Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 18-01 đến ngày 24-01-2016)
Báo động nạn đói lan rộng tại khu vực Nam châu Phi
Khoảng 14 triệu người ở khu vực Nam châu Phi đang đối mặt với nạn đói do tình trạng hạn hán kéo dài. Ảnh: Nation.co.ke/TTXVN
Ngày 18-01-2016, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thuộc Liên hợp quốc cho biết, khoảng 14 triệu người ở khu vực Nam châu Phi đang đối mặt với nạn đói do tình trạng hạn hán kéo dài khiến các vụ mùa trong năm 2015 thất thu. Phó Phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq dẫn báo cáo của WFP cho biết năm vừa qua, hiện tượng thời tiết El Nino xảy ra trên khắp khu vực đã gây ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng, phá hoại mùa màng và cản trở sản xuất điện của các nước. Những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến Malawi, Madagascar, Zimbabwe, Angola, Mozambique và Swaziland. Ngoài ra, Lesotho vào tháng 12-2015 cũng đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán, trong khi hơn 30% dân số nước này không có đủ lương thực.
Báo cáo trên nhận định số người thiếu ăn ở khu vực Nam Phi có thể sẽ tăng đáng kể trong những tháng tới do El Nino đã bắt đầu gây ra những ảnh hưởng nhất định tới vụ mùa năm 2016. Theo các chuyên gia WFP, trong năm nay, El Nino sẽ tiếp tục gây ra các hình thái thời tiết cực đoan, với nhiệt độ tăng cao và lượng mưa thấp, làm giảm sản lượng và tăng nguy cơ mất an ninh lương thực. WFP dự báo các nước trong khu vực sẽ phải nhập khẩu từ 5 - 6 triệu tấn ngô do hạn hán nặng nề mặc dù đây từng là một trong những vựa sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc.
WEF 2016 tập trung các vấn đề nóng của thế giới
Chủ tịch WEF Klaus Schwab phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: straitstimes.com
Ngày 20-01-2016, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 46 chính thức diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ). Đây là lần đầu tiên mối quan ngại về môi trường đứng đầu danh sách những rủi ro toàn cầu được đưa ra trong báo cáo của WEF trước thời điểm khai mạc. Biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp cũng như toàn nhân loại, bao gồm gia tăng lũ lụt vùng ven biển, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, giảm đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái (đi kèm với sự suy giảm về trữ lượng cá …), và tăng chi phí làm mát và tưới tiêu. Biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm những rủi ro như khủng hoảng nước, thiếu lương thực, hạn chế tăng trưởng kinh tế, làm suy yếu sự gắn kết xã hội và gia tăng các nguy cơ an ninh.
Với chủ đề “Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”, WEF 2016 nhấn mạnh sự kết hợp công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, vốn tạo ra những khả năng hoàn toàn mới. Tuy nhiên, Công nghiệp phiên bản 4.0 cũng bị cho là nguyên nhân dẫn tới các mối đe dọa về việc làm khiến khoảng 5 triệu việc làm trên toàn thế giới có thể biến mất trong vòng 5 năm tới; làm gia bất bình đẳng, thu hẹp thị trường tiêu dùng. Ngoài ra, WEF 2016 cũng sẽ tiếp tục đề cập những vấn đề nóng khác, như căng thẳng địa chính trị, vũ khí hủy diệt hàng loạt, cuộc khủng hoảng nước, di cư không tự nguyện quy mô lớn, giá năng lượng, tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Nguy cơ tan rã khối Schengen
Tổng Giám đốc IMF Christine
Lagarde cho rằng cuộc khủng hoảng người di cư đã đe dọa sự tồn tại của
Khu vực tự do đi lại Schengen. Ảnh: THX/TTXVN
Tuần qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đều đưa ra cảnh báo về nguy cơ tan rã khối Schengen. Ông Donald Tusk cảnh báo châu Âu còn “chưa đầy hai tháng” để kiểm soát cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay, nếu không khối Schegen sẽ sụp đổ. Trong khi đó, bà Christine Lagarde cho biết cuộc khủng hoảng người di cư đã đẩy châu Âu tới một giới hạn hết sức nguy hiểm và đe dọa sự tồn tại của Khu vực tự do đi lại Schengen của Liên minh châu Âu (EU). Ngày 22-01, Thủ tướng Italy Matteo Renzi nhận định việc ngừng thực thi Hiệp ước Schengen (miễn thị thực giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu - EU) cũng không giúp ngăn chặn được những kẻ khủng bố tiến hành các cuộc tấn công, một khi các phần tử Hồi giáo cực đoan này lớn lên trong lòng châu Âu.
Italy, Đức và Pháp là các quốc gia lên tiếng mạnh mẽ nhất chống lại các quan điểm cho rằng cần phải xem xét lại Hiệp ước Schengen. Đầu tháng này, Thụy Điển và Đan Mạch đã tái thiết lập các trạm kiểm soát biên giới, trong khi Thủ tướng Áo cũng khẳng định nước này sẽ tạm thời dừng thực thi Schengen vì lý do an ninh. Áo, nước đối mặt với dòng người di cư đi qua lãnh thổ nước này để sang Đức, cũng đã giảm mạnh mức trần cho việc chấp nhận số đơn xin tị nạn ở Áo từ mức 90.000 người năm 2015 xuống còn 37.500 người trong năm 2016.
Nghị viện châu Âu phê chuẩn Thỏa thuận Liên kết và ổn định EU - Kosovo
Ảnh minh họa. Ảnh: novatv.mk/TTXVN
Ngày 21-01-2016, với 486 phiếu thuận, 102 phiếu chống và 81 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu (EP) đã phê chuẩn Thỏa thuận Liên kết và ổn định giữa Liên minh châu Âu (EU) và Kosovo, vùng lãnh thổ đơn phương tách khỏi Serbia năm 2008. Đây là bước đi chính thức đầu tiên quan trọng trong quá trình Kosovo hội nhập với EU. Thỏa thuận sẽ là trụ cột trung tâm của liên kết chính trị và hội nhập kinh tế giữa EU và Kosovo.
Theo báo cáo viên Ulrike Lunacek, thỏa thuận sẽ sớm có hiệu lực và gửi một thông điệp tích cực tới người dân Kosovo và nền kinh tế của khu vực này. Thỏa thuận được áp dụng sẽ góp phần thể chế hóa quá trình cải cách và tạo điều kiện cho Kosovo tăng cường mối quan hệ với EU, góp phần vào ổn định khu vực. Ngoài ra, thỏa thuận cũng tăng cường đối thoại chính trị giữa EU và Kosovo, thúc đẩy quan hệ thương mại và khuyến khích hợp tác chặt chẽ hơn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng, môi trường, tư pháp và nội vụ. Hơn nữa, thỏa thuận cũng thúc đẩy chuẩn mực châu Âu trong các lĩnh vực như cạnh tranh, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, bảo hộ người tiêu dùng và quản trị.
Trung Quốc - Iran cam kết tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Ảnh minh họa. Ảnh: theiranproject.com/TTXVN
Trong khuôn khổ chuyến thăm Tehran, ngày 23-01-2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani, trong đó hai bên cam kết tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Bắc Kinh và Tehran đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện - động thái nhằm làm tăng lòng tin chiến lược, củng cố hợp tác song phương trong mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình bày tỏ ủng hộ vai trò xây dựng của Iran trong các vấn đề khu vực, và sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Tehran nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực trong dài hạn. Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, việc giải quyết hợp lý vấn đề hạt nhân của Iran giúp thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Trung Đông, đáp ứng các lợi ích chung của khu vực và thế giới.
Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội Iran A. Larijani cho biết, Iran sẵn sàng tăng cường quan hệ với Trung Quốc một cách toàn diện và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng và cơ sở hạ tầng. Iran coi Trung Quốc là một đối tác ưu tiên trong hợp tác, và sẽ liên lạc và phối hợp với Trung Quốc trong các vấn đề khu vực và quốc tế, cũng như tăng cường hợp tác an ninh. Ông Tập Cận Bình là nguyên thủ Trung Quốc đầu tiên đến thăm Tehran kể từ năm 2002 đến nay. Iran là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến 3 nước Trung Đông gồm cả Saudi Arabia và Ai Cập.
Giá rét tấn công các khu vực trên thế giới
Băng tuyết làm đình trệ mọi hoạt động tại Hàn Quốc. Ảnh: Korea Herald
Tuần qua, giá lạnh khắc nghiệt đã xuất hiện tại nhiều khu vực trên thế, gây thiệt hại nặng nề về người và vật chất.
Ngày 24-01, theo Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc, nhiệt độ tại Thủ đô Seoul đã đột ngột giảm xuống âm 18°C. Hàng trăm chuyến bay đến và đi từ sân bay ở đảo nghỉ dưỡng Jeju của nước này đã bị hủy vì tuyết rơi dày tới 11cm và ở vùng núi cao là tới hơn 1 mét. Trong khi đó, tại Nhật Bản, bão tuyết cũng tấn công nhiều thị trấn và thành phố ở miền Trung và phía Tây đất nước, gây ra tình trạng giao thông đình trệ nghiêm trọng. Theo hãng tin Kyodo ngày 24-01, đã có 2 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương vì bão tuyết. Tại Hong Kong (Trung Quốc), nhiệt độ đã xuống mức thấp nhất trong gần 60 năm qua, còn 3,3°C trong ngày 24-01. Cùng ngày, Cơ quan Khí tượng thủy văn Trung Quốc tiếp tục duy trì lệnh cảnh báo cam - mức nguy hiểm thứ hai trong thang cảnh báo giá rét gồm 4 cấp độ của nước này - do tình hình chưa có dấu hiệu cải thiện. Nhiệt độ tại nhiều nơi xuống dưới âm 40°C.
Tại Mỹ, cơn bão tuyết biệt danh “Snowzilla” tiếp tục hoành hành làm tê liệt các bang miền Đông Bắc Mỹ trong ngày 23 và 24-01, với lượng tuyết rơi lên tới hơn 70cm, thậm chí nhiều khu vực còn tới hơn 90cm, trở thành một trong 5 cơn bão tuyết lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Theo số liệu thống kê sơ bộ, tính tới trưa 24-01, ít nhất 19 người đã bị thiệt mạng, cuộc sống của hơn 85 triệu người dân bị ảnh hưởng, hơn 4.400 chuyến bay đã bị hủy khi tuyết phủ kín các sân bay ở New York, Philadelphia, Washington và Baltimore. Hơn 200.000 người phải sống trong tình cảnh mất điện, trong khi hàng trăm vụ tai nạn đã xảy ra do bão tuyết./.
Kiểm điểm trách nhiệm gây lãng phí  (25/01/2016)
Ngày làm việc thứ 5 Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII: Tiếp tục công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII  (25/01/2016)
Việc ứng cử, đề cử bổ sung tại Đại hội được thực hiện đúng quy định, rõ ràng, dân chủ  (24/01/2016)
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Nên thưởng Tết bằng tiền mặt  (24/01/2016)
Tổng Giám đốc IMF: Kinh tế Trung Quốc sẽ không “hạ cánh cứng”  (24/01/2016)
Đại hội Đảng XII: Việc chuẩn bị nhân sự chủ chốt rất kỹ và dân chủ  (24/01/2016)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay