Các hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong
TCCSĐT - Sáng 14-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Việt Nam đã rời thủ đô Bắc Kinh lên đường thăm Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Trung Quốc.
Hong Kong là điểm dừng chân thứ 3 của Thủ tướng và đoàn trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn tại sân bay quốc tế Hong Kong có lãnh đạo Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, đại diện danh dự của Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong và Macau Hoàng Chí Trung cùng cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán.
Ngay sau khi tới Hong Kong, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh và đầu tư Việt Nam - Hong Kong. Đây là diễn đàn đặc biệt do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hong Kong (CGCC) và Phòng Thương mại Hong Kong - Việt Nam (HKVCC) phối hợp tổ chức. Diễn đàn thu hút sự tham dự của 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư của Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng tham dự có Quyền Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, ngài Rimsky Yeun.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, tiến sỹ Jonathan Choi, Chủ tịch Danh dự vĩnh viễn Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hong Kong và cũng là Chủ tịch Phòng Thương mại Hong Kong - Việt Nam bày tỏ trân trọng, cảm ơn sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại sự kiện này. Tiến sỹ Jonathan Choi cũng đánh giá cao những nỗ lực, giải pháp và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian qua.
Tiến sỹ Jonathan Choi cho rằng Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của các quốc gia khu vực Đông Á; là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tỷ lệ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6,7% trong năm 2015. Việt Nam còn là quốc gia có nguồn lao động dồi dào, phần lớn là lao động trẻ - một lợi thế đặc biệt cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đang thực hiện nhiều chương trình cải cách thị trường đầy tham vọng, đi đôi với những chính sách phù hợp để có thể mở rộng hơn nữa hoạt động thu hút đầu tư thương mại từ mọi quốc gia trên thế giới.
Cho rằng các nền kinh tế Đông Á đang bước vào một giai đoạn mới của hợp tác kinh tế quốc tế với sự gắn kết chặt chẽ hơn bởi những hiệp định thương mại tự do mới, tiến sỹ Jonathan Choi nhấn mạnh với lợi thế là trung tâm thương mại và dịch vụ hậu cần, Hong Kong có những điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia ASEAN. Hong Kong còn có vai trò quan trọng như một siêu kết nối các hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế và phát triển khởi nghiệp. Những yếu tố này sẽ mang đến nhiều sự đột phá hơn nữa cho nền kinh tế Việt Nam.
Tiến sỹ Jonathan Choi cũng bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp Hong Kong và Việt Nam sẽ hỗ trợ nhau mạnh mẽ hơn nữa để nắm bắt tốt các cơ hội đầy tiềm năng của sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" và khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai kinh tế".
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, nhà đầu tư về kết quả của các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Hai bên đã thống nhất nhiều phương hướng chiến lược để nâng tầm quan hệ hợp tác sang giai đoạn phát triển mới, với trọng tâm là đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại để đem lại chất lượng cao hơn, hiệu quả bền vững hơn. Đây chính là nền tảng quan trọng, là cơ hội thuận lợi cho sự hợp tác thành công giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Trung Quốc nói chung và Hong Kong nói riêng.
Thủ tướng bày tỏ: “Năm nay, chúng tôi phấn đấu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD. Việt Nam sẽ là một trong những đối tác thương mại ASEAN lớn nhất của Trung Quốc. Đây là tin vui đối với tất cả các nhà đầu tư Hong Kong làm ăn tại Việt Nam".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là môi trường đầu tư - kinh doanh, những tiềm năng, lợi thế tại thị trường Việt Nam. Thủ tướng cho biết nếu tính theo ngang giá sức mua PPP thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2015 đạt trên 5.600 USD. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao. Liên tiếp trong nhiều năm, kim ngạch thương mại Việt Nam tăng bình quân khoảng 15%/năm, năm 2015 đạt 330 tỷ USD. Hiện có hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 21.000 dự án, tổng số vốn đăng ký gần 300 tỷ USD.
Việt Nam đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Việt Nam - EU và đang đàm phán 4 hiệp định thương mại khác, trong đó có FTA giữa ASEAN và Hong Kong. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đã tăng 3 bậc và trong năm 2017, Việt Nam phấn đấu vào tốp 4 của ASEAN.
Thủ tướng nói: “Đặc biệt, Việt Nam là nước có sự ổn định chính trị xã hội rất tốt và Chính phủ đang xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cải cách hành chính quyết liệt. Việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển đã được chúng ta đặt ra để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn nữa".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hong Kong đầu tư vào những lĩnh vực có thế mạnh như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, dịch vụ vận tải biển, đầu tư kết cấu hạ tầng, linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ, chế biến và tiêu thụ hàng nông sản. Thủ tướng mong rằng với vị thế là trung tâm tài chính hàng đầu khu vực và toàn cầu, Hong Kong sẽ là thị trường thuận lợi để huy động các khoản tín dụng cho phát triển, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việt Nam chào đón các bạn, mong các bạn sớm xúc tiến đầu tư làm ăn tại Việt Nam. Tôi xin nói một lần nữa rằng Chính phủ Việt Nam coi thành công của các bạn là thành công của chúng tôi. Thất bại của các bạn là thất bại của chúng tôi".
Trong phần phát biểu của mình, Quyền Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Rimsky Yeun đánh giá cao chuyến thăm chính thức Trung Quốc, thăm Hong Kong của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ.
Ngài Rimsky Yeun nêu rõ quan hệ hợp tác giữa Hong Kong và Việt Nam đang phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực. Ngày càng có nhiều người dân Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Hong Kong. Hai bên cũng đang có sự hợp tác chặt chẽ về thương mại, đầu tư.
Ngài Rimsky Yeun đề nghị doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác với các đối tác của Hong Kong; mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Hong Kong đầu tư vào Việt Nam để hai bên có thể hợp tác hiệu quả hơn trên mọi lĩnh vực, nhất là về vốn và sở hữu trí tuệ.
Nhấn mạnh Khu hành chính đặc biệt Hong Kong có rất nhiều ưu thế như gần thị trường Trung Quốc; có một chế độ chính trị, pháp lý ưu việt; vị trí địa lý thuận lợi..., ngài Rimsky Yeun cho rằng đây là những điều kiện tốt cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Cho biết năm 2015, Hong Kong là nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam, ngài Rimsky Yeun nêu rõ Hong Kong sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và hỗ trợ mạnh mẽ để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Hong Kong và Trung Quốc nội địa.
Đánh giá cao vai trò của nền kinh tế các quốc gia ASEAN - đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hong Kong, chỉ sau Trung Quốc lục địa, ngài Rimsky Yeun trân trọng cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ quá trình đàm phán FTA giữa ASEAN - Hong Kong và hy vọng các bên sẽ sớm kết thúc đàm phán để đi đến ký kết văn kiện quan trọng này; mở ra một giai đoạn mới trong phát triển kinh tế thương mại trong khu vực và trên thế giới.
Tại diễn đàn, lễ ký 10 thỏa thuận hợp tác và hợp đồng thương mại với tổng giá trị lên đến 10 tỷ USD đã diễn ra. Đặc biệt, cũng tại diễn đàn này, VCCI đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với 3 đối tác gồm: Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hong Kong và Phòng Thương mại Hong Kong - Việt Nam và Ủy ban Phát triển Thương mại Hong Kong.
Theo đánh giá của VCCI, diễn đàn này đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với Hong Kong, Trung Quốc và các doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là các hoạt động đầu tư thông qua các hệ thống ngân hàng, quỹ tài chính quốc tế...
Diễn đàn Kinh doanh và Đầu tư Việt Nam - Hong Kong và việc ký kết hàng loạt Thỏa thuận hợp tác tại diễn đàn là cột mốc hết sức quan trọng trong lịch sử quan hệ hợp tác Việt Nam - Hong Kong.
Cũng trong buổi chiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Hong Kong gồm: Chủ tịch Tập đoàn Sunwah Jonathan Choi và Chủ tịch Tập đoàn Chow Tai Fook kiêm Chủ tịch Tập đoàn New World Henry Cheng; Tập đoàn năng lượng mới Kaidi Dương Quang, IGG Hong Kong, Công ty Hoa Dung, Công ty Dân Sinh, Tập đoàn Geleximco; Tập đoàn TAL Roger Lee; Tập đoàn Texhong Hong Tian Zhu; Tập đoàn Golden Resources Development Laurent Lam; Tập đoàn Germton Hung Kai Fai Andy; Tập đoàn Esquel Marjorie và Tập đoàn Laisun Peter Lam.
Tiến sỹ Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah, bày tỏ đánh giá cao việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với các nhà đầu tư Hong Kong, tổ chức xúc tiến đầu tư vào Việt Nam ngay tại Hong Kong. Điều đó thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư. Ông Jonathan Choi cho biết sẽ kêu gọi các nhà đầu tư, là cầu nối để các nhà đầu tư của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong và Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam.
Tiến sỹ Jonathan Choi và các nhà đầu tư bày tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp, chính sách và quyết tâm điều hành quản lý kinh tế, cải thiện môi trường của Chính phủ theo hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phát triển, hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng cường niềm tin đối với các nhà đầu tư.
Nhận định chung của lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp Hong Kong là Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, là cửa ngõ của các quốc gia Đông Nam Á với thị trường ASEAN trên 600 triệu dân. Các nhà đầu tư cũng cho rằng, Việt Nam có môi trường đầu tư kinh doanh ổn định; coi trọng phát triển kinh tế tư nhân.
Đại diện các quỹ đầu tư và doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Việt Nam và cho biết sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam với số vốn lớn, nhất là các lĩnh vực quan tâm như năng lượng, phát triển kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp, các công trình dân sinh, y tế, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, tài chính ngân hàng, giáo dục, dệt may, nhập khẩu gạo...
Trao đổi với ông Jonathan Choi và lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Hong Kong, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định mục tiêu đến thăm Hong Kong trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này nhằm xúc tiến các hoạt động đầu tư, hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hong Kong.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam có môi trường đầu tư tốt, nhu cầu thu hút đầu tư mạnh mẽ. Việt Nam đã sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng cởi mở, thông thoáng, môi trường đầu tư ổn định, bảo đảm tối đa quyền tài sản của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Việt Nam đang tiến hành cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực như thuế, thông quan điện tử...
Thủ tướng nêu rõ Chính phủ Việt Nam coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển của đất nước, Nhà nước bảo đảm cho mọi người dân đều được tự do kinh doanh theo pháp luật. Chính phủ luôn yêu cầu chính quyền các địa phương phải quan tâm, đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. Trong quá trình phát triển, Việt Nam có nhu cầu thu hút đầu tư vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những lĩnh vực như giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và các kết cấu hạ tầng khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các nhà đầu tư Hong Kong quan tâm, đầu tư tại thị trường Việt Nam đồng thời mong muốn các nhà đầu tư trong quá trình sản xuất kinh doanh, cần chú ý bảo đảm đời sống, đào tạo tay nghề cho người lao động; tuân thủ các quy định pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam./.
Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh tiếp Đại sứ Hàn Quốc  (14/09/2016)
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản lên kế hoạch sang thăm Việt Nam  (14/09/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Đại sứ Maroc chào từ biệt  (14/09/2016)
Dự án Luật Đấu giá bổ sung thêm điều khoản về đấu giá nợ xấu  (14/09/2016)
Toàn văn Thông cáo chung Việt Nam và Trung Quốc  (14/09/2016)
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương khắc phục sự cố Thủy điện Sông Bung 2  (14/09/2016)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên