Dân số Việt Nam hiện nay - biến đổi và vấn đề

Nguyễn Linh Khiếu
13:03, ngày 26-12-2008
Những thành tựu quan trọng trong công tác dân số của Việt Nam thời gian qua đã được Liên hợp quốc đánh giá rất cao và Việt Nam được xem là một khuôn mẫu trong công tác này. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, những thành tựu đó mới chỉ là bước đầu và chưa bền vững. Thực trạng dân số cùng những biến đổi của nó trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang đặt ra cho chúng ta những thành thức mới.
 

Dân số thế giới

Theo Cục dân số Liên hợp quốc, dân số thế giới hiện nay đã đạt con số xấp xỉ 6,5 tỉ người. Đây là con số không nằm ngoài dự đoán, nhưng là khá bất ngờ trước những cố gắng và đầu tư của toàn cầu thời gian qua nhằm kiên quyết giảm tỉ lệ tăng dân số ở mọi quốc, nhất là các quốc gia nghèo ở châu Phi, châu Á và Mỹ - La tinh. Các số liệu thống kê cho thấy, năm 1000 dân số thế giới khoảng 310 triệu người; năm 1900, khoảng 1,6 tỉ người; năm 1960, khoảng gần 3 tỉ người; năm 1999, khoảng 6 tỉ người. Các chuyên gia cho rằng, dù các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tăng dân số sẽ được áp dụng mạnh mẽ, quyết liệt hơn trên toàn cầu nhưng, theo dự báo, dân số thế giới năm 2012 sẽ là khoảng 7 tỉ người và vào năm 2050, sẽ tăng lên khoảng 9 tỉ người.

Cũng theo dự báo, mức tăng dân số thế giới thời gian tới chủ yếu rơi vào các khu vực kém phát triển, nhóm các nước nghèo. Đặc biệt, theo tính toán, các nước như Áp-ga-ni-xtan, Bu-ru-di, Ghi-nê Bit-xao, Ni-giê, Đông Ti-mo và U-gan-da vào giữa thế kỷ này dân số sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay... Trong khi dân số tăng nhanh ở khu vực các nước nghèo thì nhóm các nước giàu hiện chỉ có khoảng 1,2 tỉ người và qui mô dân số hầu như vẫn giữ nguyên nhiều thập kỷ qua, thậm chí, ở một số nước giàu dân số được dự báo là sẽ giảm trong thời gian tới, như Đức, I-ta-li-a, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước thuộc Liên Xô trước đây.

Ước tính, cứ mỗi phút trên thế giới có 261 trẻ được sinh ra và cho đến nay, tổng số người đã được sinh ra trên trái đất là 106 tỉ.

Dân số Việt Nam - những con số

Dân số Việt Nam hiện nay ước tính khoảng hơn 85,2 triệu người; trung bình mỗi năm tăng khoảng 1,1 triệu người. Theo ước tính, đến năm 2024, dân số nước ta có khoảng 100 triệu người; đến năm 2050, có khoảng 115 triệu người, và các chuyên gia hy vọng rằng dân số Việt Nam sẽ ổn định ở con số này.

Việt Nam là nước đông dân đứng thứ 13 trên thế giới, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Mật độ dân số nước ta là 254 người/km2, cao gấp 5 lần mật độ dân số các nước phát triển và cao gấp 2 lần mật độ dân số Trung Quốc - nước đông dân nhất thế giới. Cho đến nay, trên thế giới chỉ có 4 nước có dân số nhiều hơn và mật độ dân số cao hơn nước ta là Ấn Độ, Nhật Bản, Băng-la-đét và Phi-líp-pin.

Chất lượng dân số Việt Nam, nhìn chung là thấp. Mặc dù dân số nước ta khá trẻ, tỷ lệ người biết chữ và tuổi thọ cao, nhưng tỷ lệ suy sinh dưỡng ở trẻ sơ sinh cao, dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai thiếu, chênh lệch mức sống giữa các nhóm dân cư lớn, chất lượng lực lượng lao động thấp, đời sống người già chưa được bảo đảm, chất lượng sống của người dân còn thấp và có sự chênh lệch giữa các vùng ... Chỉ số phát triển con người của Việt Nam mới đứng thứ 109 trong số 177 nước được so sánh.

Đặc trưng của dân số Việt Nam

Sau mấy chục năm thực hiện quyết liệt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, công tác dân số đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng - được Liên hợp quốc đánh giá là một quốc gia thành công trong công tác dân số và xóa đói giảm nghèo. Việt Nam trở thành một khuôn mẫu trong các nước đang phát triển thực hiện xuất sắc các công tác này. Tuy nhiên, những thành công về công tác dân số của mới chỉ là bước đầu và chưa bền vững. Những thành công ấy mới thể hiện ở những con số thống kê cân đo đong đếm về số lượng chứ chưa phải là những chỉ báo tương quan các tiêu chí, các mức độ về chất lượng.

Chính vì lẽ đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cần nhận diện một cách chính xác thực trạng dân số nước ta hiện nay và những nét đặc trưng cơ bản của nó, để có thể đưa ra những dự báo đúng về xu hướng biến đổi dân số trong thời gian tới, và từ đó, xây dựng một chiến lược dân số mới phù hợp.

Dân số Việt Nam hiện nay là kết quả sự vận động và phát triển hàng nghìn năm của tiến trình dân số, và vẫn tiếp tục biến đổi. Dân số nước ta hiện nay có nhiều đặc trưng, nhưng có thể nêu một số đặc trưng cơ bản sau:

Dân số nước ta có quy mô lớn, mật độ dày, và đang tiếp tục tăng  Ước tính trung bình mỗi năm tăng khoảng 1,1 triệu người; mức sinh giảm, mức chết thấp nhưng chưa ổn định. Cơ cấu dân số trẻ nhưng đang bước vào thời kỳ quá độ chuyển sang tình trạng dân số già - hiện số nguời 29 tuổi trở xuống chiếm 61,6% và số người 34 tuổi trở xuống chiếm 70% dân số cả nước.
 
Cơ cấu giới tính trẻ sơ sinh có những biểu hiện mất cân đối nghiêm trọng - hiện 115 bé trai / 100 bé gái (mức chuẩn của thế giới là 106 bé trai/ 100 bé gái); sự mất cân đối này còn diễn ra rất khác nhau ở các vùng khác nhau. Tỷ lệ dân số đô thị thấp so với mức trung bình của thế giới và các nước khu vực, chỉ chiếm khoảng trên 26,5% dân số cả nước; dân số nông thôn có những đặc trưng rất khác biệt so với dân số đô thị. Mật độ dân số đông nhưng phân bố không đều, chủ yếu tập trung vào các đô thị, hai đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, trong khi đó các vùng Tây Nguyên và vùng núi phía bắc, dân cư hiện rất thưa thớt.
 
Di cư và tính biến động của dân số cao, chủ yếu là di cư tự do, tự phát, bất thường - từ nông thôn ra thành thị, từ đồng bằng lên vùng núi, từ phía Bắc vào phía Nam. Chất lượng dân số còn thấp, cả về sức khỏe, dinh dưỡng, chỉ số chiều cao, cân năng, và trình độ văn hóa, kỹ năng sống..., nói chung là cả về thể lực, trí lực và tâm lực.
 
Gia đình hạt nhân chiếm ưu thế nhưng đang chịu nhiều áp lực và đứng trước những thách thức mới như: ly hôn, chung sống không hôn nhân, sinh con không giá thú, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội (cờ bạc, tội phạm, mại dâm, ma túy...). Các vấn đề sức khỏe sinh sản chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là sức khỏe sinh sản vị thành niên - Việt Nam được xem là một trong số quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, số phụ nữ mắc bệnh phụ khoa cao, tỷ lệ trẻ vị thành niên quan hệ tình dục có xu hướng tăng nhanh, số người nhiễm HIV/AIDS cao và tỷ lệ gái mại dâm cũng có xu hướng tăng nhanh;...

Một số giải pháp

Thực trạng và đặc điểm nêu trên của dân số Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay đang đặt ra cho công tác dân số của nước ta nhiều cơ hội và thách thức mới. Để củng cố, phát huy những thành tựu đã đạt được; đồng thời, tiếp tục có được những thành công mới trong công tác dân số thời gian tới, cần tập trung giải quyết một số vấn đề cốt yếu sau:

- Thực hiện tốt đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp - thôn thôn - nông dân trong giai đoạn mới, bởi vì, đa số dân cư nước ta hiện nay đang sinh sống ở nông thôn.

- Xây dựng và thực hiện chính sách dân số phải gắn liền với vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

- Ưu tiên giải quyết vấn đề sức khỏe sinh sản, nhất là sức khỏe sinh sản vị thành niên.

- Xây dựng và thực hiện chính sách di dân thống nhất, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa có tầm nhìn lâu dài; chủ động quy hoạch dân số, tích cực kiểm soát và can thiệp, điều tiết thực trạng di dân tự do, tự phát đang diễn ra hiện nay.

- Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng các khu dân cư theo quy hoạch; đặc biệt, đầu tư thích đáng cho việc bảo vệ môi trường nhằm góp phần bảo đảm phát triển bền vững.

- Công tác dân số hiện nay cần chuyển mạnh trọng tâm từ cách tiếp cận kế hoạch hóa gia đình sang chủ động chăm sóc sức khỏe sinh sản.

- Quan tâm hơn nữa và có chính sách mới về đời sống, điều kiện sinh hoạt và dân số - sức khỏe sinh sản đối với những vùng di dân, những khu công nghiệp, khu chế xuất và khu đô thị mới...

Để thực hiện thành công các mục tiêu của chiến lược dân số Việt Nam thời gian tới, trên cơ sở nhận diện thực trạng và những đặc trưng dân số nước ta hiện nay, cùng với việc xây dựng và thực hiện một hệ thống chính sách dân số mới phù hợp và đồng bộ, thì một vấn đề cấp thiết là cần kiện toàn, ổn định và thống nhất bộ máy thực hiện công tác dân số chuyên trách theo mô hình tổ chức, quản lý mới từ trung ương đến cơ sở. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để chúng ta có được những thành công mới về công tác dân số trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế./.