Các quyết định, kết luận mới ban hành của Chính phủ

BTV (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
22:35, ngày 07-09-2016

TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về chương trình giảm nghèo bền vững 2016 - 2020; kết luận về việc xây Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ và kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020.

Thủ tướng phê duyệt chương trình giảm nghèo bền vững 2016 - 2020

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02-9-2016, về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Mục tiêu tổng quát của chương trình là thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Quyết định cũng nêu rõ mục tiêu cụ thể giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1 - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3 - 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và Cơ quan quản lý Chương trình là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Thủ tướng yêu cầu Cần Thơ không dùng ngân sách xây đền thờ Vua Hùng

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về chủ trương xây dựng Đền thờ các Vua Hùng tại thành phố Cần Thơ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc xây dựng Đền thờ các Vua Hùng tại thành phố Cần Thơ, trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định, lưu ý việc lựa chọn địa điểm xây dựng Đền thờ bảo đảm trang trọng, thuận lợi cho người dân và du khách đến tham quan, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; lựa chọn quy mô xây dựng phù hợp, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các nhà khoa học, kiến trúc sư, mỹ thuật... về phương án thiết kế, tạo đồng thuận cao trong xã hội; phối hợp chặt chẽ với các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng và Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc thực hiện dự án. Thủ tướng yêu cầu không sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện dự án.

Huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tại Hội nghị về huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020.

Trong những năm qua, nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành, trong đó có những công trình rất lớn như: Cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Đầm Cùng, cầu Mỹ Lợi... đã xóa bỏ thế ngăn sông cách trở không chỉ của từng địa phương mà còn của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long; cùng với đó là hoàn thành xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đã thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh trong vùng với cả nước và thế giới...

Tuy nhiên, đến nay hệ thống kết cầu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics vẫn còn kém phát triển, vấn đề liên kết vùng chưa được chú trọng đầu tư, các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế, là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

Với 4 phương thức vận tải chủ yếu đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, hàng không đã và đang đảm nhận vai trò tích cực cho sự phát triển chung của vùng; nhưng việc đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa thỏa đáng, chưa quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa được coi là thế mạnh của vùng, dẫn đến tình trạng thị phần đảm nhận của đường thủy nội địa có xu hướng giảm. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020 nhằm cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch và lựa chọn được các dự án trọng điểm có tính kết nối vùng, liên vùng là rất cần thiết nhằm giảm thiểu tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí trong bối cảnh vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp.

Đối với kế hoạch phát triển đường bộ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu hoàn thiện 6 tuyến trên trục dọc qua vùng đồng bằng sông Cửu Long (tuyến N1, N2, Quốc lộ 1, Quốc lộ 60, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, hành lang ven biển phía Nam), tập trung nâng cấp hoàn thiện Quốc lộ 60 qua các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh. Sớm hoàn thiện cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 để thúc đẩy phát triển các tỉnh duyên hải của Vùng là các tỉnh khó khăn nhất hiện nay. Hoàn thành việc đầu tư nâng cấp 9 tuyến trên các trục ngang gồm các Quốc lộ: 30, 53, 54, 57, 61, 62, 63, 80, 91 theo quy hoạch, đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 2 làn xe và xây dựng tuyến tránh thành phố Long Xuyên (An Giang). Đối với tuyến N1 (trùng với tuyến hành lang biên giới có vai trò bảo đảm an ninh quốc phòng) đầu tư với quy mô 2 làn xe. Ưu tiên đầu tư các tuyến kết nối đến các cửa khẩu quốc tế với Campuchia như Quốc lộ 91C, Quốc lộ 30.

Bảo đảm 100% đường đến trung tâm xã, cụm xã; tỷ lệ cứng hóa mặt đường đạt 100%; xóa bỏ cầu khỉ; tiếp tục đầu tư một số công trình quan trọng, cấp bách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Về phát triển đường thủy nội địa, Phó Thủ tướng yêu cầu phát huy hiệu quả của dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long (WB5), tổ chức quản lý, khai thác bảo đảm duy trì thường xuyên đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm an toàn giao thông. Tiếp tục nâng cấp các tuyến vận tải đường thủy hiện có để bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đẩy mạnh vận tải đa phương thức, trong đó tập trung khai thác triệt để thế mạnh vận tải thủy. Rà soát và từng bước xử lý các cầu có tĩnh không thấp ảnh hưởng đến hoạt động vận tải thủy nội địa trên các tuyến sông, kênh chính trong vùng.

Về đường biển, Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thành dự án luồng cho tầu trọng tải lớn vào sông Hậu; nâng cấp cụm cảng Cái Cui thành cảng tổng hợp quốc gia, xây dựng cảng chuyên dùng nhập than cho nhà máy nhiệt điện khu vực phía Đông và phía Tây của vùng; tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cảng và luồng tàu một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải của vùng và phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đã được phê duyệt.

Đối với hàng không, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát và thực hiện việc đầu tư nâng cấp để nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ vận chuyển hành khách, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hành khách, hàng hóa tại Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, Cảng hàng không Rạch Giá, Cảng hàng không Cà Mau, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Về dịch vụ logistics, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc phát triển các đầu mối vận tải phục vụ dịch vụ logistisc phù hợp với quy hoạch phát triển đã được phê duyệt, tăng cường kết nối các phương thức vận tải. Chú trọng nâng cao năng lực vận tải trên các trục vận tải, đặc biệt là tuyến vận tải thủy trên sông Tiền, sông Hậu trong giao thương với Campuchia.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án và tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của ngành giao thông vận tải nói chung và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy hoạch phát triển cảng biển, dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương trong vùng xem xét, cân đối vốn cho các dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn và phương án huy động các nguồn vốn khác để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương trong vùng phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, rà soát, sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên và tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để có lộ trình thực hiện phù hợp với quy định và yêu cầu thực tế./.