Trân trọng kết quả công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ
Sáng 29-3, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội thảo luận Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Buổi thảo luận phản ánh những góc nhìn đa chiều, bày tỏ sự trân trọng của đại biểu Quốc hội và cử tri đối với đóng góp đặc biệt quan trọng của những người đứng đầu bốn cơ quan trong việc kiên quyết giữ vững chủ quyền Tổ quốc và những nỗ lực lớn lao vì nước vì dân vì công lý.
Buổi thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn của nhiều đại biểu nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan trên trong thời gian tiếp theo.
Phát huy hơn nữa vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước
Đối với Báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định lĩnh vực tư pháp là một trong những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước. Trên cương vị của mình, Chủ tịch nước quan tâm chỉ đạo sát sao công tác cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đánh giá cao kết quả Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã làm được trong nhiệm kỳ qua; cho rằng Chủ tịch nước với tư cách Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp đã quan tâm chỉ đạo đổi mới xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu đất nước và hội nhập.
Hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, hình ảnh Việt Nam ngày càng được khẳng định trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong nhiều hoạt động chưa thể hiện rõ quyền lực Chủ tịch nước trong đối nội và ngoại, nhất là đối nội; chưa thực hiện rõ quyền lực pháp lý, ví dụ vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng an ninh quốc gia. Chức năng trong công bố luật và pháp lệnh mới chỉ thực hiện khâu cuối, Chủ tịch nước chưa thực hiện quyền xem xét lại luật, pháp lệnh nếu có điểm chưa đúng.
Theo đại biểu Sơn, hạn chế này có nguyên nhân khách quan như những quy định của Hiến pháp chưa cụ thể, Chủ tịch nước muốn làm cũng khó thực hiện các mong muốn của mình. Đại biểu đề nhiệm kỳ tới đưa vào chương trình xây dựng luật ban hành Luật về chế định Chủ tịch Nước.
Góp ý về vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) thì cho rằng báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước chưa thể hiện rõ đóng góp của người đứng đầu nhà nước trong kết quả chỉ đạo những vấn đề kinh tế xã hội, nhất là vấn đề quốc kế dân sinh. Bên cạnh đó, vai trò Thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước được ghi trong Hiến pháp, nhưng mới thể hiện trong phong, thăng giáng quân hàm quân hiệu, còn vai trò trong xây dựng lực lượng, đầu tư tài chính, trang bị kỹ thuật cho quốc phòng an ninh chưa rõ nét.
Đại biểu Phương cũng phân tích các văn bản quy phạm để Chủ tịch nước thực thi quyền người đứng đầu Nhà nước không rõ, dẫn tới lúng túng trong thực thi quyền hạn vì hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh. Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội nhiệm kỳ tới hoàn thiện thể chế quy định Chủ tịch nước để thực hiện đúng vai trò, của mình.
Quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa trong giải quyết các vụ án oan sai
Các ý kiến tại buổi thảo luận cho rằng nhiệm kỳ qua, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc xem xét, giải quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật đối với một số vụ án có dấu hiệu oan sai được dư luận xã hội quan tâm lấy lại niềm tin trong nhân dân. Song, nhiều ý kiến đề nghị hai cơ quan tư pháp làm rõ hơn trách nhiệm, quy trình xử lý các vụ án oan sai và có tinh thần, thái độ quyết tâm hơn nữa trong xử lý các vụ việc này.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thẳng thắn: Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao có 30 trang kết quả đạt được nhưng chỉ có nửa trang nêu hạn chế. Những hạn chế này lại rất chung chung. Trong khi đó, có một số hạn chế tồn tại trong nhiều năm, làm dư luận bức xúc lại chưa được đề cập trong báo cáo như để xảy ra oan sai người vô tội, bỏ lọt tội phạm, người tạm giam, tạm giữ bị đánh chết, giải quyết đơn khiếu nại, giám đốc thẩm, tái thẩm chưa kịp thời, tiêu cực trong truy tố, điều tra chưa được khắc phục,” đại biểu Phương dẫn chứng.
Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có 23 trang nêu kết quả đạt được nhưng cũng chưa đến một trang nêu hạn chế. Trong khi thực tế là rất nhiều vụ án không thi hành được, có những bản án tồn đọng trên chục năm, đại biểu Phương nói.
Từ đó, đại biểu Phương đề nghị Tòa án, Viện kiểm sát cần có giải pháp cụ thể hơn, tập trung giải quyết khắc phục việc đơn thư tồn đọng, hạn chế bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của người thực thi công vụ.
Góp ý với báo cáo của hai cơ quan tư pháp, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng trong nhiệm kỳ qua, hai ngành này đứng trước yêu cầu đòi hỏi rất lớn về cải cách tư pháp. Tuy nhiên chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, chất lượng phán quyết cần phải cố gắng hơn nhiều; đội ngũ cán bộ hai cơ quan này vừa thiếu, vừa yếu, còn nhiều hẫng hụt nên án tồn đọng, oan sai; cơ sở vật chất, trang thiết bị của hai ngành cũng còn nhiều hạn chế, đến giờ này trụ sở tòa án, viện kiểm soát cấp huyện nhiều nơi chưa có phải đi thuê để xét xử.
Đại biểu Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị trong báo cáo của hai cơ quan cần đánh giá thêm việc phối hợp với các đoàn đại biểu Quốc hội trong giám sát, xử lý án oan sai. Đại biểu cũng góp ý một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tố, xét xử trong nhiệm kỳ tới.
Nỗ lực lớn của Chính phủ và Người đứng đầu Chính phủ
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ký kết nhiều Hiệp định thương mại quan trọng trong bối cảnh hết sức khó khăn dưới tác động tiêu cực từ tình hình thế giới và trong nước là những điểm nhấn quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được các đại biểu Quốc hội nêu bật trong phần đánh giá về kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2011-2016.
Các đại biểu cho rằng trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy theo hướng xây dựng nhà nước kiến tạo. Các ý kiến khẳng định sự trân trọng những nỗ lực và những kết quả đáng ghi nhận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ, đồng thời bày tỏ tin tưởng, những hạn chế, tồn tại sẽ được khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) thông tin nhiều cử tri cho rằng giá mà trong nhiệm kỳ vừa qua Thủ tướng sớm xử lý, kỷ luật một vài vụ sẽ chấm dứt được tình trạng trên bảo dưới làm lơ.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng nhiệm kỳ vừa qua ngoài những thành tích mà cử tri công nhận, Chính phủ vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Tình hình tham nhũng nghiêm trọng đã xâm phạm quyền lợi của người dân lương thiện và suy yếu tiềm lực đất nước, tàn phá tài nguyên quốc gia. Đặc biệt, tình hình phạm pháp đang diễn ra tràn làn và ngày càng công khai.
Cho rằng trách nhiệm để xảy ra tình trạng ấy là của cả hệ thống chính trị, nhưng ông Nghĩa nhấn mạnh Chính phủ có vai trò chủ công.
"Cử tri đề nghị Chính phủ tới đây phải cải cách cách thức điều hành, Thủ tướng phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các Thứ trưởng, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, không đợi hết nhiệm kỳ thì sẽ chấm dứt tình trạng trên bảo dưới làm lơ", đại biểu Nghĩa nói.
Các đại biểu cũng trao đổi về một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung trong nhiệm kỳ tới như để tinh giản bộ máy nhà nước, giảm biên chế, cần tập trung sửa đổi ngay trong các văn bản luật quy định về tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước.
Có ý kiến đề nghị mạnh dạn nhất thể hóa một số chức danh giữa cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước, giảm bớt đầu mối cơ quan, tầng nấc trung gian; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương; trong tái cấu trúc nền kinh tế cần tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp vừa và nhỏ; thành lập Bộ Kinh tế Biển...
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đã có 28 đại biểu đăng ký và phát biểu ý kiến. Các ý kiến cơ bản tán thành với bốn báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho rằng các báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc thể hiện đầy đủ các mặt hoạt động của các cơ quan.
Trong nhiệm kỳ có nhiều khó khăn, nhưng bốn cơ quan đã có nhiều nỗ lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, góp phần đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Trong nhiệm kỳ tới các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật hành chính, phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội; ngăn chặn hiệu quả tham nhũng, lãng phí; bảo đảm an ninh trật tự; có giải pháp hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu./.
Long An triển khai nhiều giải pháp khắc phục và hỗ trợ người dân nằm trong vùng hạn mặn  (29/03/2016)
Những lý do khiến mạng xã hội không được quy định trong Luật Báo chí  (29/03/2016)
Mỹ hỗ trợ xây dựng chính sách luật về buôn bán động vật hoang dã  (29/03/2016)
Phong tặng, truy tặng danh hiệu cho 184 Mẹ Việt Nam anh hùng  (29/03/2016)
Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước  (29/03/2016)
Hoàn thành 100km tuyến đường thanh niên “Thắp sáng đường quê”  (29/03/2016)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên