Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trao đổi các định hướng lớn

BTV (tổng hợp từ TTXVN, VOV)
22:15, ngày 02-03-2016

TCCSĐT - Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế hẹp Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 22 (AEM Retreat-22) và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 2 đến ngày 3-3 tại thành phố Chiang Mai, tỉnh Chiang Mai, Thái Lan. Tham dự hội nghị có các bộ trưởng, quan chức kinh tế cấp cao các nước thành viên ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh và Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu Cecilia Malmstrom.

Đây là hội nghị thường niên quan trọng để các bộ trưởng kinh tế 10 nước ASEAN trao đổi, thống nhất định hướng lớn và các ưu tiên hợp tác kinh tế ASEAN cũng như xây dựng thành công Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa mới ra đời ngày 31-12-2015.

Dự kiến, các chủ đề chính sẽ được thảo luận tại hội nghị lần này là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, Cơ chế Một cửa ASEAN (ASW), Hệ thống xác nhận ASEAN đối với xuất xứ hàng hóa, Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hệ thống Thông tin thương mại ASEAN (ATR). Hội nghị cũng sẽ xem xét các chương trình giúp đặt nền móng cho tương lai kinh tế của ASEAN, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSEs), xúc tiến thương mại và kiểm soát an toàn thực phẩm.

Tại hội nghị, các bộ trưởng kinh tế ASEAN cũng sẽ thúc đẩy đàm phán RCEP với sáu bên thương lượng là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Mục tiêu của những chương trình này là giúp ASEAN, với dân số 600 triệu người, trở thành một thị trường lớn hơn thông qua kết nối sản xuất, chế tạo, thương mại và đầu tư cũng như điều chỉnh các quy định pháp luật trong nước cho thống nhất, nhằm giúp xúc tiến thương mại và đầu tư mạnh hơn từ khu vực tư nhân.

Hội nghị AEM Retreat lần này được tổ chức vào thời điểm rất quan trọng bởi 10 nước thành viên trong khu vực đang hết sức nỗ lực nhằm xây dựng thành công AEC vừa ra đời, một trụ cột quan trọng hướng tới việc hình thành Cộng đồng ASEAN. Trọng tâm của AEC là các sáng kiến phát triển thị trường và cơ sở sản xuất ASEAN chung dựa trên sự kết nối sức mạnh của thị trường 10 nước ASEAN với hơn 600 triệu người tiêu dùng và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt gần 3.000 tỷ USD/năm.

Thúc đẩy thành lâp AEC luôn là một trong những ưu tiên cao nhất của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. ASEAN là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua, đồng thời Việt Nam đóng góp đáng kể cho ASEAN cả về ý nghĩa thị trường và cơ sở sản xuất.

Tính từ tháng 1 đến tháng 9-2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với thị trường ASEAN đạt hơn 31 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường ASEAN đạt gần 14 tỷ USD (chiếm hơn 11% kim ngạch xuất khẩu của cả nước ra thế giới) và nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ các nước ASEAN đạt xấp xỉ 18 tỷ USD (chiếm trên 14% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước).

Tính đến tháng 9-2015, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu và là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Trung Quốc và Hàn Quốc.

Việt Nam và các nước ASEAN khác cùng gia nhập các câu lạc bộ các nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới về gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hàng dệt may. Việt Nam còn là điểm đến đầu tư khá hấp dẫn của các nhà đầu tư ASEAN. Tính đến hết năm 2014, Singapore, Malaysia, Thái Lan là ba nước thành viên ASEAN nằm trong danh sách 10 đối tác có vốn đăng ký FDI lớn nhất vào Việt Nam.

Việt Nam cũng đã cùng với các nước ASEAN hợp tác sâu rộng với nhiều đối tác quan trọng, đặc biệt trên cơ sở các hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa ASEAN với Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand và Trung Quốc, tích cực thúc đẩy việc đàm phán RCEP. Các nội dung hợp tác này đặt ASEAN vào vị trí trung tâm trong cấu trúc hội nhập kinh tế khu vực đang nổi lên và trở thành một trung tâm sản xuất và thị trường quan trọng của thế giới./.