Bài viết đăng trên báo Pháp Le Monde (Thế giới) số ra ngày 01-01 nhận định trong khi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có khả năng bắt kịp nhịp độ tăng trưởng của Mỹ thì tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi sẽ rất mong manh.

Bài báo cho biết nếu năm 2015, các nền kinh tế “phục hồi yếu ớt," hay còn gọi là “phục hồi trong tình trạng hụt hơi," thì theo dự báo của giới phân tích, năm 2016, tốc độ phục hồi sẽ không đồng đều giữa các khối nước, do có sự khác biệt về chính sách tiền tệ và chu kỳ kinh tế với sự chuyển đổi của cả thế giới sang nền kinh tế dịch vụ mang tính khu vực nhiều hơn, buộc các nước phải phát huy sức mạnh của chính mình.

Năm 2016, tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển đứng đầu là Mỹ sẽ rất khả quan, trong khi các nền kinh tế mới nổi sẽ có mức tăng trưởng khác nhau trong bối cảnh chung là sự phục hồi kinh tế đang có chiều hướng chậm lại.

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo Đức Handelsblatt (Thời báo thương mại Đức) ngày 30-12-2015, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde dự báo kinh tế thế giới năm 2016 sẽ “gây thất vọng và tăng trưởng không đồng đều” do lo ngại về những tác động gây mất ổn định có thể xảy ra của việc Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản. Các nền kinh tế mới nổi đã trở nên dễ bị tổn thương bởi sự mất giá thường xuyên của đồng nội tệ so với USD do dự trữ ngoại hối giảm, nợ ngoại tệ của doanh nghiệp cao và sự sụt giảm của giá nguyên liệu thô.

Thực tế cho thấy trong khi kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực thì quá trình thoát khỏi khủng hoảng diễn ra chậm chạp với các nước công nghiệp già nua. Động thái tăng lãi suất của Fed càng định hình rõ nét hơn xu hướng đó. Mỹ sẽ là đầu tàu cho tăng trưởng toàn cầu ngay cả khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ chỉ tăng khoảng 2,5% thay vì 3% trong giai đoạn trước khủng hoảng vào năm 2008.

Tại Mỹ, thị trường việc làm được cải thiện rõ rệt, nhu cầu trong nước được thúc đẩy bởi tiêu dùng hộ gia đình thông qua việc tăng sức mua, tăng lương và tăng đầu tư từ khu vực dân cư. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp sẽ chịu tác động tiêu cực từ đồng USD mạnh, thương mại có thể sẽ bị thiệt hại lớn do hàng hóa của Mỹ trở nên đắt đỏ trên thị trường thế giới. Sáu năm sau khi kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi, những dấu hiệu đầu tiên của sự chững lại đã xuất hiện, chẳng hạn như sản xuất công nghiệp sụt giảm hoặc lợi nhuận các doanh nghiệp giảm.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, kinh tế Anh vẫn tăng trưởng một cách vững chắc cho đến giữa năm 2016. Trong khi đó, Eurozone vốn chỉ thực sự phục hồi vào năm ngoái với mức tăng 0,9% sau một thời gian dài bị tụt lại phía sau, sẽ tăng trưởng 1,5% vào năm nay. Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu, mức tăng trưởng toàn khối sẽ đạt 1,8% vào năm 2016 và 1,9% trong năm kế tiếp.

Đồng euro yếu, chạm mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 2003 sẽ kích thích xuất khẩu. Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định hạ lãi suất đồng euro cùng với việc kéo dài chương trình nới lỏng định lượng, đã tạo thuận lợi cho quá trình đầu tư đồng thời đẩy mạnh nỗ lực phục hồi kinh tế châu Âu. Ngoài ra, sự sụt giảm mạnh của giá dầu cũng cải thiện sức mua các hộ gia đình và tình hình tài chính các công ty.

Theo Viện Thống kê quốc gia và nghiên cứu kinh tế Pháp (Insee), những yếu tố kích thích sự phục hồi của kinh tế châu Âu là tiêu dùng hộ gia đình và sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư do xu hướng tăng tín dụng lần đầu tiên kể từ hơn ba năm qua, sẽ trở nên đồng đều hơn, đạt trung bình 0,4% hàng quý.

Sức tiêu dùng ở Đức tăng; Italy đã ra khỏi thời kỳ suy thoái kéo dài ba năm và đang tạo ra nhiều công ăn việc làm; kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng một cách vững chắc. Riêng đối với Pháp, các vụ tấn công khủng bố tại Paris ngày 13-11 làm sụt giảm 0,1% tỷ lệ tăng trưởng GDP của nước này, tuy nhiên, sự phục hồi sẽ trở nên rõ nét vào năm 2016.

Với các nước mới nổi, đây đã là năm thứ năm liên tiếp đà phục hồi bị chững lại, do vậy bước tái khởi động sẽ rất khó khăn và cần thời gian.

Tại Trung Quốc, tăng trưởng giảm xuống còn 6,9% trong năm nay - mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990. Tuy nhiên, năm 2016, tăng trưởng sẽ ổn định trong sáu tháng đầu năm, dao động xung quanh mức 1,6% hàng quý, nhờ tiêu thụ hộ gia đình. Có thể nói, sự thay đổi mô hình kinh tế đã mang lại hiệu quả.

Các nước khác trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu BRICS đang phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn, ngoại trừ Ấn Độ do nước này có mức gắn bó thấp với kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, chính trị ngày càng nghiêm trọng ở Brasil trong khi Nga cũng chỉ vừa mới thoát khỏi khủng hoảng từ mùa Hè 2015 sẽ tăng trưởng trở lại một cách chậm chạp.

Tại các nước đang phát triển, những nước đạt được thành tích ấn tượng nhất và đạt mức tăng trưởng từ 5-7% là những nước nhập khẩu nguyên liệu thô./.