TCCSĐT - Ngày 14-7-2016, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai thực Quyết định số 445/QĐ-TTg, ngày 21-3-2016, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có 1.242 hợp tác xã, trong đó có 38% số hợp tác xã hoạt động khá, 30% hoạt động trung bình, 32% hoạt động yếu kém. Phần lớn là các hợp tác xã nông nghiệp - có quy mô nhỏ; thiếu cán bộ quản lý có chuyên môn sâu, năng lực quản trị yếu; chưa thực hiện tốt chế độ kế toán, thống kê, quản lý tài chính theo quy định; số lượng thành viên ít, hoạt động đơn lẻ, phạm vi hoạt động hẹp, chưa chú trọng liên kết hợp tác với nhau; lợi ích mang lại cho các thành viên trong hợp tác xã không nhiều; chưa đáp ứng yêu cầu liên kết với doanh nghiệp để phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường,… Vì thế, việc triển khai thực Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020” là một vấn đề tất yếu, mang tính cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy phát triển bền vững, đúng bản chất các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp; giúp hộ nông dân khắc phục cơ bản thua thiệt trên thị trường, gia tăng lợi ích cho số đông nông dân thông qua liên kết hữu cơ trong chuỗi giá trị nông sản nhằm tăng cường sức mạnh tập thể của các thành viên trong hợp tác xã, từ đó cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng nông dân và cư dân địa phương.

Theo Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thí điểm phát triển các hợp tác xã kiểu mới ở đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 tập trung vào các nội dung: Hỗ trợ đào tạo năng lực quản trị, kinh doanh cho cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp; tăng cường các giải pháp về vốn cho sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ thu hút và đào tạo nâng cao năng lực cán bộ khoa học kỹ thuật của hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp cho các hợp tác xã. Trong giai đoạn 2016-2020, khoảng 300 hợp tác xã hoạt động khá, có điều kiện, năng lực phát triển sẽ được ưu tiên tập trung thí điểm hoàn thiện mô hình hợp tác xã lúa gạo, trái cây, thủy sản; sau đó đến các mô hình liên hiệp hợp tác xã lúa gạo, liên hiệp hợp tác xã trái cây, liên hiệp hợp tác xã thủy sản.

Lộ trình cụ thể được đề ra là: Giai đoạn 1 (2016 -2017): thí điểm hoàn thiện mô hình hợp tác xã. Trong đó ưu tiên thí điểm các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia các chuỗi giá trị nông sản. Giai đoạn 2 (2017-2018): thí điểm hòan thiện mô hình liên hiệp hợp tác xã lúa gạo quy mô tỉnh với yêu cầu mỗi liên hiệp hợp tác xã có ít nhất 4 hợp tác xã thành viên tự nguyện hợp tác thành lập, có ít nhất 100 thành viên , vốn điều lệ ít nhất một tỷ đồng. Giai đoạn 3 (2018-2020): thí điểm hoàn thiện mô hình liên hiệp hợp tác xã lúa gạo, trái cây, thủy sản quy mô vùng. Trong đó, riêng liên hiệp hợp tác xã lúa gạo quy mô vùng phải có vốn điều lệ tối thiểu là 100 tỷ đồng.

Qua tập trung thảo luận, Hội nghị đã thống nhất kiến nghị một số vấn đề cơ chế, chính sách, điều kiện, giải pháp để triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao theo kế hoạch đề ra:

- Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể và bố trí nguồn vốn để thực hiện Quyết định số 2261/QĐ-TTg, ngày 15-12-2014, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020.

- Theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP “Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”, nhiều hợp tác xã nông nghiệp hiện nay không thể tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đề nghị Chính phủ có chủ trương đối với hợp tác xã, các tổ chức tín dụng chỉ nên xem xét phương án sản xuất kinh doanh khả thi để cho vay.

- Đề nghị Trung ương sớm ban hành hướng dẫn chính sách tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo quy định tại Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đặc biệt là nội dung bảo lãnh tín dụng, nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã dễ tiếp cận nguồn vốn vay.

- Trung ương nên có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về hợp tác xã tập trung từ tỉnh đến huyện để các địa phương có cơ sở pháp lý tập trung đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, nhằm gia tăng nguồn lực tuyên truyền, hỗ trợ các hợp tác xã phát triển.

- Để thực hiện có hiệu quả Đề án, cần có chính sách điều động, luân chuyển, đưa cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành tham gia và bộ máy quản lý hợp tác xã nông nghiệp được xây dựng theo các mô hình thí điểm trong thời hạn 3-5 năm. Nguồn nhân lực này sẽ giúp các hợp tác xã tổ chức quản lý, hoạt động đúng theo định hướng hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đề ra./.