Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande thực hiện chuyến thăm Cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5 đến 7-9.

Trưa 6-9, sau lễ đón chính thức và các cuộc hội kiến riêng và hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì tiệc chiêu đãi chào mừng chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Sau đây là toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Pháp Francois Hollande tại tiệc chiêu đãi:

Thưa Ngài Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang,
Thưa quý vị,


Tôi vô cùng xúc động trước sự đón tiếp hết sức ân cần mà Ngài Chủ tịch nước đã dành cho tôi và phái đoàn tháp tùng. Phái đoàn gồm có các Bộ trưởng, đại biểu Quốc hội - những người rất quan tâm tới mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Cùng với đó là đại diện của các trường đại học, doanh nhân, người nghiên cứu khoa học... Nói tóm lại, cả nước Pháp cùng tôi đến Việt Nam lần này. Trong vài ngày nữa, đại diện các địa phương của Pháp sẽ có mặt tại Việt Nam trong khuôn khổ hội nghị lần thứ 10 về hợp tác phi tập trung.

Thưa Ngài Chủ tịch nước,

Ngài có nhắc đến lịch sử, Ngài nhắc đến quá trình lịch sử ấy, mối quan hệ sâu đậm giữa hai nước chúng ta có những trang sử đau lòng; nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều giây phút hạnh phúc, có những giây phút vinh quang vì chúng ta đã đến gần với nhau, cùng nhau thực hiện một số dự án chung. Và tôi cũng muốn nhân đây trân trọng cám ơn và hoan nghênh những người mà trong suốt quá trình lịch sử đó đã tham gia tích cực, đóng góp vào việc củng cố và tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Trong phần trình bày của Ngài Chủ tịch nước, Ngài có nêu lên những cột mốc lịch sử 1973, 1993, 2013 và ngày hôm nay chúng ta đang bước vào một trang sử mới của quan hệ giữa hai nước. Quá trình phát triển của quan hệ song phương dựa trên một điểm rất quan trọng, đó là lòng tin - lòng tin lẫn nhau giữa chúng ta, lòng tin ở tương lai. Điều này đã được minh họa thông qua quan hệ Đối tác Chiến lược mà hai nước chúng ta đã ký kết.

Mục tiêu của quan hệ Đối tác Chiến lược đó là sự ổn định và hòa bình, đặc biệt là sự ổn định và hòa bình ở khu vực Đông Nam Á, vì đây là khu vực đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ sự quân bình trên bàn cờ thế giới. Chúng ta sẽ cùng nhau hợp tác, giữa Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, các thành viên Chính phủ hai bên.

Ví dụ trong vấn đề hiện nay ở Biển Đông, hai nước chúng ta đều có những giá trị chung, chúng ta tôn trọng hòa bình, tôn trọng độc lập, mong muốn có tự do giao thông, có lòng tin vào luật pháp. Vì vậy, chúng ta chọn phương án không vũ lực, phương án đối thoại để đạt đến mục tiêu của mình.

Nói đến quan hệ Đối tác Chiến lược có nghĩa là chúng ta sẽ hợp tác cùng nhau để phát triển hơn nữa quan hệ thương mại, quan hệ kinh tế. Chúng ta cần phải làm điều này vì Việt Nam hiện nay là quốc gia có nền kinh tế hết sức năng động, có mức tăng trưởng kinh tế đáng khâm phục và Việt Nam sẽ có vị trí nhất định ở khu vực và trên thế giới. Nhân chuyến thăm này, tôi mong rằng các doanh nghiệp đang có mặt, hoặc sẽ có mặt tại Việt Nam sẽ tham gia vào bước phát triển đó. Tôi muốn nêu lên một số lĩnh vực mà hiện nay các doanh nghiệp đã có mặt, ví dụ như là hàng không vũ trụ, lương thực - thực phẩm, y tế, phát triển bền vững, công nghệ mới.

Trong quan hệ Đối tác Chiến lược, trong quan hệ hợp tác, cả hai bên đều phải có nỗ lực, các doanh nghiệp Pháp nỗ lực sang đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Tôi mong phía Việt Nam sẽ cố gắng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo những điều kiện tốt nhất để giúp các doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam, cũng như hướng ngược lại - doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, hợp tác tại Pháp.

Chúng ta cũng đang đối đầu với một thách thức lớn về thay đổi khí hậu, môi trường. Chính vì vậy, Pháp mong muốn đồng hành và sát cánh với Việt Nam, các doanh nghiệp Pháp với công nghệ tiên tiến có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án lớn này. Chúng tôi cũng sẵn sàng để cùng với Việt Nam thực hiện dự án đó.

Sau khi ký COP 21, giai đoạn tiếp theo là thông qua ở các quốc gia, sau đó đến các chương trình cụ thể. Khi đó, các nhà tài trợ của Pháp sẽ có mặt và đồng hành với Việt Nam. Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến một điểm, đó là vấn đề con người. Khi nói đến con người là nói đến văn hóa, trong văn hóa có sức sáng tạo; bên cạnh đó, cũng xuất phát từ con người, là khoa học và nghiên cứu khoa học. Điểm chung ở những yếu tố này là lớp trẻ. Chính vì lẽ đó, tôi chọn bài phát biểu đầu tiên của mình là trước diễn đàn của các sinh viên Trường Đại học quốc gia Hà Nội vào sáng hôm nay.

Thưa Ngài Chủ tịch nước,
Thưa quý vị,


Đầu tư vào lớp trẻ là mối trăn trở của tất cả các quốc gia. Tôi xin phép nhân đây minh họa bằng một câu ngạn ngữ Việt Nam “con hơn cha, nhà có phúc” - không cần phải hơn về thể hình mà là tương lai tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, tôi với Ngài Chủ tịch nước, và những người cùng làm việc trong cái “phúc” đó, chúng ta phải làm sao đem đến cho lớp trẻ một tương lai tốt hơn, sáng lạn hơn.

Ở trong mỗi quốc gia chúng ta có những cuộc chiến mà chúng ta biết tại sao cần chiến đấu - chiến đấu chống nghèo, đói... Tuy nhiên, hiện nay ngoài biên giới các quốc gia còn vô số các cuộc chiến khác, và chúng ta cần phải hợp lực, đoàn kết với nhau, ví dụ như chống lại hiện tượng thay đổi môi trường, chống lại nạn khủng bố, tìm đến hòa bình, xây dựng xã hội phát triển tốt hơn, đả phá tất cả những bất công trong xã hội... để cho lớp trẻ Việt Nam và Pháp ngày mai có được hoài bão lớn hơn và cùng nhau phát triển.

Trên tinh thần đó, tôi xin phép được nâng cốc chúc mừng cho tình hữu nghị giữa hai nước; chúc chúng ta đủ sức lực, nghị lực để có thể thực hiện dự án lớn lao đó.

Xin trân trọng cảm ơn./.