Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, chiều 11-11-2015, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình về dự án Luật Tiếp cận thông tin.
Tờ trình dự án luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày khẳng định, dự án Luật Tếp cận thông tin được xây dựng dựa trên cơ sở thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về "mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người," "tạo cơ chế nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp," "bảo đảm quyền được thông tin" của công dân; Cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng nhấn mạnh dự án Luật bảo đảm tính khả thi trong điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam; tiến hành thận trọng, mở dần từng bước và phải phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 34 điều, quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin; nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Dự thảo Luật không điều chỉnh việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan báo chí và nhà báo phục vụ hoạt động báo chí; việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức trong hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mình.

Việc tiếp cận các thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin thuộc bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh, thông tin về sở hữu trí tuệ; thông tin trong các tài liệu, hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan lưu trữ lịch sử; thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm toán; thông tin trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Phát luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật tiếp cận thông tin nhằm cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền tiếp cận thông tin của công dân, tương thích với Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà nước ta là thành viên.

Để Luật tiếp cận thông tin có tính khả thi, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần phải làm rõ, giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề về tiếp cận thông tin và thông tin được tiếp cận; người được quyền tiếp cận thông tin; người có trách nhiệm cung cấp thông tin; điều kiện, phương thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin...

Bên cạnh đó, quy định của dự thảo Luật cũng phải được đặt trong điều kiện thực tế của nước ta hiện nay, nhất là những vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, về nguồn nhân lực khi triển khai thực hiện Luật, cũng như yêu cầu về hội nhập quốc tế đồng thời, cần nghiên cứu, rà soát để luật hóa một số quy định về tiếp cận thông tin hiện đang được quy định trong các văn bản dưới luật; chú ý các nội dung liên quan đến tiếp cận thông tin đã được quy định trong các luật khác, như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Lưu trữ, Luật Thư viện, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về trách nhiệm xử lý thông tin không chính xác (Điều 7), Ủy ban Pháp luật nhất trí với quy định của dự thảo Luật Về trách nhiệm xử lý thông tin không chính xác. Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển hiện nay, xã hội ngày càng dân chủ dẫn đến nguồn, hình thức, nội dung thông tin đa chiều, đa dạng, có những thông tin không chính xác được nêu qua truyền thông (truyền hình, truyền thanh...) cũng có thể gây thiệt hại lớn về lợi ích cho nhân dân.

Do đó, cần xác định rõ trách nhiệm, việc xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đưa tin không chính xác và việc khắc phục hậu quả đã xảy ra đối với người bị thiệt hại do thông tin không chính xác gây ra (khoản 1); đồng thời đề nghị cần quy định cụ thể hơn về "Trường hợp phát hiện ra những thông tin không chính xác, không đầy đủ, gây ảnh hưởng đến đến trật tự, an toàn xã hội" (khoản 2) để làm cơ sở cho cơ quan nhà nước có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin chính thức và bảo đảm tính khả thi.

Thời gian còn lại của phiên thảo luận chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phí, lệ phí./.