Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân: hợp tác bảo đảm an ninh quốc tế
TCCSĐT - Trong hai ngày 31-3 và 01-4-2016, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân (NSS) lần thứ 4 đã diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ). Hội nghị nhằm mục đích kéo cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau để cùng đối phó với mối đe dọa từ nguy cơ khủng bố hạt nhân trên toàn cầu, tái khẳng định các cam kết ở mức cao nhất về tăng cường an ninh hạt nhân, vật liệu phóng xạ và chống lại chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 4 tại Washington (Mỹ). Ảnh: footprint2american.com
Tăng cường an ninh hạt nhân
Diễn ra hai năm một lần, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân được tổ chức theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ B. Obama vào năm 2009. Đây là hội nghị lớn nhất do Mỹ chủ trì kể từ sau hội nghị thành lập Liên hợp quốc năm 1945. Hội nghị hướng tới mục tiêu hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới nhằm kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ phổ biến nguyên liệu hạt nhân.
Hội nghị đầu tiên diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ) tháng 4-2010, thu hút sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ 50 quốc gia và tổ chức quốc tế. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó khẳng định trách nhiệm của mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế trong việc chống khủng bố hạt nhân, tăng cường hợp tác quốc tế ngăn chặn buôn lậu vật liệu hạt nhân, tăng cường vai trò của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), ghi nhận vai trò của Liên hợp quốc và các cơ chế quốc tế, nhấn mạnh các hoạt động an ninh hạt nhân không được ảnh hưởng đến quyền của các quốc gia được sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình...
Tháng 3-2012, Hội nghị lần thứ hai diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc). Ngoài các nhà lãnh đạo từ hơn 50 nước, Hội nghị có sự tham gia của đại diện IAEA, Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc và Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol). Hội nghị đã đạt được cam kết của các nước trong việc phối hợp hành động để giải quyết các mối đe dọa hạt nhân, thúc đẩy các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thế giới, như cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu, vai trò của IAEA, vật liệu hạt nhân, các nguồn phóng xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, an ninh vận chuyển, chống buôn lậu, giám định hạt nhân, văn hóa an ninh hạt nhân, an ninh thông tin và hợp tác quốc tế.
Khẳng định cam kết về các mục tiêu chung, Hội nghị lần thứ ba tại La Hay (Hà Lan) tháng 3-2014 có mặt của nguyên thủ các cường quốc hạt nhân thế giới, tập trung vào các vấn đề: giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình; tăng cường an ninh hạt nhân, giảm thiểu nguy cơ khủng bố; đề cao trách nhiệm cơ bản của các quốc gia trong bảo đảm an ninh hạt nhân, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường và phối hợp tốt hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh hạt nhân.
Qua các kỳ hội nghị, NSS là nơi các nước, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là những cường quốc hạt nhân thế giới, ngồi lại với nhau để tìm ra các giải pháp kiểm soát sử dụng nguyên liệu hạt nhân, bảo đảm môi trường an ninh quốc tế. Những thành quả mà thế giới có được, đó là: Các hội nghị đã hoàn toàn chấm dứt việc sử dụng uranium được làm giàu ở cấp độ cao (còn gọi là HEU) ở 12 quốc gia, đóng cửa hoặc chuyển sang sử dụng urani được làm giàu ở cấp độ thấp (gọi là LEU) tại 24 lò phản ứng và các cơ sở sản xuất chất đồng vị phóng xạ. Đồng thời, hơn 32 cơ sở sản xuất và xử lý vật liệu hạt nhân trên thế giới được nâng cấp năng lực bảo vệ, trong khi các cửa khẩu hải quan, phi trường và cảng biển được tăng cường các thiết bị an ninh phát hiện phóng xạ.
Với lần thứ 4 này, NSS 2016 do Tổng thống Mỹ B. Obama chủ trì, diễn ra trong hai ngày nhằm thảo luận về kịch bản xảy ra khủng bố hạt nhân trong bối cảnh thực tế hiện nay. Theo ước tính của Nhà Trắng, hiện trên thế giới có khoảng 2.000 tấn nguyên liệu hạt nhân có thể sử dụng được. Trong khi đó, để chế tạo một quả bom nguyên tử chỉ cần 25 kg urani làm giàu mức độ cao. Do vậy, khủng bố hạt nhân đang trở thành mối đe dọa thực sự đối với kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Bảo đảm môi trường an ninh quốc tế
NSS 2016 là hội nghị hạt nhân cuối cùng trước khi Tổng thống B. Obama rời Nhà Trắng. Do vậy, trước khi diễn ra Hội nghị, giới quan sát quan ngại việc Tổng thống B. Obama mãn nhiệm sẽ phần nào làm chậm lại nỗ lực hợp tác hạt nhân giữa các chính phủ vốn có ý nghĩa quan trọng đối với việc ngăn chặn các nhóm khủng bố sở hữu vũ khí hạt nhân. Đồng thời, khiến Hội nghị khó đạt được sự thống nhất cao. Tuy nhiên, với những gì cộng đồng quốc tế làm được qua các kỳ Hội nghị thông qua việc thể chế hóa các cam kết hành động cụ thể thì cuộc chiến chống khủng bố hạt nhân được cho là vẫn sẽ có đà để triển khai. Trong vai trò chủ trì hội nghị, Mỹ cũng đã khẳng định mong muốn hội nghị này là diễn đàn để nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về mối đe dọa từ nguy cơ khủng bố hạt nhân trên toàn cầu, qua đó, thúc đẩy các cam kết quốc tế về tăng cường an ninh hạt nhân. Tổng thống B. Obama cho rằng, phổ biến và khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân là một trong những thách thức lớn nhất đối với an ninh và hòa bình quốc tế. Cộng đồng quốc tế đã có những bước đi nhằm tăng cường cơ chế bảo đảm an ninh hạt nhân toàn cầu, trong đó có Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Với vai trò từng là quốc gia duy nhất sử dụng vũ khí hạt nhân, Mỹ có trách nhiệm tiếp tục đi đầu trong việc loại bỏ vũ khí hạt nhân, Tổng thống B. Obama khẳng định.
Tập trung thảo luận về các mối đe dọa an ninh hạt nhân, nguy cơ các tổ chức khủng bố thu thập, chế tạo và sở hữu các loại vũ khí làm từ vật liệu hạt nhân, hơn 50 nhà lãnh đạo của các nước đã tổng kết những kết quả đạt được kể từ Hội nghị NSS lần thứ nhất. Qua đó, bàn thảo về các vấn đề, như “tối thiểu hóa” sử dụng u-ra-ni làm giàu cấp độ cao, thúc đẩy tàng trữ an toàn nguyên liệu hạt nhân, tấn công buôn lậu hạt nhân, phát hiện và đập tan các hoạt động khủng bố hạt nhân, tăng cường hệ thống an ninh hạt nhân quốc tế.
Tại Hội nghị, các nước bày tỏ quan ngại về hiểm họa rò rỉ các nguồn nguyên liệu hạt nhân vào tay các tổ chức khủng bố có thực lực như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Theo nhiều chuyên gia, nguy cơ này thậm chí còn hiện hữu và thực tế hơn là việc phổ biến vũ khí hạt nhân thực sự, bởi cơ chế kiểm soát và quản lý nguồn nguyên liệu phóng xạ hiện còn lỏng lẻo. Những nguyên liệu này có thể thu thập được qua các cơ sở y tế, thương mại và công nghiệp tại nhiều nơi trên thế giới. Những tổ chức như IS chỉ cần 10gr vật liệu phóng xạ và một thiết bị nổ thông thường là có thể khiến một thành phố trở nên hoang tàn trong nhiều năm. Bảo đảm an ninh các nguồn vật liệu phóng xạ cũng được thảo luận ở cả góc độ của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ vốn được tổ chức thành các hội nghị bên lề, bổ sung cho hội nghị thượng đỉnh.
Nguy cơ IS sở hữu bom bẩn phóng xạ cũng được cảnh báo tại Hội nghị. Giới chuyên gia cho rằng, IS khó có khả năng phát triển bom hạt nhân, song lực lượng này có thể chế tạo bom bẩn phóng xạ, loại vũ khí có thể gây ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng và kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, sức khỏe và sinh lý. Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ B. Rhodes nhận định, các tổ chức khủng bố như IS vẫn luôn có tham vọng với vật liệu hạt nhân. Do đó, các nước cần xem xét và đánh giá mức độ bảo đảm an ninh hạt nhân của mình.
Hội nghị còn đề cập đến biện pháp tăng cường an ninh mạng của các trung tâm điện hạt nhân. Những biện pháp này được đưa ra chỉ hơn 1 tuần sau một loạt vụ khủng bố kinh hoàng xảy ra tại Brussels (Bỉ) hồi tháng 3-2016 và nhất là từ cảnh báo của Cơ quan chống khủng bố châu Âu về nguy cơ các nhà máy điện hạt nhân của Bỉ bị tấn công mạng.
Hội nghị cũng tập trung về vấn đề phi hạt nhân hóa tại Bán đảo Triều Tiên. Kể từ đầu năm đến nay, Triều Tiên tuyên bố thử thành công một quả bom nhiệt hạch, phóng một tên lửa tầm xa mang vệ tinh lên quỹ đạo và liên tiếp thử tên lửa tầm ngắn, khiến dư luận quốc tế không khỏi lo ngại về tiến trình phi hạt nhân hóa của nước này.
Ngoài ra, bên lề Hội nghị, một số nước đã đạt được những ký kết song phương về hợp tác an ninh hạt nhân. Mỹ và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về Hợp tác An ninh hạt nhân tại cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ B. Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo đó, hai bên cam kết hợp tác thúc đẩy môi trường quốc tế hòa bình và ổn định qua việc giảm bớt mối đe dọa về khủng bố hạt nhân, phấn đấu vì một cơ cấu an ninh hạt nhân toàn cầu ổn định, bao gồm tất cả các bên và mang tính phối hợp hơn. Nhất trí hợp tác điều tra và ngăn chặn việc buôn lậu nguyên vật liệu hạt nhân, cũng như hợp tác trong các vấn đề khác liên quan đến an ninh hạt nhân.
Nhật Bản - Hàn Quốc cũng có cuộc đối thoại bên lề Hội nghị. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ hội nghị thượng đỉnh song phương tháng 11-2015. Nhật Bản và Canada đã nhất trí về sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ giữa hai nước và những thành viên khác của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố. Na Uy và Mỹ đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác không phổ biến hạt nhân và an ninh hạt nhân nhằm tạo thuận lợi cho việc xác định, bảo đảm an toàn và loại bỏ nguyên liệu hạt nhân cũng như chống buôn bán bất hợp pháp xuyên biên giới quốc gia. Trung Quốc và Hàn Quốc nhất trí thúc đẩy các cuộc đối thoại nhằm tháo gỡ thế bế tắc hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên.
Trên cơ sở các nước tham gia NSS 2016 trình bày tiến trình thực hiện các cam kết trước đây cùng với đó là thảo luận về các vấn đề an ninh hạt nhân nổi cộm hiện nay, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định cam kết ngăn chặn việc để các loại vũ khí hạt nhân rơi vào tay những phần tử cực đoan, thúc đẩy giải trừ hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và chỉ sử dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thế giới cũng cảnh báo, nguy cơ các loại vũ khí hạt nhân rơi vào tay các lực lượng cực đoan vẫn là một nguy cơ “gia tăng thường trực”. Tuyên bố chung khẳng định, “còn nhiều việc cần phải làm để ngăn chặn các lực lượng phi nhà nước sở hữu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ, sử dụng cho các mục đích đen tối”. Ngoài ra, các nước cần tập trung nỗ lực phòng, chống các nguy cơ đối với an ninh hạt nhân, đặc biệt là khủng bố hạt nhân, trong bối cảnh các tổ chức khủng bố đang mở rộng hoạt động, tìm cách tiếp cận công nghệ và vật liệu phóng xạ, chiêu mộ chuyên gia... Tuyên bố nhấn mạnh cần thúc đẩy môi trường quốc tế ổn định bằng cách giảm nguy cơ khủng bố hạt nhân và tăng cường an ninh hạt nhân.
Kèm theo bản tuyên bố chung này là một phụ lục gồm năm kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia tham dự hội nghị và các cơ quan quốc tế, như Liên hợp quốc, IAEA, Interpol và đối tác toàn cầu. Đối với Liên hợp quốc, tăng cường những nỗ lực thực thi Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an, buộc các thành viên Liên hợp quốc phải có các biện pháp phù hợp chống phổ biến vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học, vũ khí hóa học.
Về phía Interpol, kế hoạch hành động tập trung vào củng cố và mở rộng tập huấn, thực hành ngăn chặn, phản ứng trước các vụ tai nạn hạt nhân, phóng xạ và thực hiện Sáng kiến chống buôn lậu hạt nhân. Trong khi đó, Sáng kiến Toàn cầu Chống khủng bố hạt nhân (GICNT) hướng tới thúc đẩy các hoạt động trao đổi thông tin, chuyên gia và hướng dẫn dò tìm; hỗ trợ các quốc gia phát triển năng lực nghiên cứu hạt nhân; cung cấp kỹ thuật và kỹ năng giải quyết khủng hoảng hạt nhân. Ngoài ra, Hợp tác Toàn cầu về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Global Parnership) sẽ tập trung vào các chương trình có mục tiêu giảm mối đe dọa từ bên trong, tăng cường an ninh đối với nguyên liệu phóng xạ, chống buôn lậu hạt nhân, thảo luận về việc thúc đẩy thực thi Nghị quyết 1540.
Trước đó, Chính quyền Obama tuyên bố, hồi tháng 8-2015, Mỹ tìm kiếm một cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu toàn diện, mạnh mẽ dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng sự tin cậy trong việc bảo đảm an ninh hạt nhân ở các quốc gia. Chính vì thế, với 5 kế hoạch hành động trên, NSS 2016 sẽ thúc đẩy một cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu được sự ủng hộ của chính giới ở mức cao để duy trì các hoạt động quan trọng tiếp theo.
Tiến trình Hội nghị đến nay đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thức rõ về tầm quan trọng cần bảo đảm an ninh hạt nhân, ngày càng có nhiều nước tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này, nhiều quốc gia đã cam kết giảm thiểu sử dụng uranium có độ làm giàu cao... NSS 2016 đã tiếp thêm sức mạnh tăng cường nỗ lực của thế giới cho việc bảo đảm môi trường an ninh toàn cầu cũng như vì sự tiến bộ của nhân loại./.
Nga có thể bán hệ thống an ninh toàn diện cho Ấn Độ  (02/04/2016)
Khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng CELAC tại Cộng hòa Dominicana  (02/04/2016)
Tiếp tục bỏ phiếu kín miễn nhiệm một số chức danh của Quốc hội  (02/04/2016)
Tiểu sử tóm tắt của tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang  (02/04/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn báo chí  (02/04/2016)
Việt Nam ủng hộ các nỗ lực giải trừ toàn diện vũ khí hạt nhân  (02/04/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên