Văn hóa truyền thống Ấn Độ - Một nền văn hóa vì hòa bình, hữu nghị bền vững với các dân tộc trên thế giới

PGS, TS. Nguyễn Hoài Văn Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
22:07, ngày 06-09-2016

TCCSĐT - Người ta thường nói: Văn hóa là tấm gương phản chiếu tâm hồn của một dân tộc, văn hóa chính là nhân cách cộng đồng của dân tộc ấy. Điều đó hoàn toàn đúng với nền văn hóa Ấn Độ. Trải rộng trên một không gian của một tiểu lục địa mênh mông và đi suốt dọc chiều dài 40 thế kỷ, văn hóa Ấn Độ đã kết tinh lại thành “bản sắc Ấn Độ”, “tinh thần Ấn Độ”.

Đặc trưng đầu tiên của “tinh thần Ấn Độ” là sự tôn trọng những giá trị tâm linh. Từ những thế kỷ xa xưa, trong cái vô tận của một thiên nhiên hoang sơ, đầy hăm dọa và luôn luôn biến động, con người Ấn Độ đã có suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống và bản ngã của mình để rút ra kết luận rằng, chỉ bằng tư tưởng, tinh thần, những sinh linh nhỏ bé và yếu ớt như con người mới trở thành mạnh mẽ và vĩ đại. Vì vậy, điều quan tâm chủ yếu đối với một con người, theo tinh thần Ấn Độ, chính là đời sống tâm linh, khát vọng hướng tới sự giác ngộ và siêu thoát vĩnh viễn, chứ không phải là đời sống vật chất phù phiếm của hình hài và những mãn nguyện khoảnh khắc của hình hài.

Tuy nhiên, trong khi nhìn sâu vào đời sống tâm linh, con người Ấn Độ - nhất là quần chúng nhân dân - vẫn đứng vững trên mảnh đất hiện thực của trần thế. Trong đời sống văn hóa Ấn Độ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái đạo và cái đời, sự hòa đồng giữa cái mộng và cái thực. Ngay từ thời cổ đại, ở Ấn Độ đã có những môn phái triết học duy vật. Ngày nay trong xã hội Ấn Độ hiện đại, xu hướng quan tâm đến tính thực tế của thế giới vật chất ngày càng phát triển. Song xu hướng đó thường không vượt quá những giới hạn chuẩn mực, không lấn át cái tâm linh, không làm tha hóa con người. Văn hóa Ấn Độ đang cố gắng vươn tới sự hài hòa.

Một đặc trưng khác của nền văn hóa Ấn Độ là tinh thần gắn bó với truyền thống. Theo tinh thần Ấn Độ, cuộc sống của một con người xét rộng ra là cuộc sống của một cộng đồng dân tộc, là một dòng chảy liên tục và bất tận. Quá khứ trổ hoa và kết trái thành hiện tại; đến lượt nó, hiện tại sẽ đâm chồi nảy lộc trong tương lai. Văn hóa chính trị là một sự tích lũy thường trực. Từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, con người Ấn Độ đã kiên nhẫn xây từng viên gạch, hòn đá để tạo nên tòa lâu đài văn hóa uy nghi, đồ sộ của mình. Trên nền tảng văn hóa truyền thống, văn hóa Ấn Độ hiện đại ngày càng đạt được những thành tựu mới. Truyền thống là cơ sở cho sự cách tân. Trung thành với nguồn cội của mình, dòng sông văn hóa Ấn Độ đang chảy xuôi ra biển cả. Nhà triết học Ấn Độ hiện đại Ô-rô-bin-đô Ghô-zơ đã nói: “Quá khứ đối với chúng ta là thiêng liêng, nhưng tương lai lại còn thiêng liêng hơn”. Còn cố Tổng thống Ấn Độ R. Kri-xman thì đã khuyên nhủ thanh niên Ấn Độ chớ nên tự biến mình thành những tù nhân của quá khứ, mà phải hành động như những con người hành hương đi đến tương lai.

“Tinh thần Ấn Độ” còn thể hiện qua sự giao lưu văn hóa hòa bình với các nước xung quanh. Cũng như các nền văn hóa lớn khác trên thế giới, trong lịch sử, văn hóa Ấn Độ tiếp nhận, đồng hóa nhiều yếu tố văn hóa ngoại nhập, đồng thời cũng tỏa rộng ảnh hưởng của mình ra thế giới bên ngoài. Dấu ấn của những nền văn hóa Hin-đu và Phật giáo còn khá đậm nét trong văn hóa của các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á, ở các loại hình mỹ thuật cũng như trong văn hóa dân gian. Đạo Phật Đại thừa đã vượt biên giới quê hương của mình để đi tới nhiều quốc gia châu Á. Thế nhưng, sự lan tỏa của nền văn hóa Ấn Độ không giống với sự lan tỏa của một số nền văn hóa khác. Có những đế quốc cổ trung đại đã tiến hành những cuộc xâm lăng văn hóa qua vó ngựa, lưỡi gươm của các đội quân chinh phục, hay qua sự áp đặt cưỡng chế của những viên quan cai trị. Còn sự lan tỏa của văn hóa Ấn Độ lại mang sắc thái hòa bình, thông qua các thương nhân, nhà sư và tăng lữ. Thường là các quốc gia trong vùng đã chắt lọc lấy tinh hoa của văn hóa Ấn Độ để hòa tan vào dòng chảy của nền văn hóa truyền thống bản địa và tạo thành nền văn hóa dân tộc độc đáo riêng có của mình. Ở đây, văn hóa là cây cầu hữu nghị nối liền tâm hồn các dân tộc, là con đường ngắn nhất để cho các quốc gia xa cách xích lại gần nhau.

Trong thế kỷ XX, thế giới đã dành những cảm tình ưu ái của mình đối với Ấn Độ của nhà thơ thế kỷ Ta-go, của vị liệt thánh Ma-ha-mát Găng-đi, của con người kiến tạo không mệt mỏi đất nước Ấn Độ mới G. Nê-ru, của người phụ nữ đã hiến dâng cuộc đời mình cho chính nghĩa và tự do In-đi-ra Găng-đi.

Phát huy truyền thống văn hóa lâu đời và những giá trị tinh thần vững chắc, bước sang thế kỷ XXI, Ấn Độ đang dần trở thành một cường quốc, có nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng một xã hội mới, diệt trừ lạc hậu và nghèo nàn, cũng như trong công cuộc đấu tranh chống lại những thế lực đế quốc mới vì một nền hòa bình và hữu nghị bền vững giữa các dân tộc trên thế giới.

2. Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia đã có những mối giao lưu kinh tế và văn hóa từ lâu đời. Từ xa xưa, văn hóa Ấn Độ đã lan tỏa ảnh hưởng đến nhiều vùng đất của Việt Nam ngày nay. Những dấu tích khảo cổ học ở các di chỉ Ốc Eo (Nam Bộ), Mỹ Sơn, Trà Kiệu (Trung Bộ), những tháp Chàm cổ kính trải dọc suốt dải đất miền Trung như các tháp Mỹ Sơn, Hòa Lai… đã nói lên điều đó. Cũng từ xa xưa, một số vị cao tăng người Ấn Độ đã đến Việt Nam truyền đạo như các nhà sư Khâu-đà-la, Ma-ha Kỳ-vực, Đạt-ma Đề-bà, Ti-ni-đa Lưu Chi… Ngược lại, một số người Việt Nam cũng từng có dịp sang thăm quê hương của Phật Thích Ca như các nhà sư Vân Kỳ, Mộc-xoa Đề-bà, Huệ Diệu, Trí Hành...

Sau khi Việt Nam xóa tan đêm trường Bắc thuộc, xây dựng một quốc gia độc lập, sự giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc đã tiếp tục phát triển, qua những con đường trực tiếp và gián tiếp. Trong một điệu múa lân, một nhịp trống cơm, trong những nét hoa văn ở bệ tháp Bình Sơn, hoặc tượng chim thần Ga-ru-đa ở chùa Phật Tích đến những loại hình văn hóa dân gian như đánh vật, chọi gà, chúng ta đã thấy phảng phất dáng nét đan xen của hai nền văn hóa Ấn-Việt. Qua những truyện cổ tích Việt Nam, bóng hình ông Bụt hiền từ và thương người cũng chính là hình ảnh khúc xạ của đức Phật Bu-đa, Phật Thích Ca. Rồi đến những nhân vật trong một số truyện truyền kỳ cũng là tiếp biến những tên gọi của một số nhân vật trong sử thi Ấn Độ như Vi Bà (tức Ra-ma), Bạch Tĩnh (tức Si-ta) hoặc Dạ Thoa mười đầu (tức quỷ Ra-va-na) được kể lại trong Lĩnh Nam chích quái …

Bước sang thời cận hiện đại, hai dân tộc Ấn - Việt lại cùng chung một số phận lịch sử, cùng chịu ách thống trị của chủ nghĩa thực dân rồi cùng vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, bảo vệ nền văn hóa dân tộc. Mặc dù bị bọn thống trị chia rẽ và ngăn cách, những tiếng nói bạn bè vẫn đến với nhau. Trên đường hoạt động cách mạng cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc của Việt Nam đã từng gặp gỡ lãnh tụ G. Nê-ru của Ấn Độ ở châu Âu từ năm 1928. Nhiều người Việt Nam đã rất quen thuộc với tên tuổi của Thánh Găng-đi. Đại thi hào Ấn Độ R. Ta-go cũng đã từng đến Việt Nam, mang theo tiếng nói của tinh thần hữu nghị, hòa bình giữa hai dân tộc.

Sau khi Ấn Độ và Việt Nam giành được chủ quyền độc lập, những mối quan hệ hữu nghị về chính trị, văn hóa giữa hai nước lại càng được thắt chặt, phát triển hơn. Nói như cố Thủ tướng G. Nê-ru: “Vào lúc sự đô hộ ra đi, những bức tường ngăn cách chúng ta đã sụp đổ, chúng ta lại nhìn thấy nhau và gặp gỡ nhau như những bạn bè lâu ngày xa cách”. Các nhà lãnh đạo hai nước, mở đầu là Thủ tướng G. Nê-ru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có dịp đi thăm lẫn nhau. Thủ tướng G. Nê-ru là nhà chính khách nước ngoài đầu tiên đến thăm và chúc mừng lãnh đạo Việt Nam sau một tuần tiếp quản Thủ đô Hà Nội và chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 10-1954. Tháng 02-1958, chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Ấn Độ, Thủ tướng G. Nê-ru đã phát biểu: “Chúng ta đã tiếp xúc với một người mà người ấy là một bộ phận của lịch sử châu Á. Chúng ta đã gặp gỡ một vĩ nhân, đồng thời chúng ta đã gặp gỡ một giai đoạn lịch sử”.

Trong suốt 44 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 07-01-1972 và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2007, mối quan hệ đó không ngừng phát triển rực rỡ, ngày càng đi vào chiều sâu, hợp tác hiệu quả và mở rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hai nước luôn hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế... Đồng thời với sự hợp tác kinh tế, an ninh quốc phòng, những trao đổi văn hóa giữa hai nước cũng được đẩy mạnh. Các tác phẩm văn học tiêu biểu của Ấn Độ thuộc mọi thời kỳ đã được dịch, giới thiệu ở Việt Nam và ngược lại. Nhiều nghệ sĩ Việt Nam qua Ấn Độ, đã mang theo về những điệu múa cổ điển và dân gian Ấn Độ thấm đượm tình người. Nhân dân hai nước ngày càng hiểu rõ hơn về nền văn minh và văn hóa lâu đời của mỗi nước. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, truyền hình, triển lãm ảnh, triển lãm không gian du lịch, trại sáng tác nghệ thuật tại mỗi nước đã giúp các tầng lớp nhân dân hai nước hiểu rõ hơn về truyền thống văn hóa, nghệ thuật và bản sắc dân tộc của mỗi nước, qua đó thúc đẩy quan hệ văn hóa và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước ngày càng phát triển rực rỡ./.