TCCSĐT - Thực hiện lộ trình chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, theo Quyết định số 40/QĐ-TTg, ngày 07-01-2016, của Thủ tướng Chính phủ, sáng 23-6-2016, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Báo Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt: Kết nối và hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới”.

Tham dự Diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Trần Hữu Bình, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại và hơn 200 doanh nhân, đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Trong số đó có 8 FTA đã có hiệu lực là Hiệp định thương mại tự do ASEAN và 5 hiệp định thương mại giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a - Niu-di-lân; 2 hiệp định song phương (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản và Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Chi-lê). Có 2 hiệp định đã ký kết, nhưng chưa có hiệu lực là Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu; 2 hiệp định thương mại thế hệ mới đã kết thúc đàm phán, gồm Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh Châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo đồng chí Hoàng Quang Phòng, những hiệp định ký kết mở ra cho Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng vận hội mới để hội nhập và phát triển. Khi các hiệp định thương mại có hiệu lực thực thi, Việt Nam và các nước đối tác tiếp tục cắt giảm thuế quan theo cam kết, tạo ra cơ hội cạnh tranh hàng hóa. Thị trường trong nước dồi dào, phong phú các sản phẩm ngoại nhập; đồng thời, các hàng hóa của Việt Nam cũng có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn sang các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đầy khó khăn thách thức đối với nền kinh tế và đối với cộng đồng doanh nghiệp khi mở cửa và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi nhiều vấn đề, như cam kết thuế quan trong các hiệp định FTA mới ký kết; phát huy vai trò của xúc tiến thương mại, nắm bắt cơ hội từ các thị trường FTA; hoàn thiện pháp luật về đầu tư; FTA thế hệ mới - cơ hội để kinh tế Việt Nam tham gia sâu sắc hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu;… Các doanh nghiệp, như Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank),… cũng đề xuất các giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.

Trao đổi tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khẳng định: Quốc hội luôn luôn đồng hành, ủng hộ Chính phủ và doanh nghiệp, muốn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để đưa ra những giải pháp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập thành công.

Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt: Kết nối và hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới” thực sự là hoạt động thiết thực, tạo cơ hội để các nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam được tuyên truyền thông tin, nâng cao nhận thức, nắm bắt và hiểu rõ tính tích cực, mức độ tác động của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam vừa mới tham gia./.