TCCSĐT - Trong hai tháng đầu năm 2016, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 12-3-2015, của Chính phủ và đã đạt được một số kết quả.

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, hai tháng đầu năm 2016, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng (tháng 01 tăng 5,9%, tháng 02 tăng 7,9%). Tuy nhiên, mức tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp thấp hơn so với mức tăng 12% của cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 1,7%; nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học chững lại, chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015 và sản xuất thiết bị điện giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2015. Tồn kho ở mức hợp lý và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (thấp hơn 2,4 điểm phần trăm).

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02-2016 tăng 7,9% so với tháng 2 năm 2015. Tính chung hai tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất tăng 6,6% với với cùng kỳ năm 2015, trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 1,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,8%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%. Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất hai tháng đầu năm 2016 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước là: kim loại; xe có động cơ; da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất và phân phối điện nước;…

Các sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2015, như điện sản xuất; khí hóa lỏng (LPG); sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc; ti-vi; ô-tô… Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01-2016 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Về xuất khẩu hàng hóa, tháng 02-2016, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 8,4% so với tháng 02-2015 và giảm 22,9% so với tháng 01-2016, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 7,25 tỷ USD, tăng 13,9% so với tháng 02-2015. Tính chung 02 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23,66 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Về nhập khẩu hàng hóa, tháng 02-2016, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 10,2 tỷ USD, giảm 19% so với tháng trước và giảm 0,9% so với tháng 02-2015, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 6,4 tỷ USD, giảm 0,9% so với tháng 02-2015. Tính chung 02 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 22,8 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Về cán cân thương mại, tháng 02-2016 xuất siêu ước đạt 100 triệu USD. Tính chung 02 tháng đầu năm 2016, xuất siêu ước đạt 865 triệu USD, bằng 3,7% kim ngạch xuất khẩu, trong đó: khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 2,1 tỷ USD; khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,9 tỷ USD. Nhìn chung, trong hai tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng thêm 667 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng khoảng 806 triệu USD, kim ngạch của khu vực trong nước giảm 288 triệu USD. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Nhập khẩu của cả nước giảm gần 1,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu của khu vực FDI giảm 1,13 tỷ USD, khu vực trong nước giảm 467 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu của nhiều mặt hàng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất giảm, như thủy sản, ngô, đậu tương, thức ăn gia súc, bông, xơ sợi, nguyên liệu dệt may, da giày...

Về thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 02-2016 ước đạt 287,961 nghìn tỷ đồng giảm 3,7% so với tháng trước và tăng 6,8% so với tháng 02-2015. Tính chung hai tháng đầu năm tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước đạt 586,967 nghìn tỷ đồng, tăng 9,75% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02-2016 tăng 0,42% so với tháng 01-2016 và tăng 1,27% so với tháng 02-2015. Hai tháng đầu năm 2016 tăng 1,03% so với cùng kỳ năm 2015.

Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, trong tháng 3 và các tháng tiếp theo của năm 2016, Bộ Công Thương đã đề ra 11 giải pháp, như tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19 của Chính phủ; các đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 11476/QĐ-BCT, ngày 18-12-2014, của Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành công thương thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án cơ cấu lại ngành, lĩnh vực và của địa phương; các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục đôn đốc, đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; triển khai tích cực hoạt động mở rộng thị trường xuất khẩu cho tiêu thụ sản phẩm; tăng cường phổ biến, hướng dẫn, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại các thị trường đã có các hiệp định thương mại tự do (FTA); tiếp tục chủ động, tích cực trong đàm phán FTA nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu; tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại;…/.