Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 20-4-2009 đến 26-4-2009)
TCCSĐT - 1. Diễn đàn đầu tư toàn cầu của Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đặc khu hành chính Hồng Công, chiều 20-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và đối thoại với các nhà đầu tư Hồng Công và quốc tế tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu của Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Crédit Suisse và Hội đồng phát triển thương mại Hồng Công tổ chức. Điểm đặc biệt tại diễn đàn đầu tư toàn cầu là ngoài sự tham dự trực tiếp của hơn 400 lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty của Hồng Công và quốc tế, diễn đàn còn được kết nối truyền hình trực tuyến với các nhà đầu tư quốc tế tại nhiều thành phố trên thế giới như Luân-đôn, Du-rich, Tô-ki-ô, Xin-ga-po, Giơ-ne-vơ, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh… Tại Diễn đàn này, các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam trong đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngân hàng thế giới cam kết tiếp tục hỗ trợ thêm nguồn tài chính cho Việt Nam để giải quyết các thách thức từ cuộc khủng hoảng tài chính, đồng thời bày tỏ lạc quan Việt Nam sẽ sớm vượt qua khó khăn và vẫn là điểm hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Diễn đàn đầu tư toàn cầu của Việt Nam cũng công bố các hợp đồng huy động vốn cho các tập đoàn, tổng công ty của Việt Nam với số vốn lên tới hơn 1 tỉ USD.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ mười chín
Ngày 21-4-2009, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ mười chín. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến đối với 14 dự án luật, pháp lệnh gồm: Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Luật Khám, chữa bệnh; Luật Viễn thông; Luật Cơ yếu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Lý lịch tư pháp; Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Bồi thường nhà nước; Luật Quản lý nợ công; Luật Quy hoạch đô thị. Trong phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn thảo luận, cho ý kiến về: Giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư công trình thủy điện Sơn La; dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010; báo cáo của Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm; phương án phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2008.
3. Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản
Ngày 22-4-2009, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Phu-cu-ô-ca, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản. Việt Nam - Nhật Bản đã ra Tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh hai bên thỏa thuận sẽ thực hiện các chuyến thăm cấp cao hàng năm, thúc đẩy hơn nữa giao lưu giữa các chính đảng, giao lưu nghị viện và giao lưu nhân dân giữa hai nước. Quan hệ hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã bước vào một giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước, đó là cùng nhau xây dựng quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở khu vực châu Á.
4. Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, thăm Liên bang Nga và Cộng hòa Séc
Ngày 22-4-2009, nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga Mi-rô-nốp, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và phu nhân dẫn đầu rời Hà Nội lên đường thăm chính thức Liên bang Nga. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quan hệ hũu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Liên bang Nga, các nước thuộc cộng đồng các quốc gia độc lập SNG đang trong giai đoạn phát triển tích cực. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh chính quyền thành phố Xanh Pê-téc-bua đã mở rộng hợp tác với nhiều địa phương của Việt Nam, đồng thời cảm ơn chính quyền, nhân dân thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Xanh Pê-téc-bua. Kết thúc chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, sau khi rời thành phố Xanh Pê-téc-bua, chiều 26-4 (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới thủ đô Pra-ha, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc. Tối cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội đã tới thăm và nói chuyện với cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc, gặp gỡ cộng đồng người Việt đang làm ăn tại Trung tâm thương mại SAPA.
5. Việt Nam chính thức đăng tải Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam
Báo cáo này sẽ được trình bày tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) vào ngày 8-5-2008. Báo cáo khẳng định: Nhà nước Việt Nam coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội và luôn nhất quán trong việc đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người. Nhà nước và nhân dân Việt Nam hiểu rõ quyền con người gắn với độc lập, hòa bình, dân chủ và phát triển. Việc duy trì một môi trường hòa bình, ổn định từ khi đất nước thống nhất năm 1975 đến nay là một thành tựu to lớn và cũng là nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ và thực hiện các quyền con người ở Việt Nam. Những kết quả này đã tạo tiền đề cần thiết cho việc thực hiện các quyền của người dân trên mọi lĩnh vực. Báo cáo giới thiệu những thông tin cơ bản về Việt Nam; đánh giá việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền ở cấp quốc gia (về các quyền dân sự và chính trị; các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá); Quyền của các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, dân tộc thiểu số, người khuyết tật); về các kinh nghiệm thành công và thách thức và các ưu tiên quốc gia.
6. Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam
Ngày 25-4-2009, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Chum-ma-li Xay-a-xôn kết thúc tốt đệp chuyến thăm Việt Nam. Tuyên bố chung Việt Nam - Lào được công bố khẳng định, hai bên nhất trí về những phương hướng và biện pháp quan trọng nhằm củng cố sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá... Hai bên hết sức phấn khởi và tự hào sâu sắc về mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đang không ngừng được củng cố và phát triển; đặc biệt, trong năm 2008, quan hệ hai nước đã có bước phát triển mới, sự tin cậy, gắn bó ngày càng thêm sâu sắc và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Hai bên một lần nữa khẳng định quyết tâm mãi mãi giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, coi đây là tài sản vô giá của hai dân tộc truyền tiếp cho các thế hệ mai sau, là quy luật phát triển, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
7. Cuộc gặp mặt “Huyền thoại Trường Sơn”
Tối ngày 25-4-2009, tại khu vực “Hang 8 cô” ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, trên đường 20 Quyết thắng, tuyến đường quan trọng trong hệ thống đường Trường Sơn năm xưa, diễn ra cuộc gặp mặt đầy xúc động của các cựu chiến binh đường Trường Sơn. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Tư lệnh đoàn 559, cùng nhiều nhân chứng lịch sử là những tướng lĩnh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong một thời xây dựng và chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch tham dự. Cuộc gặp mặt mang tên “Huyền thoại Trường Sơn” đã tái hiện lịch sử oai hùng trên tuyến đường Trường Sơn kể từ khi mở đường (19-5-1959) đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975). Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết xúc động khẳng định, những chiến sỹ ngày ấy ra đi họ biết rằng họ có thể hy sinh nhưng họ sẵn sàng hy sinh để cho đất nước Việt Nam độc lập, nở hoa kết trái. Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai cùng bè bạn năm châu là việc làm tốt nhất để thể hiện lòng biết ơn với người đã ngã xuống. Và thế hệ trẻ, những người tiếp nối chặng đường của cha anh đi trước, hãy sống sao cho xứng đáng với thế hệ cha anh, sống xứng đáng với những người đã khuất.
8. Nhận dạng các thách thức của châu Á và vai trò mới của Việt Nam
Ngày 23-4, tại Thành phố Hồ Chí Minh Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với thời báo The Wall Street Journal (Mỹ) đã tổ chức Hội nghị doanh nghiệp châu Á lần thứ 19 với chủ đề “Nhận dạng các thách thức của châu Á và vai trò mới của Việt Nam”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham dự và chủ trì Diễn đàn "Nguồn nhân tài: Giáo dục và nâng cao năng lực". Các báo cáo của đại biểu trình bày tại hội nghị đã tập trung phân tích những vấn đề cũng như hệ quả dài hạn, những hiệu ứng lây lan của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đối với châu Á; tác động trực tiếp cũng như gián tiếp của chính sách kinh tế thương mại Hoa Kỳ đối với khu vực; quá trình cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là tại các thành phố có tiến trình công nghiệp hóa nhanh; giải pháp củng cố hệ thống tài chính toàn cầu; giáo dục và nâng cao năng lực nguồn nhân lực; thế hệ doanh nhân mới của châu Á và liệu Việt Nam có nổi lên trở thành nước đứng đầu ASEAN.
9. Bộ Chính trị kết luận Về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025
Ngày 24-4-2009, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ra Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025. Trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít và triển khai hai dự án nói trên. Trong đó, lưu ý chỉ đạo chặt chẽ về sử dụng công nghệ, bảo vệ môi trường, hoàn thổ, trồng rừng, đền bù tái định cư, những vấn đề xã hội, bảo đảm đời sống cho đồng bào thuộc diện phải thu hồi đất, quản lý tốt lao động nước ngoài và trật tự an toàn xã hội trong vùng dự án...
10. Chương trình Vinh quang Việt Nam: Tôn vinh những con người bình dị mà cao quý
Nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và hội nhập, tối 26-4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu Nghị Việt Xô đã diễn ra Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ VII. Các đại biểu đã giao lưu vớicác cá nhân tiêu biểu và đại diện của đơn vị Anh hùng Lao động. Phát biểu tại Chương trình giao lưu, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đánh giá cao Chương trình Vinh quang Việt Nam và hy vọng Chương trình sẽ có sức lan tỏa, góp phần tạo nên không khí phấn khởi, lạc quan trong lao động sáng tạo, thi đua, xây dựng đất nước. Tại Chương trình Vinh quang Việt Nam, các khán giả đã giao lưu với các nhân vật điển hình tiêu biểu được phát hiện từ cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” và một số cá nhân, đại diện tập thể có nhiều đóng góp trong phong trào thi đua yêu nước./.
*** Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 13-4-2009 đến 19-4-2009)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 20-4-2009 đến 26-4-2009)  (27/04/2009)
IMF tăng gấp đôi hạn mức tín dụng cho các nước nghèo  (27/04/2009)
Kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu phục hồi  (27/04/2009)
Chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trí thức ở Quảng Ninh  (27/04/2009)
CPI tháng 4-2009 tăng 0,35%  (27/04/2009)
Công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBND các quận, huyện Đà Nẵng  (27/04/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển