Theo kết quả khảo sát của cơ quan có trách nhiệm, tỉnh Quảng Trị có trên 83% diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn và vật liệu nổ. Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm nhưng tiếng bom đạn vẫn còn xảy ra đâu đó trên mảnh đất này. Từ năm 1975 đến nay, trên địa bàn Quảng Trị xảy ra 8.459 vụ tai nạn bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại với 8.522 nạn nhân; trong đó có trên 3.400 người thiệt mạng, hơn 5.000 người bị thương; trong số các nạn nhân, phụ nữ và trẻ em chiếm trên 31%.

Chưa hết bàng hoàng khi nhớ về vụ tai nạn xảy ra tại cơ sở kinh doanh của mình vào tháng 10-2015, chị Bùi Thị Bình, thôn 9 xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong chia sẻ: Hôm ấy, chị đi thu gom phế liệu về mà không biết trong số các phế liệu đó có vật liệu nổ. Trong lúc đang ngồi phân loại sắt và nhựa thì bất ngờ một đầu đạn cũ phát nổ khiến 3 người trong cơ sở của chị bị thương nặng. Chị Bình bị thương ở người và lưng, được đưa đi cấp cứu kịp thời, thoát chết.

Với mong muốn chung tay xoa dịu nỗi đau do bom mìn để lại, là địa phương thực hiện thí điểm đầu tiên trong cả nước, từ năm 1996, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế như MAG (Vương quốc Anh), RENEW và NPA (Na Uy), CPI (Hoa Kỳ), SODI (Đức)…để triển khai rà phá bom mìn trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2013, Trung tâm Điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh tỉnh Quảng Trị được thành lập đã góp phần hỗ trợ các dự án, tổ chức rà phá bom mìn triển khai hiệu quả việc rà phá bom mìn. Các tổ chức quốc tế đã triển khai nhiều hoạt động như: Hỗ trợ kinh phí và phương tiện trong quá trình rà phá; giáo dục phòng tránh bom mìn; hỗ trợ nạn nhân bom mìn trong phát triển sản xuất sau rà phá, t ừ đó góp phần thay đổi nhận thức cũng như cuộc sống của các nạn nhân bom mìn nói riêng và người dân Quảng Trị nói chung. Nhiều việc làm thiết thực như lắp chân, tay giả hay hỗ trợ nguồn vốn, việc làm cho nạn nhân bom mìn đã giúp các nạn nhân vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế.

Việc rà phá bom mìn đã mang lại nhiều kết quả như tỷ lệ tai nạn bom mìn ở Quảng Trị đã giảm hẳn, nhiều diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn lớn được làm sạch, trả lại cho người dân sản xuất. Ông Hoàng Đăng Mai, Giám đốc Trung tâm Điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh tỉnh Quảng Trị cho biết: Từ năm 1996 đến nay, trung tâm đã rà phá được trên 10 triệu m2 đất sạch, tìm được trên 10.000 vật liệu nổ khác nhau, giải phóng đất sạch để người dân sinh sống và sản xuất. Để góp phần nâng cao hiệu quả trong việc hợp tác rà phá bom mìn, thời gian tới cần có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa chính quyền các địa phương, người dân và các tổ chức quốc tế để lựa chọn những phương pháp rà phá hiệu quả và hợp lý nhất.

Qua 20 năm triển khai công tác phối hợp với các tổ chức quốc tế, tại Quảng Trị tỷ lệ tai nạn bom mìn đã giảm đáng kể từ 456 vụ giai đoạn 2001-2007 xuống còn 127 vụ giai đoạn 2008-2014; hơn 270.000 trẻ em được tiếp cận thông điệp về nguy cơ bom mìn và hướng dẫn hành vi an toàn khi gặp phải bom mìn... Có được kết quả trên chính là sự chung tay hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, các tổ chức quốc tế và người dân.

Tuy nhiên, do hậu quả chiến tranh gây ra quá lớn nên công tác khắc phục hậu quả bom, mìn ở Quảng Trị còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, diện tích đất bị ô nhiễm bom, mìn hiện vẫn còn rất lớn, trong khi trang thiết bị kỹ thuật rà phá còn thiếu và chưa đồng bộ. Để thực hiện thành công chương trình khắc phục hậu quả của bom mìn, Quảng Trị rất cần sự chung tay góp sức của người dân, sự hỗ trợ từ các cá nhân, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước./.