Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 01-02 đến ngày 07-02-2016)
Biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan
Lũ lụt ở Anh vào kỳ nghỉ Giáng sinh vừa qua. Ảnh: Telegraph/VOV
Ngày 01-02-2016, theo một nghiên cứu do các nhà khoa học Anh tiến hành, được công bố trong tạp chí Biến đổi khí hậu thiên nhiên, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã gia tăng đáng kể nguy cơ các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tình trạng ấm lên trên toàn cầu làm gia tăng hơn 40% khả năng xảy ra các trận lụt cả thế kỷ mới có một lần - như trận lụt tại Anh gây thiệt hại 600 triệu euro vào mùa Đông năm 2013 - 2014.
Nghiên cứu này nhằm tìm mối liên hệ giữa sự ấm lên của Trái đất trong dài hạn và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, mối liên hệ này khó chứng minh bởi khi tìm hiểu nguyên nhân và tác động của các xu hướng khí hậu được đánh giá trong nhiều thập kỷ hoặc lâu hơn, điều hết sức khó là tách biệt được khả năng biến đổi của khí hậu tự nhiên với tình trạng ấm lên do con người gây ra. Trong nghiên cứu mới này, 2/3 nguy cơ bổ sung gây ra các thảm họa lớn có thể quy cho sự gia tăng khả năng giữ nước trong bầu khí quyển, còn 1/3 là do thêm số ngày có gió từ phía Tây vượt qua Đại Tây Dương đến. Các mô hình thời tiết dự báo rằng cả hai hiện tượng trên sẽ trở nên thường xuyên hơn do sự ấm lên trên toàn cầu. Ted Shepherd, một chuyên gia về biến đổi khí hậu tại Đại học Reading của Anh nhấn mạnh đây là đánh giá gần như toàn diện đầu tiên được thực hiện về tác động của biến đổi khí hậu đối với hiện tượng thời tiết cực đoan. Nghiên cứu này làm nổi bật sự cần thiết phải có hiểu biết tốt hơn không chỉ về vấn đề biến đổi khí hậu làm bầu khí quyển nóng lên ở đâu và như thế nào mà còn về vấn đề biến đổi khí hậu làm thay đổi các hình thái mưa gió như thế nào, nhằm chuẩn bị tốt hơn để đối phó với lượng mưa lớn và các trận lũ lụt.
Ký kết hiệp định TPP - một dấu mốc quan trọng
Việc ký kết là một dấu mốc quan trọng đồng thời khởi đầu giai đoạn mới cho TPP. Ảnh: Canadians.org/TTXVN
Sáng 04-02-2016, tại thành phố Auckland, New Zealand, Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế của 12 nước thành viên tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức đặt bút ký vào văn bản này, đánh dấu việc các nước chính thức hoàn tất toàn bộ quá trình đàm phán để có thể bắt đầu thủ tục phê chuẩn tại mỗi nước. Sau lễ ký chính thức, Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế 12 nước thành viên đã ra tuyên bố chung khẳng định việc ký kết là một dấu mốc quan trọng đồng thời khởi đầu giai đoạn mới cho TPP. Tuyên bố cho rằng TPP sẽ đặt ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại và đầu tư ở một trong những khu vực năng động và tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. 12 nước tham gia chiếm gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu với một thị trường hơn 800 triệu dân và chiếm khoảng 1/3 thương mại thế giới. Trong tuyên bố, các bộ trưởng nêu rõ mục tiêu của hiệp định này là nhằm củng cố sự thịnh vượng chung, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho tất cả các quốc gia thành viên. Các bộ trưởng ghi nhận lợi ích của TPP đối với nhiều nước trong khu vực và cho rằng lợi ích này càng khẳng định mục tiêu chung là thông qua TPP sẽ tạo một nền tảng thúc đẩy các tiêu chuẩn cao hơn cho sự hội nhập kinh tế rộng hơn trong tương lai.
Mỗi nước sẽ có thời gian 2 năm để thực hiện các quy trình nội bộ, hoàn tất thủ tục phê chuẩn tại Quốc hội để TPP có hiệu lực. Thỏa thuận này sẽ chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 6 nước thành viên, chiếm tối thiểu 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kết hợp của cả 12 nước, phê chuẩn. Điều này có nghĩa là thỏa thuận phải được Quốc hội tại hai nền kinh tế lớn nhất trong TPP là Mỹ và Nhật Bản thông qua.
Cộng đồng quốc tế cam kết hỗ trợ người dân Syria 10 tỷ USD
Người tị nạn Syria mắc kẹt tại khu vực biên giới Jordan. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 04-02-2016, kết thúc Hội nghị tài trợ Syria, tổ chức tại London, Anh, các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ hơn 10 tỷ USD giúp đỡ người dân Syria chịu ảnh hưởng của cuộc nội chiến kéo dài suốt 5 năm qua. Liên minh châu Âu (EU), Đức, Anh và Mỹ là các nhà tài trợ lớn nhất, chủ yếu trên các lĩnh vực cung cấp thực phẩm, giáo dục và việc làm cho người dân Syria ngay tại quốc gia này hoặc các quốc gia láng giềng nơi người dân Syria tới tị nạn.
10 tỷ USD sẽ được chia ra làm hai giai đoạn, hơn 50% cho năm nay và số còn lại sẽ dành cho giai đoạn 2017 - 2020. Ngoài cam kết hỗ trợ tài chính, các nhà tài trợ cũng đã đạt thỏa thuận trước năm 2018 sẽ tạo khoảng 1,1 triệu việc làm cho người di cư gốc Syria và những người Syria sinh sống tại các quốc gia láng giềng và đến cuối năm 2016 - 2017 sẽ tạo điều kiện cho 1,7 triệu trẻ em được tới trường. Tuy cho rằng những đóng góp này không thể giúp giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng tại Syria, nhưng theo Thủ tướng Anh David Cameron, người chủ trì Hội nghị, hững đóng góp này phần nào cho thấy sự chia sẻ và ủng hộ của các nhà tài trợ và các quốc gia đối với người dân Syria.
Mỹ xây dựng cơ sở quân sự tại Philippines
Ảnh minh họa. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 05-02-2016, Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Philip Goldberg cho biết, Washington đã lên kế hoạch chi 66 triệu USD để xây dựng các cơ sở quân sự tại Philippines theo Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA). Phát biểu tại Diễn đàn Pandesal tổ chức tại thành phố Querzon, Đại sứ P. Goldberg khẳng định khoảng 66 triệu USD trong ngân sách quân sự nước ngoài sẽ được dành cho Philippines và Mỹ hy vọng rằng sẽ có thêm các nguồn tài chính để cả hai nước triển khai EDCA cho các quỹ xây dựng kết cấu hạ tầng quân sự và nhằm tăng cường sáng kiến an ninh biển.
Đại sứ cho biết EDCA ra đời nhằm hỗ trợ Philippines xây dựng năng lực phòng thủ đáng tin cậy tối thiểu, xét về góc độ hiện đại hóa và trang bị cho lực lượng vũ trang nước này. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý các kế hoạch mới không bao gồm việc xây dựng một căn cứ quân sự mới vì EDCA không cho phép điều này. Thay vào đó, các kế hoạch hiện nay tập trung vào phát triển năng lực tuần tra biển của Philippines với việc thiết lập một Trung tâm Theo dõi bờ biển quốc gia. Đại sứ P. Goldberg cho biết Mỹ để ngỏ khả năng tiến hành các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông với lực lượng vũ trang Philippines. EDCA là một thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Philippines vào năm 2014 nhằm tăng cường quan hệ và thúc đẩy tiềm lực quốc phòng của Manila. Mọi cơ sở mới được xây dựng trong khuôn khổ EDCA vẫn thuộc quyền sở hữu của Philippines.
Cuộc họp 4 bên tại Islamabad nhất trí về lộ trình hòa bình cho Afghanistan
Cảnh sát Afghanistan kiểm tra an ninh trong chiến dịch quân sự ở tỉnh Ghazni ngày 06-01. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 06-02-2016, tại Thủ đô Islamabad của Pakistan, cuộc họp 4 bên về tiến trình hòa bình Afghanistan - gồm đại diện các nước Pakistan, Afghanistan, Trung Quốc và Mỹ - đã kết thúc với lời kêu gọi tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Chính quyền Kabul với phiến quân Taliban vào ngày 23-02.
Trước đó, các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Kabul với Taliban đã đổ vỡ ngay sau vòng một do có thông báo về cái chết của thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammad Omar. Hiện nhóm Taliban được cho là bị chia rẽ giữa phe ủng hộ và phe phản đối đàm phán với Chính phủ Afghanistan. Phe phản đối đòi điều kiện tiên quyết cho các cuộc hòa đàm là quân đội nước ngoài phải rút khỏi Afghanistan. Một nhà ngoại giao tham gia cuộc họp 4 bên ở Islamabad cho biết một trong những trở ngại lớn nhất là xác định xem liệu các phe phái trong Taliban có thực sự muốn hòa đàm hay giữa họ “không thể hòa giải được”. Ngoài ra, các vụ tấn công bạo lực do phiến quân tiến hành có thể càng gây trở ngại cho việc thuyết phục Taliban ngồi vào bàn đàm phán. Quan chức ngoại giao yêu cầu giấu tên trên cho biết thêm đại diện 4 bên trong tiến trình hòa bình ở Afghanistan đang rất nỗ lực để nhất trí về các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm thuyết phục Taliban trở lại cuộc thương lượng. Trong khi đó, Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Pakistan về đối ngoại Sartaj Aziz, cho biết những nỗ lực hiện nay cần tập trung vào việc thuyết phục được càng nhiều phe trong Taliban tham gia tiến trình hòa bình.
Các nước đề nghị hỗ trợ Đài Loan sau thảm họa động đất
Nhân viên cứu hộ nỗ lực cứu các nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát sau động đất. Ảnh: THX/TTXVN
Sau khi xảy ra trận động đất mạnh 6,7 độ Richter ở miền Nam vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) sáng 06-02 làm ít nhất 37 người thiệt mạng và 462 người bị thương, vẫn còn 110 người được cho là đang bị vùi lấp dưới đống đổ nát, lãnh đạo trong và ngoài nước này đã gửi lời chia buồn cũng như đề nghị hỗ trợ hòn đảo này.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới đồng bào Đài Loan do những thiệt hại về người và tài sản sau trận động đất. Người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề về Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang, cho biết Hiệp hội Quan hệ hai bờ Eo biển Đài Loan (ARATS) đã liên lạc với Quỹ giao lưu hai bờ Eo biển (SEF) và đề nghị hỗ trợ cứu hộ nếu cần thiết. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng ngày gửi lời chia buồn tới những nạn nhân trong trận động đất ở Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh Nhật Bản sẽ giúp Đài Loan khôi phục sau thảm họa này. Theo Cơ quan ngoại giao Đài Loan, một nhóm chuyên gia Nhật Bản dự kiến đến Đài Loan để thu thập thông tin nhằm đánh giá nhu cầu sau trận động đất. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cũng đề xuất hỗ trợ Đài Loan trong công tác cứu hộ.
Dược phẩm Cuba có thể kiểm soát ung thư trong những năm tới
Một loại vaccine chống ung thư phổi do Cuba sản xuất. Ảnh: huffingtonpost.com/TTXVN
Trong Hội thảo quốc tế lần thứ V về Sử dụng và phát triển sản phẩm của ngành công nghiệp y tế đồng vị, Cuba đã chứng minh khả năng phát triển mạnh mẽ của mình trong ngành nghiên cứu chống ung thư và khẳng định dược phẩm Cuba có thể kiểm soát được các căn bệnh ung thư trong những năm sắp tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Khoa học của Trung tâm Phân tử Miễn dịch học Rolando Perez Rodriguez cho biết, Cuba hiện đang có 28 sản phẩm đăng ký hoặc đang trong các giai đoạn khác nhau về nghiên cứu điều trị ung thư, như vắc xin điều trị, kháng thể đơn dòng,... được phát triển trong những tổ chức khoa học khác nhau liên quan các lĩnh vực công nghệ sinh học. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm đồng vị Cuba (Centis), Tiến sĩ Jorge Cruz Arencibia bày tỏ rằng ngoài mục tiêu phát triển dược phẩm nhằm thay thế nhập khẩu, Cuba đang xây dựng một nhà máy có thể sản xuất hạt vi cầu phóng xạ yttrium-90. Điều này sẽ tăng cường việc sử dụng các dược phẩm chứa nguyên tố phóng xạ trong điều trị ung thư biểu mô thần kinh nội tiết, biến chứng chung của bệnh viêm khớp dạng thấp và chứng dễ chảy máu, giảm đau từ di căn xương, u lympho không Hodgkin (hay còn gọi là ung thư hạch), và các loại khối u khác./.
Quan ngại vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên  (10/02/2016)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và chúc Tết công nhân lao động  (09/02/2016)
Đại tướng Ngô Xuân Lịch thăm, kiểm tra, chúc Tết Bính Thân 2016  (09/02/2016)
Cửa khẩu quốc tế Lào Cai xuất những lô hàng đầu tiên dịp Năm mới  (09/02/2016)
Chủ tịch nước thăm và chúc Tết cán bộ nhân viên mỏ dầu Bạch Hổ  (09/02/2016)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm, chúc Tết tại Tây Ninh  (09/02/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay