Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi): mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi
Cơ quan thẩm tra nhất trí với tên gọi Luật Trẻ em
Tờ trình dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày nêu rõ, dự thảo luật đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới; kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của Luật năm 2004; bổ sung các quy định mới để giải quyết những vấn đề vướng mắc của thực tiễn trong thực hiện các quyền trẻ em, tiếp cận theo hướng chuyển từ tiếp cận theo nhu cầu, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm đối với trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng sang xây dựng khung pháp lý toàn diện và tiếp cận dựa trên quyền trẻ em.
Dự thảo cũng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em; hội nhập quốc tế, hài hòa các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế khác có liên quan.
Dự thảo Luật gồm bảy chương với 106 điều, quy định các quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em và trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc thực hiện các quyền trẻ em” (Điều 2).
So với Luật năm 2004, dự thảo mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi, cụ thể là Điều 1 quy định “trẻ em là người dưới 18 tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi.
Theo Ban soạn thảo lý giải, người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý, chưa đủ năng lực để thực hiện toàn diện quyền và nghĩa vụ của công dân, cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, nhà nước và xã hội, cần được bảo vệ về mặt pháp lý và xã hội để các em được chăm sóc, phát triển đầy đủ, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại cho trẻ em. Việc nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi mà không giới hạn là công dân Việt Nam để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp của luật này với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhất trí đổi tên Luật thành Luật Trẻ em như phương án 1 của Chính phủ trình. Tên gọi này ngắn gọn, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật và phù hợp với cách đặt tên của những Luật đã được ban hành liên quan đến nhóm đối tượng đặc thù như Luật Thanh niên, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật.
Đa số ý kiến nhất trí về việc nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi theo lập luận nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc điều chỉnh này là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vừa thống nhất với các quy định của pháp luật Việt Nam về tuổi trưởng thành đầy đủ (tức là tuổi thành niên), đồng thời phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông, là bậc học giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần để sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội.
Các vấn đề cụ thể về sự công bằng trong hưởng thụ sự hỗ trợ của Nhà nước đối với trẻ em bậc học mầm non; chăm sóc thay thế; cơ chế điều phối liên ngành về công tác trẻ em; nguồn lực Nhà nước đầu tư cho trẻ em,... đã được cơ quan thẩm tra nêu rõ quan điểm.
Cần quy định trong dự thảo trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân
Cho ý kiến dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành việc quy định trong dự thảo trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân. Đây là một trong những nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức trưng cầu ý dân và kết quả trưng cầu ý dân. Việc quy định trong Luật Trưng cầu ý dân để bảo đảm tính thống nhất, thuận tiện trong thực hiện. Theo đó, luật quy định về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân.
Nhiều ý kiến tán thành với việc quy định khái quát về các vấn đề Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân (Điều 6) nhưng cho rằng quy định như dự thảo Luật quá chung, cần cụ thể hơn và chỉnh lý lại quy định của dự thảo Luật về các vấn đề được trưng cầu ý dân cho chính xác với quy định của Hiến pháp.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý, Ban soạn thảo sẽ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 26-11.
Nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp và thống nhất chế độ tiền lương, phụ cấp
Về Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật để phù hợp với Hiến pháp và thẩm quyền của Quốc hội quy định hệ thống hàm, cấp của quân nhân chuyên nghiệp, kịp thời bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của các luật khác, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng tên gọi của dự thảo Luật không bảo đảm sự tôn vinh đối với đội ngũ này.
Đồng chí Nguyễn Văn Tiên so sánh lực lượng công an gọi là sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an, bộ đội gọi là quân nhân chuyên nghiệp, như vậy là thiệt thòi. Ban soạn thảo cần cân nhắc tên gọi đúng tên, đúng nghĩa và đảm bảo sự tôn vinh, nên gọi là Luật về sỹ quan chuyên môn kỹ thuật và công nhân, viên chức quốc phòng.
Về chức danh, diện bố trí quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng được quy định tại Điều 6 dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng hiện nay có bất cập là một vị trí việc làm có nhiều diện bố trí, gây ra sự không thống nhất và không công bằng trong thực hiện chế độ, chính sách.
Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm thảo luận nhất, đó là hạn tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.
Các đại biểu đều đồng tình với việc nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ để bảo đảm nguồn nhân lực cho Quân đội, giảm chi phí đào tạo thay thế số quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ và phát huy được trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn của quân nhân chuyên nghiệp còn đủ sức khỏe; đồng thời khắc phục tình trạng hằng năm phải kéo dài độ tuổi phục vụ tại ngũ với số lượng lớn.
Về chế độ chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, đa phần các đại biểu thống nhất với dự thảo Luật và cho rằng cần có chế độ ưu tiên với lực lượng này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần rà soát cụ thể chế độ chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng để phù hợp với chính sách pháp luật hiện hành.
Cũng tại phiên họp này, đại biểu Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật về Hội.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, về cơ bản, các quy định của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, nên còn nặng quy định về quản lý nhà nước đối với hội.
Một số vấn đề quan trọng để cụ thể hóa quyền lập hội của công dân như phân loại hội để có sự điều chỉnh phù hợp, vai trò và trách nhiệm xã hội của hội, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, hỗ trợ và thúc đẩy việc thực hiện quyền lập hội của công dân,... chưa được quan tâm đúng mức.
Trong khi đó, nhiều nội dung là vấn đề nội bộ của hội như tổ chức, hoạt động của hội; việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hội; quyền và nghĩa vụ của hội viên, chấm dứt tư cách hội viên,... lại được quy định quá chi tiết.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan trình dự án Luật nghiên cứu quy định cụ thể hơn về quyền lập hội của công dân; đồng thời, cần phân định rõ những nội dung quy định trong Luật, những vấn đề cần để hội quy định trong điều lệ, loại bỏ các quy định mang nặng tính hành chính hóa đối với các tổ chức hội./.
Chủ tịch nước tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 23  (12/11/2015)
Mặt trận Tổ quốc không tổ chức tiếp khách dịp kỷ niệm Ngày truyền thống  (12/11/2015)
Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ chuẩn bị đi vào hoạt động  (12/11/2015)
Nảy sinh bất đồng tại Hội nghị thượng đỉnh EU - châu Phi về di cư  (12/11/2015)
Năm thách thức lớn đặt ra cho Myanmar sau tổng tuyển cử  (12/11/2015)
Đoàn đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thăm Cuba  (12/11/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên