Chiều 11-11-2015, bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết theo lịch trình, phiên chất vấn của Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 16-11 đến sáng 18-11. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn, khi đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội XIII khác so với các lần chất vấn, trả lời chất vấn trước đó.

Những lần trước là chủ động xin ý kiến đại biểu nội dung chất vấn, sau đó Quốc hội sẽ chọn nhóm vấn đề và thành viên Chính phủ để chất vấn, trả lời chất vấn. Nhưng kỳ này, trên cơ sở nhìn lại các nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến Kỳ họp thứ 10, trong đó chủ yếu là những nội dung thông qua như Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; Báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao; Báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban; Báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác khiếu nại, tố cáo…

Thông qua những báo cáo đó, các vị đại biểu xem xét nội dung gì đã làm được và vấn đề nào chưa thực hiện được. Trên cơ sở những nội dung còn tồn tại, chưa giải quyết trong việc thực hiện các nghị quyết, đại biểu Quốc hội sẽ đặt câu hỏi chất vấn. Do đó, chất vấn sẽ diễn ra đối với bất kỳ thành viên Chính phủ nào khi đại biểu đặt câu hỏi.

Đối với những nội dung liên quan đến tổng hợp, một Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chung các nội dung; đồng thời sẽ trả lời nếu có đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.

Đánh giá về trách nhiệm của các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong nhiệm kỳ này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhìn chung các thành viên Chính phủ đều có trách nhiệm trong việc tập trung giải quyết những tồn tại ở lĩnh vực và ngành phụ trách. Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung giải quyết chưa đạt yêu cầu. Ví dụ như cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là việc “được mùa mất giá,” “được giá mất mùa,” xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm; ngộ độc thức ăn thực phẩm; giá thuốc, chữa bệnh… đều là những vấn đề đang còn rất phức tạp.

“Tôi tin những vấn đề này đại biểu sẽ có ý kiến” - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, quan điểm của Quốc hội là sẽ truy đến cùng những vấn đề chưa giải quyết. Cụ thể, sau khi tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ có một nghị quyết gửi lại khóa sau để tiếp tục đôn đốc, theo dõi, giám sát việc thực hiện những vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực chưa giải quyết xong. “Đây là một nội dung, hình thức mới, từ trước đến nay Quốc hội chưa làm bao giờ” - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ.

Theo chương trình, tại phiên chất vấn, Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi./.