Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông

Hoàng Nguyên
22:11, ngày 02-03-2016

TCCSĐT - Trung Đông luôn là khu vực điểm nóng được quốc tế quan tâm, đặc biệt là những nước lớn. Trong những năm gần đây, trước nhu cầu năng lượng, mở cửa thị trường, thúc đẩy đầu tư ra bên ngoài, lợi ích an ninh cũng như quy hoạch chiến lược “Một vành đai, một con đường”, vai trò của khu vực Trung Đông ngày càng trở nên quan trọng đối với Trung Quốc.

Không gian điều chỉnh chính sách

Sau Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc tập trung vào các lợi ích cốt lõi tại khu vực Trung Đông, tiếp cận đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khai thác thị trường nước ngoài thông qua các dự án đầu tư để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những bất ổn của “Mùa xuân Ảrập” những năm gần đây đã tạo nên mối đe dọa không chỉ đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc, mà còn là mối nguy lớn đối với các khoản đầu tư và việc bảo đảm an toàn cho công dân Trung Quốc ở Trung Đông. Bên cạnh đó, sự can dự của Mỹ và phương Tây vào cuộc khủng hoảng Li-bi và sau đó là Xy-ri đã tạo ra những thách thức ngoại giao toàn cầu cho Bắc Kinh, mặc dù, thời gian qua, Trung Quốc phần nào ràng buộc và hạn chế Mỹ trong các giải pháp mang tính áp đặt về vấn đề Trung Đông. Cụ thể: Bắc Kinh cùng Mát-xcơ-va sử dụng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo an Liên hợp quốc về nghị quyết trong tháng 10-2011 và tháng 02-2012 có nội dung lên án chế độ An Át-sát. Bắc Kinh cũng phản đối kế hoạch không kích do Mỹ dẫn đầu chống lại Đa-mát sau khi quân đội Xy-ri bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học (tháng 8-2013),…

Khi vai trò và vị thế của Bắc Kinh ngày càng lớn mạnh trên vũ đài chính trị thế giới, Trung Quốc mong muốn đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế nói chung và Trung Đông nói riêng. Quan hệ kinh tế ngày càng phát triển giữa Trung Quốc với cả I-xra-en và cả các nước Ảrập nhưng không gây bất đồng về mặt tôn giáo, đã giúp Bắc Kinh có thể phá vỡ các rào cản ở Trung Đông, bắt đầu quá trình đổi mới mang tính xây dựng. Thông qua chính sách khuyến khích đầu tư vào khu vực, Trung Quốc xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với các nước này nhằm tạo chất xúc tác cần thiết cho hòa bình, ổn định trong khu vực.

Gần đây, sự bành trướng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) còn đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho Trung Quốc. Hàng trăm người Duy Ngô Nhĩ đã đến Xy-ri thông qua Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập hàng ngũ của IS. Gần đây nhất, nhóm Hồi giáo Tuốc-ki-xtan (chi nhánh của An Nu-xra) bao gồm một nhóm người Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến vụ tấn công ở Tân Cương đã xuất hiện ở chiến trường Xy-ri. Các tay súng trở về từ Xy-ri có thể mang đến nguy cơ khủng bố ở Trung Quốc, gây mất ổn định tình hình an ninh của nước này. Vì vậy, chính phủ Trung Quốc nhận thấy cần phải hành động nhiều hơn nữa để chung tay cùng quốc tế đối phó với mối đe dọa khủng bố.

Mũi tên nhiều đích

Chuyến thăm Trung Đông vào tháng 01-2016 vừa qua của Chủ tịch Tập Cận Bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ba nước trong chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình đều là các quốc gia có vị trí địa lý quan trọng nhất, sức mạnh tổng hợp quốc gia mạnh nhất, đồng thời đóng vai trò không thể thay thế trong nền chính trị Trung Đông. Ả-rập Xê-út là quốc gia theo dòng Xăn-ni lớn nhất ở Trung Đông, là thánh địa Hồi giáo, có thực lực tài chính và quân sự hùng hậu nhất khu vực. Xét về góc độ địa - chính trị, Ai Cập vừa là điểm nút xung yếu của giao thông trên bộ giữa châu Á và châu Phi, vừa là con đường tắt của tuyến đường biển giữa Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, vị trí chiến lược hết sức quan trọng; Ai Cập còn là nước lớn ở Trung Đông, nước lớn trong thế giới Ả-rập, nước lớn châu Phi, nước lớn Địa Trung Hải, nước lớn Hồi giáo, có ảnh hưởng quan trọng đối với khu vực xung quanh. Trong khi I-ran là quốc gia Hồi giáo theo dòng Xi-ai lớn nhất ở Trung Đông, có vai trò đặc biệt trong việc giải quyết vấn đề Trung Đông. Nước này có nền tảng công nghiệp hoàn chỉnh nhất khu vực với hơn 90 triệu dân, có sức lao động trẻ, dồi dào, tiềm lực thị trường to lớn. Có thể nói, 3 nước này là “điểm tựa” để Trung Quốc tiến vào Trung Đông. Cải thiện và phát triển quan hệ với những nước trên rõ ràng sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền chính trị quốc tế.

Trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết hỗ trợ nhân đạo và đầu tư tới 55 tỷ USD cho khu vực này - động thái được cho là nhằm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh, và bảo vệ các lợi ích về dầu mỏ. Trong bài phát biểu tại trụ sở Liên đoàn Ảrập, đặt tại Cai-rô (Ai Cập), Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết khoản tín dụng 15 tỷ USD cho các quốc gia Ảrập, 10 tỷ USD tín dụng doanh nghiệp, và 10 tỷ USD cho vay ưu đãi để hỗ trợ các hoạt động hợp tác công nghiệp giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc đã quyết định chi 7,53 triệu USD giúp hỗ trợ cải thiện đời sống cho cư dân Pa-le-xtin, 34,6 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Xy-ri, Gioóc-đan, Li-băng, Li-bi và Y-ê-men. Trung Quốc cũng bàn thảo với Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Ca-ta về thành lập một quỹ đầu tư chung có quy mô 20 tỷ USD, tập trung vào các nguồn năng lượng truyền thống của Trung Đông, hạ tầng và ngành sản xuất công nghệ cao. Chủ tịch Tập Cận Bình còn đề xuất chi 300 triệu USD cho hoạt động hợp tác thực thi pháp luật và huấn luyện cảnh sát, để giúp các quốc gia Trung Đông nâng cao khả năng duy trì sự ổn định trong khu vực. Các động thái này cho thấy thời gian tới, Trung Quốc sẽ tham gia vào các công việc của Trung Đông với tư thế tích cực, chủ động hơn, đồng thời phát huy vai trò trong việc ổn định tình hình khu vực, tháo gỡ mâu thuẫn giữa các quốc gia chủ yếu trong khu vực, nhằm nhiều mục đích khác nhau:

Thứ nhất, tình hình Trung Đông hiện nay rất phức tạp, khó lường, trật tự chính trị khu vực có nhiều xáo trộn. Thế lực khủng bố do IS làm đại diện và thế lực tôn giáo cực đoan đang tàn phá khu vực này, ảnh hưởng tiêu cực của cuộc nội chiến Xy-ri đang lan tỏa tới châu Âu, khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Đúng vào thời điểm thỏa thuận hạt nhân I-ran bắt đầu được thực thi, Ả-rập Xê-út và I-ran lại xuất hiện sóng gió ngoại giao. Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến khu vực lúc này, về khách quan, với mong muốn xoa dịu mâu thuẫn, cho thấy Trung Quốc bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các công việc chung của Trung Đông so với trước đây, với tư cách nước lớn có trách nhiệm trên trường quốc tế.

Ở một khía cạnh khác, dù không tới Xy-ri, song cùng lúc Trung Quốc thúc đẩy quan hệ với cả I-ran và Ả-rập Xê-út, bởi Trung Quốc muốn hưởng lợi khi khủng hoảng ở Xy-ri kết thúc. Bởi I-ran là đồng minh của Chính phủ Xy-ri, trong khi Ả-rập Xê-út lại ủng hộ phe đối lập. Như vậy, khi cuộc chiến kết thúc, dù bên nào thắng thì Trung Quốc cũng có nhiều cơ hội để vào Xy-ri với vai trò là nhà đầu tư, tìm cách kiểm soát dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác.

Thứ hai, thế giới Ảrập là điểm kết hợp của “Một vành đai, một con đường”, là mắt xích then chốt để thực thi chiến lược. Ngày 13-01-2016, Chính phủ Trung Quốc đã công bố “Văn kiện chính sách của Trung Quốc đối với các nước Ảrập” và là văn kiện chính sách đầu tiên của Chính phủ Trung Quốc đối với các nước này, xác định rõ mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc với thế giới Ảrập. Văn kiện được coi là trọng điểm hợp tác hàng đầu để cùng nhau xây dựng “Một vành đai, một con đường”, cơ chế hợp tác “1+2+3” xác định hợp tác năng lượng là trục chính, xây dựng kết cấu hạ tầng và tiện lợi hóa đầu tư thương mại là hai cánh, còn hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân, hàng không vũ trụ và năng lượng mới là 3 khâu đột phá, trở thành thiết kế thượng tầng và sơ đồ quy hoạch toàn diện cho quan hệ kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và thế giới Ảrập trong thời gian tới.

Từ sau những biến động của “Mùa xuân Ảrập” đến nay, Trung Đông đang phải đối mặt nhiều thách thức khó khăn và cấp bách, rất cần đẩy nhanh các bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân, giảm bớt thất nghiệp và đói nghèo. Trung Quốc và các nước Trung Đông có giá trị hợp tác, không gian hợp tác rất lớn trong nhiều lĩnh vực, như năng lượng, thương mại, đầu tư, tài chính, khoa học - công nghệ cao. Vì vậy, hợp tác hai bên dự kiến sẽ được thúc đẩy lên tầm cao mới.

Thứ ba, khu vực Trung Đông có liên quan đến sự bảo đảm chiến lược dầu mỏ của Trung Quốc. 60% dầu mỏ của Trung Quốc dựa vào nhập khẩu, trong đó phần lớn đến từ Trung Đông. Mặc dù, kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại, yêu cầu tiết kiệm năng lượng, giảm bớt khí thải cũng ngày càng cấp bách, tuy nhiên về lâu dài, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Vì vậy, thúc đẩy quan hệ với các nước Trung Đông, đặc biệt với hai nước Ả-rập Xê-út và I-ran là hết sức quan trọng.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đang dồn dập đổ về Tê-hê-ran tìm kiếm những cơ hội làm ăn mới, các doanh nghiệp Trung Quốc không thể chậm chân trong việc tìm được chỗ đứng ở I-ran. Trung Quốc xem I-ran là “cường quốc” ở khu vực, là một đối tác rường cột, có thể phá thế bá quyền của phương Tây. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng không quên mở các kênh tiếp xúc với Ả-rập Xê-út. Căng thẳng hiện nay giữa I-ran và Ảrập Xê-út có thể sẽ không làm giá dầu thế giới tăng, nhưng về dài hạn, bất kỳ xung đột nào ở Trung Đông đều có nguy cơ tác động tiêu cực đến an ninh năng lượng của Trung Quốc. Hiện nay, các công ty dầu mỏ Trung Quốc muốn có vai trò lớn hơn tại Ả-rập Xê-út và I-ran, hai thị trường cung cấp gần 1/4 dầu thô cho nước này. Tập đoàn dầu khí quốc doanh Sinopec đang nhắm tới những hợp đồng xây dựng và chế tạo nhà máy lọc dầu lớn tại Trung Đông, cũng như các nhà máy hóa dầu. Trong khi đó, CNPC, tập đoàn mẹ của PetroChina, cũng đang tái cấu trúc hoạt động tại Trung Đông, nhằm cung cấp nhiều dịch vụ tích hợp, từ khai thác tới chế tạo.

Chuyến công du vừa qua còn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế bởi lẽ kể từ năm 2009 tới nay, chưa có vị nguyên thủ Trung Quốc nào tới thăm Trung Đông do không muốn bị lôi kéo vào những cuộc tranh chấp dai dẳng của khu vực. Chính vì vậy, chuyến thăm đã cho thấy những ưu tiên mới trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh với khu vực Trung Đông thời gian tới.

Còn nhiều khó khăn

Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, tích cực chủ động hơn trong tham gia các công việc của khu vực Trung Đông, đã đáp ứng được phần nào yêu cầu hòa bình và phát triển của khu vực. Tuy nhiên, xung đột giáo phái, sắc tộc ở Trung Đông là vấn đề hết sức nan giải, chồng chéo và dai dẳng. Mối quan hệ giữa các nước Trung Đông đan xen phức tạp. Cuộc khủng hoảng ở Xy-ri vẫn chưa kết thúc, tiến trình hòa bình bế tắc giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, xung đột phe phái ở Y-ê-men vẫn tiếp diễn, hay sự bành trướng của lực lượng khủng bố IS… đã và đang là những “hồ sơ” hóc búa nhất trong các mối quan hệ quốc tế.

Mặt khác, việc Trung Quốc “tiến về phía Tây tới Trung Đông” không thể không khiến các nước lớn khác lo ngại và phòng ngừa. Cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực này sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Ngoài ra, tham gia các công việc của Trung Đông của Trung Quốc mới ở giai đoạn đầu khi so sánh tương quan nguồn lực với Mỹ, châu Âu và Nga. Vì vậy, giới phân tích cho rằng, trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ chưa xúc tiến nỗ lực ngoại giao con thoi để can dự trực tiếp vào các vấn đề nóng tại khu vực. Hiện nay, sách lược tối ưu nhất của Trung Quốc tại khu vực này vẫn là hợp tác kinh tế và tài chính, mà trong thời gian ngắn, làm tốt hợp tác kinh tế cũng không phải là việc dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn.

Rõ ràng, Trung Quốc đang tận dụng thời cơ và thời điểm để gia tăng sự hiện diện của mình ở Trung Đông. Bước đi của Trung Quốc có những điểm khác biệt so với Mỹ và Nga. Dù không còn là bên đứng ngoài “cuộc chơi” nhưng bước đầu Trung Quốc sẽ lựa chọn thông qua ngoại giao và hợp tác kinh tế để tăng cường ảnh hưởng tại khu vực./.