Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII - Đoàn kết, trí tuệ và đổi mới thực sự
Vào thời khắc chuyển giao đón Xuân Bính Thân - 2016 với khí thế, vận hội mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời phỏng vấn, nhìn lại những dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII.
Năm 2015 - năm cuối của việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2010 - 2015 đã khép lại với những thành tựu to lớn của đất nước về mọi mặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới. Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đổi mới thực sự và trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội, sự đồng lòng ủng hộ của đồng bào, cử tri cả nước, Quốc hội đã hoàn tất toàn bộ các chương trình hoạt động với những nội dung quan trọng và khối lượng công việc rất lớn.
Năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, Quốc hội đang gấp rút triển khai những nội dung làm việc cuối cùng, để kết thúc thắng lợi toàn bộ chương trình hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII. Thời khắc chuyển giao đón Xuân Bính Thân - 2016 với khí thế, vận hội mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời phỏng vấn, nhìn lại những dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII.
Phóng viên: Thưa Chủ tịch Quốc hội, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII đã và đang hoàn tất những nội dung làm việc cuối cùng; khép lại một khóa Quốc hội hết sức thành công với khối lượng rất lớn công việc được hoàn thành. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, xin Chủ tịch cho biết những dấu ấn lớn nhất của nhiệm kỳ này là gì?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Phải nói rằng, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII thực ra là sự kế thừa, tiếp nối thành tựu, kinh nghiệm của 13 khóa Quốc hội trước đó, với mốc lịch sử to lớn kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, bầu ra Quốc hội Việt Nam. Nếu tính từ khóa I đến khóa XIII, thì Nhân dân đã bầu ra hơn 6.000 đại biểu Quốc hội. Đến nay, nhiều vị tiền bối cách mạng đã từ trần. Hơn 2.500 đại biểu Quốc hội còn lại đã kế tiếp nhau, liên tục hoạt động với niềm tự hào sâu sắc của người đại biểu Nhân dân. Quốc hội khóa XIII được bầu ra là kế thừa trách nhiệm của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ những khóa trước để làm tốt công tác lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia; thực hiện tốt thẩm quyền giám sát tối cao với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, xã hội và đặc biệt là kế thừa tinh thần mỗi đại biểu Quốc hội là một đại biểu của Nhân dân. Về tư cách Nhà nước, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước thực hiện quyền của Nhân dân giao phó. Cho nên Quốc hội phải hoạt động trên tinh thần lợi ích của Nhân dân, đại biểu của Nhân dân.
Quốc hội Khóa XIII là khóa kế thừa tinh thần bất định ấy và nỗ lực phấn đấu thực thi hiệu quả quyền lực Nhà nước giao phó. Bởi vậy, ngay từ đầu khóa, Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội đã quyết tâm thực hiện nhiệm vụ Nhân dân giao, đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc triển khai cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Mỗi đại biểu đều làm việc hết sức mình, cả tập thể Quốc hội khóa XIII là một tập thể đoàn kết, vững mạnh.
Vì vậy, có thể nói rằng, dấu ấn lớn nhất của Quốc hội khóa XIII là tinh thần đoàn kết, đó cũng là cơ sở quan trọng để tập hợp, phát huy trí tuệ của các đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, có thể thấy yếu tố “gần dân” trong nhiệm kỳ này. Mỗi ý kiến đại biểu Quốc hội trên diễn đàn đều mang đậm hơi thở cuộc sống, thể hiện ý chí, mong muốn và nguyện vọng của người dân, lấy mục tiêu vì Nhân dân để bàn thảo và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước.
Trong bối cảnh tình hình trong nước, ngoài nước gặp rất nhiều khó khăn, Quốc hội khóa XIII đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng quyết định đến việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo hướng tập trung tái cơ cấu nền kinh tế về mọi mặt để nâng cao chất lượng, hiệu quả và đề ra những chỉ tiêu rất quan trọng làm các cột mốc phát triển. Quốc hội cũng đã thực hiện quyền giám sát của mình để đặt ra những yêu cầu đối với Chính phủ, đối với hệ thống chính quyền cả nước. Hoạt động giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong nhiệm kỳ đã tạo ra một sự chuyển động mạnh mẽ trong hoạt động của toàn bộ bộ máy Nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Minh chứng điển hình việc tổ chức chất vấn tại kỳ họp này, và đến Kỳ họp sau phải báo cáo, kỳ họp sau nữa thì tiến hành chất vấn lại 2 kỳ họp này, kỳ họp cuối cùng chất vấn lại những chất vấn của cả 9 kỳ họp trước đó. Cách tổ chức giám sát như vậy thì khó có thể bỏ rơi vấn đề gì. Cũng tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua, đã có sự chuyển giao giám sát việc thực thi chất vấn để nhiệm kỳ Quốc hội sau tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện. Tôi đánh giá cái được lớn nhất của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII từ lập hiến, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đến giám sát đã khiến Quốc hội gần dân hơn. Người dân tin tưởng và cảm nhận rõ, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tư lệnh ngành đang bàn việc của mình. Mỗi cuộc chất vấn, mỗi cuộc họp công khai, thông qua hệ thống truyền thông tới từng nhà, từng vùng, người dân biết rằng Đảng, Nhà nước đang làm gì, Quốc hội đang bàn bạc, triển khai những giải pháp gì để phục vụ Nhân dân. Đây cũng là đặc trưng của diễn đàn Quốc hội, ngày càng phổ biến, công khai việc bàn thảo công việc trọng đại quốc gia từ xây dựng Hiến pháp cho đến việc quyết định tăng lương, giải quyết các hồ đập, thủy điện, phân bón, thuốc trừ sâu, con trâu, cái cày… Tất cả những việc đó, Nhân dân đều được biết, được nghe, do đó ngày càng củng cố sự đồng thuận, tin tưởng từ phía người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động của Quốc hội.
Phóng viên: Thưa Chủ tịch Quốc hội, Hiến pháp 2013 là một công trình đặc biệt trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, là điểm nhấn trong công tác lập pháp của Quốc hội, Chủ tịch đánh giá như thế nào về bản Hiến pháp 2013 so với những thành tựu khác trong cả nhiệm kỳ?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Một trong những dấu ấn lớn nhất của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII có thể kể đến bản Hiến pháp 2013. Đất nước ta đã qua 5 lần sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 kế thừa những bản Hiến pháp trước đây, trong đó có Hiến pháp 1946. Ngay từ đầu khóa XIII, Quốc hội đã bàn kế hoạch sửa đổi Hiến pháp để triển khai chủ trương, đường lối, Cương lĩnh của Đảng. Quốc hội dành cả hai năm 2011, 2012 là thời kỳ chuẩn bị, xin ý kiến nhân dân. Đến cuối năm 2013 mới thông qua Hiến pháp. Đây là thành tựu hết sức to lớn của dân tộc, là công trình được xây dựng nên trên cơ sở kết tinh trí tuệ của toàn thể các tầng lớp Nhân dân. Hiến pháp 2013 là sự kiện chính trị pháp lý có ý nghĩa đặc biệt phục vụ một chu trình đổi mới, phát triển lâu dài của đất nước ta trong tương lai.
Trong Hiến pháp 2013 cũng thể hiện rõ quy định Đảng và Đảng viên phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, phải chịu sự giám sát của Nhân dân; phục vụ Nhân dân. Đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Những quy định này rất chặt chẽ, khoa học và mang đậm tinh thần đổi mới để giữ vững nền tảng ổn định chính trị, đưa đất nước ngày một phát triển.
Về bộ máy Nhà nước, Hiến pháp 2013 cũng đã xác định rõ mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Đặc biệt, về quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp 2013 đã quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước phải tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ. Hiến pháp của chúng ta cũng khẳng định trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu là trách nhiệm của mọi công dân; trong đó, lực lượng vũ trang trung thành với Đảng với Tổ quốc, với Nhân dân làm lực lượng nòng cốt; huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc.
Hiến pháp 2013 cũng khẳng định đường lối đối ngoại của đất nước tiếp tục mở rộng các mối quan hệ song phương, đa phương vì một thế giới tốt đẹp hơn. Hiến pháp 2013 dù ngắn gọn hơn các bản Hiến pháp trước đó nhưng rất toàn diện, khoa học; chặt chẽ và đầy đủ; bám sát hơn tinh thần Hiến pháp 1946 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo. Có thể nói rằng, Hiến pháp 2013 là niềm tự hào của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, bởi ngay sau khi có Hiến pháp 2013 và thậm chí ngay trong quá trình xây dựng bản Hiến pháp này, Quốc hội đã bắt tay vào việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các đạo luật để triển khai thi hành Hiến pháp. Đến Kỳ họp thứ 11 tới, Quốc hội sẽ cơ bản hoàn thành công việc này để tổ chức thực hiện; nhất là luật pháp trong các lĩnh lực liên quan đến kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tổ chức bộ máy Nhà nước, thể chế chính trị, luật pháp về quyền tự do dân chủ của Nhân dân, Luật Bầu cử, Luật Trưng cầu ý dân, Luật báo chí, Luật tiếp cận thông tin… Điều đó có nghĩa Quốc hội không chỉ xây dựng Hiến pháp mà Quốc hội khóa XIII với chức năng lập pháp của mình còn tổ chức thực hiện Hiến pháp một cách toàn diện trên cả các lĩnh vực hành chính, tư pháp….
Phóng viên: Nếu đánh giá ngắn gọn về nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội sẽ đánh giá như thế nào?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Có thể nói ngắn gọn trong mấy chữ: Đoàn kết, trí tuệ, đổi mới thực sự. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, bên cạnh những thành tựu, vẫn còn một số việc mà Quốc hội kỳ này chưa làm được, chưa làm tốt. Những việc này, nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14, thậm chí nhiệm kỳ 15 phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nhiều hơn nữa. Nếu mỗi đại biểu Quốc hội cũng tích cực phấn đấu, Quốc hội không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa thì hiệu quả hoạt động của Quốc hội chắc chắn sẽ cao hơn, đáp ứng tốt hơn niềm mong đợi của cử tri.
Nhân dịp này, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi thân ái gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, tới đồng bào, chiến sỹ và cử tri trên mọi miền đất nước từ biên cương, hải đảo xa xôi đến thành thị và đồng bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Chúc mỗi gia đình đón xuân mới thật vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn trong năm Bính Thân.
Tôi chân thành cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương đã đồng hành với Quốc hội, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Quốc hội với cử tri; mong đồng bào, đồng chí, các cơ quan thông tấn, báo chí và cử tri cả nước tiếp tục ủng hộ để Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri đã tin tưởng giao phó.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội! Kính chúc Chủ tịch Quốc hội cùng gia đình một mùa xuân mới an khang, hạnh phúc và thành công!
Thư chúc Tết Bính Thân 2016 của Chủ tịch nước  (08/02/2016)
Tết Nguyên đán - Lễ hội cổ truyền lớn, lâu đời nhất cả nước  (07/02/2016)
Tết Nguyên đán - Lễ hội cổ truyền lớn, lâu đời nhất cả nước  (07/02/2016)
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thăm, chúc Tết một số đơn vị  (07/02/2016)
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài đón Tết Bính Thân  (07/02/2016)
Ban hành 10 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 01-2016  (07/02/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay