TCCSĐT - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, ngày 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật Quản lý ngoại thương; thảo luận và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đấu giá tài sản.

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Quản lý ngoại thương, bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu chưa được quy định rõ trong luật. Dẫn ví dụ từ việc Bộ Y tế cho phép nhập khẩu salbutamol để sử dụng điều trị bệnh, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lại quy định đây là chất cấm trong chăn nuôi, bà Hải cho biết do không có sự thống nhất, hạn mức nhập khẩu không cụ thể, dẫn đến lượng lớn chất này lọt ra ngoài, chưa rõ xử lý như thế nào.

Đồng ý kiến với bà Hải, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế - Cơ quan thẩm tra dự thảo Luật đề nghị quy định cụ thể danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu trong luật, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cao, minh bạch, ổn định, dễ áp dụng.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa vì việc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu có liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau; đề nghị quy định rõ các trường hợp áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và có sự phân biệt với các trường hợp áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

Bên cạnh nội dung trên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng băn khoăn về phạm vi điều chỉnh, tính hợp hiến của một số quy định trong dự thảo Luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần rà soát lại tính hợp hiến của dự luật vì luật này có liên quan đến các điều cấm; việc quy định về hạn chế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không quy định ngay trong luật này mà giao cho Chính phủ quy định thì có phù hợp với Hiến pháp không? Đồng thời, cần cân nhắc đề xuất thành lập cơ quan xúc tiến thương mại ở nước ngoài.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng bày tỏ băn khoăn về phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ với các luật của dự thảo. Về phạm vi, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nên đưa một số loại dịch vụ gắn liền hoạt động ngoại thương vào luật này.

Đại diện cơ quan soạn thảo dự thảo luật, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa thể hiện rõ yêu cầu hội nhập, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra; hệ thống pháp luật ngoại thương hiện hành và những yêu cầu hoàn thiện pháp luật về ngoại thương còn có sự trùng lắp, chồng chéo, sự minh bạch chưa cao, tính ổn định, dự báo còn thấp.

Cơ chế quản lý hoạt động ngoại thương hiện hành đang tạo ra những rào cản về thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Do vậy, dự thảo Luật Quản lý ngoại thương cần được xây dựng trên nguyên tắc và theo quan điểm chỉ đạo là cải cách thủ tục hành chính, duy trì môi trường kinh doanh thuận lợi theo hướng hệ thống hóa, hài hòa hóa các thủ tục hành chính có liên quan.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, dự thảo Luật điều chỉnh bao quát các công cụ quản lý ngoại thương đồng thời bảo đảm tính linh hoạt trong việc xây dựng chiến lược ngoại thương và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này; bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương hiệu lực, hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích, tạo điều kiện cho sự phát triển hoạt động ngoại thương của thương nhân và tính cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện, nâng cao hiệu lực pháp lý về các biện pháp phòng vệ thương mại, hỗ trợ ngoại thương để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập...

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo rà soát, làm rõ mối quan hệ của dự thảo luật này với Luật Thương mại, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết hiện nay Luật Thương mại chỉ chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ thương nhân với thương nhân, mối quan quan hệ với nhà nước, quản lý nhà nước, đề cập rất mờ nhạt; các quy định chủ yếu là khung, nêu khái niệm, các quy định cụ thể nằm ở các văn bản dưới luật; quản lý nhà nước chưa được quy định bao quát... Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nói nếu dự thảo Luật quản lý ngoại thương được Quốc hội thông qua, sẽ bãi bỏ 7 điều và 3 khoản trong số 324 điều của Luật Thương mại.

** Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đấu giá tài sản. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật này.

Qua thảo luận, các ý kiến đánh giá cao Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đấu giá tài sản của Ủy ban Kinh tế. Theo đó, dự án Luật Đấu giá tài sản gồm 8 Chương và 79 Điều. Trong đó, dự án Luật bổ sung thêm một số điểm, khoản quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; rà soát, bổ sung các loại tài sản đấu giá (tài sản nhà nước, tài sản về đất đai, tài sản thi hành án…); bổ sung trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; bổ sung các hành vi nghiêm cấm...

Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị cần cân nhắc, rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện lại một số điều, khoản quy định trong dự án Luật như: Phạm vi điều chỉnh; trung tâm đấu giá tài sản; quy định tài sản mang đấu giá... Đặc biệt, vấn đề đấu giá nợ xấu và việc tham gia của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, nhiều ý kiến đề nghị cần điều chỉnh theo hướng không nên có một quy định riêng cho tổ chức nào; đồng thời cần làm rõ về tài sản được phép giao dịch và tài sản không được phép giao dịch để tránh tiêu cực.

Cụ thể, về Trung tâm đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt đề nghị cần nghiên cứu kỹ và phải xuất phát từ tiêu chí, mục đích là thị trường. Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị, nên nghiên cứu mô hình tổ chức của Trung tâm đấu giá này theo hình thức doanh nghiệp để tránh tình trạng công chức lợi dụng vị trí để làm lợi cho mình.

Cho ý kiến về vấn đề trên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dự án Luật đã bổ sung Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản vào Điều 4 (Giải thích từ ngữ), đồng thời quy định khá rõ về doanh nghiệp đấu giá tài sản. Nhưng khi giải thích về tổ chức đấu giá tài sản, dự án Luật không có quy định đối với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, trong khi đơn vị này vẫn đang hoạt động. Do đó, khi đã bổ sung Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản vào Điều 4 của dự án Luật, cần quy định phương thức chuyển đổi các Trung tâm thành các mô hình doanh nghiệp, hay chấm dứt hoạt động của các Trung tâm này như thế nào…

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn quy định ở Điều 3 và Điều 54 của dự án Luật liên quan đến nợ xấu và tài sản bảo đảm nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo dự án Luật, công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam tự đấu giá hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty đã mua. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đã mua là không ổn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các ngân hàng phát sinh nợ xấu rồi thành lập ra Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam để mua lại số nợ này. Nói là mua nợ xấu nhưng bản chất là hạch toán chứ không có tiền để mua. Nếu giao cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam mua bán nợ xấu rồi tự đi đấu giá sẽ không bảo đảm tính minh bạch. Tại sao lại có một "đặc ân" cho một doanh nghiệp mới thành lập trong khi chưa có đánh giá hoạt động của doanh nghiệp này. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc thêm vấn đề này.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giao Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật sớm hoàn chỉnh lại dự án Luật Đấu giá tài sản, gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội xin ý kiến và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.