Vai trò của công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội nước ta hiện nay
Con đường tất yếu phải tiến hành
Là một nước có sản xuất nông nghiệp làm nền tảng, nông nghiệp và nông thôn đã góp phần đặc biệt quan trọng vào sự phát triển quốc gia. Đại hội XI Đảng ta đã nhấn mạnh: Sự phát triển ổn định trong ngành nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực đã bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Kinh tế nông thôn và đời sống nông dân đã được ổn định hơn trước. Việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư, phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao, phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp,… đã có tác động tích cực đến việc sản xuất, tạo việc làm và xóa đói, giảm nghèo.
Hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang ra sức phấn đấu đưa nước ta sắp tới cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Trên chặng đường tiến tới mục tiêu quan trọng này, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ cần đặc biệt chú ý. Bởi lẽ, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, thực tiễn cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường.
Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái, tổ chức lại sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp, công bằng, văn minh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần dân cư nông thôn.
Như vậy, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế - xã hội, đó là con đường tất yếu phải tiến hành đối với bất cứ nước nào, nhất là những nước có điểm xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, muốn xây dựng nền kinh tế phát triển hiện đại.
Thứ nhất, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn tạo sự phát triển cho lực lượng sản xuất khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Đại hội Đảng XI đề ra phương hướng, nhiệm vụ cách mạng trong thời gian tới của nước ta là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trước mắt cũng như lâu dài,…
Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn đã tạo tiền đề cải tiến công cụ lao động ngày càng hiện đại hóa, hiệu quả cao hơn. Điều này là yếu tố quan trọng cho sự gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí lao động, mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu nhất, hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững và hiện đại. Có rất nhiều dự án khoa học - kỹ thuật nhằm phục vụ công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Có rất nhiều nghiên cứu, phát minh ra đời, được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, như máy gặt đập liên hoàn, máy cấy, máy tra hạt, máy phân li giống lúa,… Nông dân được tạo mọi điều kiện, cơ hội để tiếp thu khoa học - công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất.
Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn yêu cầu sản xuất tập trung, quy mô lớn. Điều này dẫn tới việc hình thành hệ thống nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Như vậy, đất nông nghiệp (tư liệu sản xuất chính của nền nông nghiệp) cần được quy hoạch và sử dụng thực sự hiệu quả và bền vững.
Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi phải xây dựng một kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại. Lưới điện phải bảo đảm công suất cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đường giao thông phải được kiên cố hóa và liền mạch tạo điều kiện cho sự gia tăng của các phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Bệnh viện, trường học, nhà văn hóa, khu vui chơi, giải trí,… cần được nâng cấp theo xu hướng văn minh, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Con người là nguồn lực quan trọng nhất trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều quyết sách quan trọng đối với việc phát triển nguồn lực con người trong nông nghiệp, nông thôn. Quyết định 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Đại hội Đảng XI đề ra: “…nông dân được đào tạo có trình độ ngang bằng các nước tiên tiến, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới…”. Cư dân nông thôn đã có nhiều cơ hội thuận lợi tiếp cận với kiến thức khoa học, được đào tạo kỹ năng lao động, quản lý và sản xuất kinh doanh. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng lên từng ngày, có cơ hội và điều kiện tham gia các hoạt động thư giãn, giải trí, chăm sóc sức khỏe,…
Thứ hai, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn giúp giải quyết việc làm, trực tiếp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn.
Việt Nam có gần 70% dân số làm nghề nông. Đa số dân cư và lao động xã hội sống ở nông thôn - nơi mà đời sống còn nhiều khó khăn, năng suất lao động thấp, sản xuất nhỏ lẻ và manh mún. Nhưng nông nghiệp và nông thôn Việt Nam lại đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với kinh tế - xã hội đất nước. Nông nghiệp là ngành cung cấp thực phẩm, lương thực chủ yếu cho cuộc sống, bảo đảm an ninh lương thực. Bên cạnh đó, nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp. Nông nghiệp và nông thôn cũng là thị trường lớn cho việc tiêu thụ hàng hóa công nghiệp, hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa tư liệu sản xuất. Nông nghiệp mang lại nguồn nhân lực dồi dào cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn làm cho cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng giá trị nông nghiệp, tăng tỷ trọng giá trị công nghiệp và dịch vụ. Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự phân công lao động theo hướng phù hợp với cơ cấu đó. Lao động lĩnh vực nông nghiệp giảm dần, lao động lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tăng lên trong nội bộ nền kinh tế nông nghiệp nông thôn. Địa bàn nông thôn xuất hiện nhiều ngành nghề công nghiệp, dịch vụ, phi nông nghiệp. Hàng hóa nông nghiệp gia tăng, dịch vụ, hạ tầng phát triển tạo điều kiện giao lưu kinh tế giữa nông thôn và thành thị. Cơ hội việc làm cho lao động nông thôn không ngừng mở rộng.
Cùng với việc giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn, chất lượng đời sống nông dân cũng không ngừng được cải thiện. Do thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp từ việc sử dụng sức người là chính và phụ thuộc vào tự nhiên sang ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ nên năng suất lao động tăng cao. Một người lao động có thể làm ra khối lượng sản phẩm gấp 3, 4 lần trước đây, không chỉ phục vụ đủ nhu cầu bản thân và gia đình mà nguồn sản phẩm đó còn trở thành hàng hóa bán ra thị trường, mang lại lợi nhuận lớn cho người lao động, cải thiện chất lượng đời sống.
Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn thúc đẩy sự phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng hiện đại. Các công trình công cộng, như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, khu vui chơi,… được đầu tư xây dựng và có nhiều cơ hội phát triển đã ngày một nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn. Các loại hình dịch vụ nông nghiệp phát triển tạo nên sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng nông thôn với nhau, các gia đình nông thôn có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện thông tin giải trí hiện đại hơn trước,… Cư dân nông thôn được tiếp thu văn hóa và kiến thức mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Thứ ba, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn là cơ sở thúc đẩy quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh hiện đại, góp phần ổn định kinh tế - xã hội đất nước.
Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn là con đường tất yếu phải tiến hành đối với bất kỳ quốc gia nào. Quá trình này gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu xã hội: nông nghiệp - nông dân - nông thôn sang công nghiệp - thị dân - đô thị. Như vậy, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn vừa là đòn bẩy, vừa là nền tảng để công nghiệp hóa, đô thị hóa, góp phần phát triển xã hội nông thôn ngày càng văn minh và hiện đại.
Có thể thấy rằng, điều đầu tiên, quan trọng trong việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn là hệ thống giao thông nông thôn. Tiếp đến là hệ thống đường điện, hệ thống cấp thoát nước, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại,… đáp ứng nhu cầu cư dân nông thôn.
Khi đời sống vật chất và tinh thần đầy đủ, người dân có cơ hội và nhu cầu nâng cao nhận thức, hướng tới lối sống văn minh và lành mạnh, các tập quán sinh hoạt cũng phát triển theo hướng tiến bộ hơn. Các tổ chức xã hội phát triển, thu hút nhiều thành viên, mang lại những lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần cho người dân. Các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện để phát triển vững mạnh, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh hiện đại cho cư dân nông thôn.
Như vậy, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn là xu thế khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, là cơ sở để xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh hiện đại, góp phần ổn định kinh tế - xã hội đất nước.
Suốt ba mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có những chiến lược đúng đắn về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, góp phần quan trọng vào việc giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất. Có thể kể ra rất nhiều chính sách quan trọng, như tăng cường đầu tư vốn cho phát triển nông nghiệp; thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp,… Những chủ trương, chính sách trên đã thực sự đi vào đời sống thông qua sự điều hành của bộ máy chính quyền các cấp từ trung ương tới thôn xóm, tạo ra những thành quả nhất định trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn.
Phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo của Nhà nước
Tuy vậy, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn là khu vực chậm phát triển, đang còn tồn tại rất nhiều hạn chế, như kinh tế nông thôn phát triển chưa bền vững, tài nguyên đất đai chưa được khai thác hiệu quả; nguồn nhân lực chất lượng chưa cao, phân hóa giàu nghèo và tệ nạn xã hội còn nhiều; ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng gia tăng;…
Người nông dân trong ba mươi năm đổi mới vừa qua vẫn còn nhiều khó khăn, họ chưa thực sự được nhận về những giá trị vật chất và tinh thần đúng như công sức và năng lực họ đã đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Họ vẫn ở vị trí nghèo nhất, vẫn là lực lượng chịu nhiều thua thiệt nhất mặc dù họ đông nhất, có nguồn tư liệu sản xuất dồi dào nhất.
Để quá trình công nghiệp hóa, nông nghiệp nông thôn phát huy được hết vai trò đối với kinh tế - xã hội đất nước, thời gian tới, chúng ta cần có một số giải pháp sau.
Thứ nhất, Nhà nước cần phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo, cần có một số cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn.
Nhà nước có vai trò rất lớn trong việc hoạch định chính sách. Trên thực tế, Nhà nước ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Nhà nước cần tiếp tục có những hỗ trợ, tổ chức tốt việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Không thể phát triển một nền nông nghiệp hiện đại nếu khâu tiêu thụ sản phẩm không được bảo đảm;
Cần có cơ chế thông thoáng, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nông dân, hỗ trợ về vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, có biện pháp tích cực về thuế để nông dân nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế;
Cần có chính sách bảo vệ quỹ đất nông nghiệp cho nông dân, có quy hoạch nông nghiệp cụ thể cho từng địa phương, đẩy mạnh đổi mới cơ chế và chính sách khoa học - công nghệ trong nông nghiệp;
Thứ hai, Nhà nước cần đầu tư hơn nữa phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm phát huy thế mạnh tự nhiên của từng địa phương, thỏa mãn yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.
Tiếp tục đổi mới và hình thành các tổ chức sản xuất, dịch vụ trong nông thôn, kinh tế hộ gia đình cần được tạo điều kiện phát triển mở rộng; khuyến khích các mối quan hệ hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành nghề;…
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn cần gắn với sự phát triển của các đô thị. Việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho khu vực nông nghiệp, nông thôn theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong thời gian qua đã có những hiệu quả tích cực. Thời gian tới Nhà nước cần tiếp tục phát huy hơn nữa phương thức này.
Thứ ba, Nhà nước cần có những chính sách nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết tốt các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình phát triển.
Tích cực đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giám sát chặt chẽ việc đào tạo nghề này của các cơ quan, tổ chức;
Có các chính sách thiết thực để giúp nông dân tạo công ăn việc làm, như các chính sách hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu vực chậm phát triển;
Có các biện pháp nhằm tăng cường đấu tranh với các hiện tượng xã hội tiêu cực phát sinh trong quá trình đổi mới ở nông thôn, bảo đảm xã hội nông thôn phát triển lành mạnh, hạn chế thấp nhất các tệ nạn xã hội; thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế và vai trò của phụ nữ, có cách chính sách ưu đãi với người có công, người già, trẻ em;…
Thứ tư, Nhà nước cần có các chính sách tăng cường bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn, hướng tới phát triển bền vững.
Cần có các chương trình giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các cá nhân, tập thể. Nông dân cần có sự nhận thức đúng đắn về môi trường thông qua các hoạt động tuyên truyền của các cơ quan, đoàn thể;
Cần có các công cụ pháp lý nhằm xử lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường cũng như khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất sử dụng công nghệ sạch, tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế,…/.
Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 01-2016  (29/01/2016)
Dự luận quốc tế đánh giá cao Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam  (29/01/2016)
Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo nhanh kết quả Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng  (29/01/2016)
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: Người dân gửi nhiều kỳ vọng  (29/01/2016)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm Học viện Hậu cần  (29/01/2016)
Thông báo nhanh kết quả Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII  (29/01/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển