâm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của những đồng nghiệp đi trước và suy nghĩ hợp lý hóa thao tác, loại bỏ những thao tác thừa, để vượt 20% năng suất so với định mức. Người thợ này còn đảm nhiệm những sản phẩm mẫu mã mới, sản phẩm chế thử có yêu cầu cao về tay nghề, và thường xuyên bảo đảm tốt chất lượng, tiến độ thời gian. Không chỉ phấn đấu cho bản thân mình, đồng chí còn thường xuyên kèm cặp, giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm để đồng nghiệp học tập, áp dụng vào sản xuất. Những nỗ lực của người thợ dệt may đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: Giải nhất Hội thi "Bàn tay vàng" nghề may năm 2005, Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2005, 2007, 2008, 2009. Ðồng chí Kim Ngân chia sẻ: Khủng hoảng kinh tế thế giới đang ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày. Trách nhiệm của mỗi CNLÐ, là phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề để làm ra những sản phẩm có chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh thị trường và đứng vững trên thương trường.
Với tay nghề thợ xây bậc 7/7, đồng chí Nguyễn Văn Phượng, ở Ðội thi công xây dựng (Xí nghiệp xây lắp 2, Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng và Thương mại Sóc Sơn) trực tiếp thi công, xây lắp các công trình. Công việc vất vả và hiểm nguy đòi hỏi người thợ luôn để tâm đến việc chấp hành các quy định, nội quy kỷ luật, đặc biệt là yêu cầu về chất lượng, tiến độ và an toàn lao động. Tâm sự với chúng tôi, đồng chí Phượng cho biết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cần lập kế hoạch, tiến độ thật chi tiết đến từng hạng mục, từng công đoạn để phấn đấu hoàn thành công trình, vượt tiến độ trên đề ra từ 15 đến 30 ngày và bảo đảm chất lượng cao. Trong đó tiêu biểu là công trình Trường mầm non Thanh Xuân và Trường mầm non Phú Minh được UBND huyện và thành phố Hà Nội gắn biển Công trình chất lượng cao. Người thợ xây dựng tâm sự: "Trở thành Công nhân giỏi Thủ đô là niềm vinh dự, tự hào lớn đối với tôi cũng như các CNLÐ khác. Phần thưởng vật chất rất quan trọng nhưng giá trị tinh thần còn lớn hơn nhiều. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng để xứng đáng với danh hiệu này và cũng mong rằng, tổ chức công đoàn tiếp tục phát động các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc thi tay nghề, tạo động lực để chúng tôi vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ...".
Hoạt động thiết thực, hiệu quả
Một trong những tiêu chí đầu tiên để xét chọn danh hiệu CNLÐ giỏi Thủ đô phải là CNLÐ trực tiếp, có trình độ tay nghề cao và đóng góp thiết thực cho đơn vị. Năm 2009 là năm khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp vì chịu sự tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, giá nguyên liệu, vật liệu biến động, thiếu vốn sản xuất... khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí có nơi người lao động còn phải tạm thời nghỉ việc không lương. Trong hoàn cảnh đó đã xuất hiện nhiều tấm gương công nhân chủ động vượt qua khó khăn, phát huy sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp và xã hội. Có những người còn động viên anh chị em cùng đơn vị chia sẻ khó khăn với lãnh đạo, đồng lòng nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh thị trường của sản phẩm làm ra. Chính vì vậy, phong trào thi đua để trở thành công nhân giỏi càng trở nên có ý nghĩa và được các đơn vị cơ sở nhiệt tình hưởng ứng, cụ thể hóa phong trào công nhân giỏi, nhằm động viên CNLÐ tích cực học tập, rèn luyện trình độ, kỹ năng, đạt năng suất cao. Nhiều đơn vị cơ sở đã tổ chức các hội thi luyện tay nghề, thi thợ giỏi đem lại hiệu quả thiết thực...
Phó Chủ tịch LÐLÐ Hà Nội Ðặng Minh Thuần cho biết, ở nhiều đơn vị cơ sở, giám đốc doanh nghiệp đã chủ động bàn bạc cùng công đoàn tháo gỡ vướng mắc, khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho CNLÐ có việc làm ổn định, tạo cơ sở vật chất, kinh phí khen thưởng để động viên CNLÐ giỏi kịp thời. Có nhiều đơn vị đưa tiêu chí công nhân giỏi vào quy chế xét nâng lương, nâng bậc trước thời hạn cho người đạt thành tích cao. Chủ tịch Công đoàn Công ty Sông Công Trần Quang Khải, khẳng định, công đoàn cùng doanh nghiệp cần có những hoạt động thiết thực, gắn kết với nhau để phát triển sản xuất, từ đó cải thiện đời sống cho người lao động, hài hòa các lợi ích. Công đoàn phối hợp chủ doanh nghiệp xây dựng chính sách thưởng từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/tháng cho những CNLÐ có đủ ngày công, có năng suất, chất lượng tốt gần đây, mặc dù gặp khó khăn, nhưng công ty vẫn tăng lương cho CNLÐ, trong đó ưu tiên xét nâng lương trước cho những CNLÐ giỏi; đặc biệt những người có thành tích xuất sắc trong suốt cả năm sẽ được thưởng đi du lịch nước ngoài...
Những chính sách mang lại quyền lợi thiết thực cho người lao động, nhất là công nhân giỏi không chỉ đạt mục đích giữ chân CNLÐ, mà còn động viên họ phát huy năng lực sáng tạo, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp. Nhiều CNLÐ giỏi cho rằng, ngoài sự cố gắng của bản thân, cần có sự động viên, khích lệ không thể thiếu từ phía chủ doanh nghiệp và tổ chức công đoàn. Công đoàn ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với chuyên môn tạo thêm việc làm, bảo đảm đời sống, đồng thời tạo điều kiện để CNLÐ trực tiếp rèn luyện tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản xuất.
Phong trào lao động giỏi, sáng tạo của công nhân, lao động Thủ đô  (01/05/2009)
Hội đàm thượng đỉnh Nhật - Trung  (01/05/2009)
Cúm A (H1N1) và an toàn thực phẩm  (01/05/2009)
Nhận định trái chiều về kinh tế toàn cầu  (01/05/2009)
Thành phố Hồ Chí Minh mít-tinh kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2009)  (01/05/2009)
Việt Nam dự Hội nghị các thị trường mới nổi toàn cầu  (30/04/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên