Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 2-11 đến ngày 8-11-2015)
Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và các giải pháp phát triển năm 2016
Ngày 02-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.
Các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 trình Quốc hội. Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tỷ giá hối đoái tương đối ổn định, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng nhanh, đạt mức cao nhất từ trước tới nay; mặt bằng lãi suất tương đối ổn định. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng khá. Sản xuất nông nghiệp đã khắc phục khó khăn về thiên tai, thị trường, phát triển tương đối ổn định. Tổng cầu và sức mua được tăng lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao... Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao được quan tâm, đặc biệt là thông tin tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02-9, 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước... An sinh xã hội được bảo đảm; phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5%... Việt Nam đã chủ động thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Các hiệp định thương mại tự do được ký kết đã mở ra cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam phát triển.
Mặc dù vậy, một số đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém. Kinh tế vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc; doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đang rất khó khăn; nhập siêu tăng trở lại. Thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện, còn nhiều hạn chế, các loại thị trường vận hành chưa thông suốt. Thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn đang là vấn đề xã hội bức xúc; chất lượng nguồn nhân lực thấp...
Về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều đại biểu Quốc hội đã đi sâu phân tích, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển tương xứng với vị trí, tầm quan trọng của nó trong nền kinh tế đất nước.
Tán thành với mục tiêu tái cơ cấu nền nông nghiệp như trong Báo cáo Chính phủ đã nêu, trong đó tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp với thị trường... các đại biểu nhấn mạnh, để cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn hội nhập hiện nay, thì sản xuất quy mô lớn phải định hướng được thị trường đầu ra; phải đảm bảo năng lực quản lý, năng lực tài chính để có thể vượt qua những rủi ro của thị trường. Việc này nông dân không thể tự làm được mà cần phải có doanh nghiệp kết hợp cùng. Và để đảm bảo liên kết này chặt chẽ, cần có bên thứ ba đứng ra bảo lãnh cho cả hai bên. Nhà tài chính có đủ năng lực để bảo lãnh doanh nghiệp thực hiện cam kết thu mua sản phẩm của nông dân khi giá tăng và cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi có những ràng buộc bảo đảm nông dân cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp không phụ thuộc vào sự biến động giá cả của thị trường, thông qua các hợp đồng cấp vốn để đảm bảo đầu vào cho nông dân.
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về dự án 8B Lê Trực
Trong tuần, Văn phòng Chính phủ có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án tại số 8B phố Lê Trực, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Thông báo kết luận nêu rõ, việc vi phạm các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đô thị tại số 8B phố Lê Trực là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chủ đầu tư đã bất chấp pháp luật, không thực hiện đúng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo giấy phép xây dựng, đồng thời không thực hiện các yêu cầu của các cơ quan quản lý trật tự xây dựng đô thị. Vụ việc này là biểu hiện yếu kém về hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị. Yêu cầu phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các sai phạm của Chủ đầu tư Dự án và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Để giữ nghiêm kỷ cương, thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng đô thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thực hiện rà soát, kiểm tra đánh giá đúng các hành vi và mức độ vi phạm của Chủ đầu tư so với Giấy phép xây dựng đã cấp và thực hiện xử phạt nghiêm minh theo đúng quy định.
Đồng thời yêu cầu Chủ đầu tư Dự án trình cơ quan có thẩm quyền phương án và nêu thời hạn cụ thể thực hiện việc khắc phục sai phạm. Việc phá dỡ phần công trình sai phạm phải bảo đảm các chỉ tiêu về chiều cao, mật độ xây dựng, quy mô diện tích, chức năng sử dụng theo đúng giấy phép xây dựng đã cấp, bảo đảm an toàn cho người dân và an ninh cho khu vực. Công trình sau khi cải tạo phải đáp ứng yêu cầu cảnh quan kiến trúc, phù hợp với các công trình xung quanh và bảo đảm các điều kiện an ninh, an toàn cho các hoạt động trong khu vực.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tổ chức tiến hành thanh tra công vụ, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan để xẩy ra vi phạm kéo dài và nghiêm trọng trật tự xây dựng đô thị tại Dự án tại số 8B phố Lê Trực theo đúng các quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11-2015.
Quốc hội xem xét dự án Luật Báo chí (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, ngày 04-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Báo chí (sửa đổi).
Luật Báo chí năm 1989 gồm 7 chương, 31 điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã bổ sung 6 điều và bỏ 1 điều. Như vậy, sau khi sửa đổi, bổ sung năm 1999, Luật Báo chí có 36 điều. Dự thảo Luật Báo chí lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành. Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định tổ chức và hoạt động báo chí; quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.
Điểm mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành là cụ thể hóa chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí.
Dự thảo Luật cũng lựa chọn luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú,… đã áp dụng ổn định trong thực tiễn hoạt động báo chí làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật.
Tuần lễ Đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam 2015
Ngày 04-11-2015, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, bảo trợ tổ chức “Tuần lễ đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam”. Tuần lễ đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam 2015 bao gồm các sự kiện: Triển lãm đô thị tăng trưởng xanh với sự tham gia các nhà đầu tư phát triển đô thị, các nhà quy hoạch, thiết kế, các công ty vật liệu thân thiện với môi trường, các tổ chức trong nước và quốc tế tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển đô thị tăng trưởng xanh.
“Tuần lễ đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam” diễn ra trong 02 ngày (từ ngày 04-11 đến ngày 05-11-2015). Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện, Hội thảo “Công nghệ xanh - Vật liệu thân thiện môi trường” được tổ chức vào sáng 05-11-2015. Đây là những sự kiện chính trong chuỗi các hoạt động thiết thực chào mừng Ngày đô thị Việt Nam (08-11), với mục tiêu ưu tiên hỗ trợ các đô thị Việt Nam triển khai xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.
Kỷ niệm 98 năm Cách mạng Tháng Mười Nga tại Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 6-11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội hữu nghị Việt - Nga, Ban Liên lạc cựu sinh viên Việt Nam tại Liên Xô Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm 98 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 – 7-11-2015).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Dù đã gần một thế kỷ trôi qua nhưng sự kiện chấn động địa cầu Cách mạng Tháng Mười Nga "10 ngày rung chuyển thế giới" vẫn nguyên vẹn trong trái tim mỗi chúng ta. Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga có một ý nghĩa hết sức đặc biệt, ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với cách mạng và sự phát triển của Việt Nam. Đây cũng chính là nền tảng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống quý báu giữa hai dân tộc Việt - Nga. Chúng ta vui mừng nhận thấy rằng vượt qua thử thách của thời gian và những thăng trầm lịch sử mối quan hệ giữa hai dân tộc vẫn không ngừng phát triển và củng cố.
Cảm ơn tình cảm tốt đẹp của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đối với nhân dân Nga, ông Alexey Popov, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đạt được những thành tựu quan trọng và phát triển đất nước Nga như ngày hôm nay không thể không kể đến sự ủng hộ giúp đỡ của các dân tộc anh em, trong đó có sự ủng hộ chân thành của các bạn Việt Nam. Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại Thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng rằng mối quan hệ Nga - Việt sẽ ngày càng được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, hợp tác hỗ trợ nhau trên nhiều lĩnh vực.
Lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số học giỏi năm học 2015
Tại Hà Nội, sáng 07-11-2015, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số học giỏi năm học 2015.
Những năm gần đây, cùng với chất lượng giáo dục được nâng lên, công tác giáo dục mũi nhọn đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi được tăng cường, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được chú trọng. Nhiều tỉnh có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Kết quả thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng của học sinh là người dân tộc thiểu số được nâng lên về chất lượng và số lượng. Năm 2015, có 122 học sinh đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi và thi đại học, cao đẳng, trong đó có 105 học sinh đạt giải quốc gia (gồm 01 giải Nhất, 16 giải Nhì, 30 giải Ba, 58 giải Khuyến khích); 02 học sinh đỗ thủ khoa và 15 học sinh đạt điểm cao từ 27 điểm trở lên trong kỳ thi đại học, cao đẳng; thuộc 13 thành phần dân tộc, gồm: Tày, Nùng, Mường, Hoa, Thái, Mông, Sán Dìu, Dáy, Hà Nhì, Lô Lô, Dao, Dáy, Mnông đến từ ba miền Bắc - Trung - Nam của đất nước.
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử khẳng định: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm, ban hành nhiều chính sách, dành nhiều nguồn lực, ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng dân tộc và miền núi. Do đó, trình độ dân trí vùng dân tộc và miền núi ngày càng được nâng lên đáng kể. Đồng chí Giàng Seo Phử nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích mà 122 em học sinh dân tộc thiểu số đạt được năm học 2015.
Trong phát biểu của mình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hiện nay, các vùng dân tộc, miền núi còn nhiều khó khăn, dân trí chưa cao, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Đồng chí đề nghị:
Thứ nhất, cần tập trung phát triển giáo dục - đào tạo. Coi đây là giải pháp quan trọng nhằm xóa đói, giảm nghèo, giảm chênh lệch điều kiện sống giữa đồng bằng, thành thị với vùng dân tộc, miền núi.
Thứ hai, các tỉnh, thành, địa phương, các bộ, ban, ngành tiếp tục chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chất lượng của đội ngũ thầy giáo, cô giáo vùng dân tộc miền núi để đáp ứng nhu cầu giáo dục, đổi mới giáo trình, giáo án, phương thức giảng dạy.
Thứ ba, các cơ quan chức năng cùng cộng đồng xã hội, các cấp, các ngành cần quan tâm xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, tạo điều kiện dạy và học tốt hơn cho thầy và trò vùng dân tộc miền núi; tiếp tục nhân rộng các mô hình, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trường dự bị đại học dân tộc để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số cho các địa phương trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
“Thanh niên học sử để có thể làm nên lịch sử”
Phát biểu khai mạc cuộc thi Tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam “Tự hào Việt Nam” được tổ chức sáng 08-11-2015, tại Hà Nội, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong nhấn mạnh, lịch sử, văn hóa dân tộc có vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng tinh thần của xã hội, điểm tựa của dân tộc và là động lực phát triển của mỗi quốc gia. Quốc gia nào biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, biết tìm hiểu và tôn trọng quá khứ thì quốc gia đó sẽ tìm được con đường phát triển bền vững ở hiện tại và tương lai.
Với thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, hiểu lịch sử, văn hoá dân tộc, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp chúng ta hiểu biết về quá khứ, cội nguồn, qua đó nuôi dưỡng, vun đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước. Lịch sử, văn hóa dân tộc sẽ là hành trang quý giá giúp mỗi thanh niên trong quá trình hội nhập giữ vững được bản sắc Việt, cốt cách tâm hồn Việt, nền tảng quan trọng cho những phát triển vững chắc trong từng lĩnh vực chúng ta theo đuổi.
Cuộc thi “Tự hào Việt Nam” nhằm thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa ngành Giáo dục và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh năm học 2015 - 2016. Đồng thời, triển khai đề án “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên giai đoạn 2015 - 2020” của Ban Bí thư Trung ương Đoàn.
Cuộc thi được triển khai qua 2 hình thức: Thi trực tuyến cá nhân và phần thi videoclip. Thí sinh đăng ký tài khoản tại địa chỉ http://www.tuhaovietnam.com.vn để tham gia dự thi.
Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông
Sáng 08-11-2015, tại Trúc Lâm Thiên Trường - Trung tâm Phật giáo tỉnh Nam Định, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại”.
Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng “Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2015”, do Đại Hội đồng Liên hiệp quốc phát động trên toàn thế giới. Tại buổi lễ, các đại biểu đã dành phút tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, cầu nguyện cho vong linh nạn nhân siêu đăng Phật quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết ở Việt Nam, mỗi ngày trung bình có 24 người bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống cùng với trên 60 người bị thương tật suốt đời. Điều đó đồng nghĩa với mỗi ngày có khoảng một trăm gia đình Việt Nam gánh chịu sự mất mát, đau thương. Những di chứng mà mỗi tai nạn giao thông để lại luôn kéo dài và không thể lường hết được, khiến xã hội cũng bị tổn thương nghiêm trọng. Thêm vào đó, gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục hậu quả của tai nạn giao thông hàng năm. Điều đó đe dọa đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm tổn thương đến hình ảnh một đất nước an toàn trong mắt bạn bè, đối tác.
Bộ trưởng Đinh La Thăng kêu gọi các cơ quan hữu quan, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông để cho niềm vui về hạnh phúc, an toàn và bình yên trọn vẹn đến với mỗi người dân khi tham gia giao thông và đến với mọi người, mọi nhà.
“Thà chậm một giây còn hơn gây tai nạn. Lùi đi một bước, thoát được tai ương” - đây là lời nhắn nhủ của Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại buổi lễ. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho rằng chỉ trong phút chốc vô thường, vì một giây phút bất cẩn mà đưa đến tử vong mất mát, đau thương, tang tóc. Một phần do oan nghiệp, cộng nghiệp, biệt nghiệp của mỗi cá nhân, một phần do bất cẩn gây ra, nhất là không tôn trọng luật pháp, luật an toàn giao thông, không tôn trọng và bảo vệ tính mạng cho chính mình, cho người khác và cộng đồng xã hội. Vì thế, đã biết bao người phải chết, và biết bao người bị thương tật suốt đời vì tai nạn giao thông.
Đại lễ cũng là một cơ hội để mỗi người nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè, các thành viên trong cộng đồng hãy làm tất cả những gì có thể để giao thông ở Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng văn minh, an toàn, s ống có ý thức, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, đồng thời chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông./.
Chính quyền thành phố Cần Thơ trực tiếp đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp  (11/11/2015)
Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016  (11/11/2015)
Tăng 5% lương cơ sở từ ngày 01-5-2016  (11/11/2015)
Nước Nga trước các thách thức đương đại  (11/11/2015)
Quan ngại tình trạng vi phạm quản lý đất nông, lâm trường quốc doanh  (10/11/2015)
Việt Nam tham dự Đại hội lần thứ nhất Đảng FMLN của El Salvador  (10/11/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên