Nhằm quán triệt và triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Đảng bộ Sóc Trăng đang tập trung khai thác mọi tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp toàn diện. Trong những năm qua, tỉnh đã đặc biệt chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ và có nhiều chính sách, biện pháp để huy động các nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Tỉnh Sóc Trăng nằm cuối hạ lưu sông Hậu, tiếp giáp biển Đông, có 72 km bờ biển với 3 cửa sông lớn là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh. Diện tích tự nhiên của toàn tỉnh là 331.000 ha, trong đó diện tích sử dụng vào mục đích nông, lâm, ngư nghiệp chiếm gần 280.000 ha. Với ba vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt và vị trí tiếp giáp biển nên ít bị ngập vào mùa lũ, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp toàn diện.

Thế mạnh của Sóc Trăng: phát triển nông nghiệp toàn diện

Những năm qua, Đảng bộ luôn xác định nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh và tập trung đầu tư, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII nhiệm kỳ 1992 - 1995 xác định nông nghiệp và thủy sản là 2 thế mạnh của tỉnh và đề ra giải pháp tập trung đẩy mạnh công tác thủy lợi, ứng dụng công nghệ sinh học, hóa học, cơ giới và các biện pháp khoa học - kỹ thuật đồng bộ để phát triển sản xuất nông nghiệp. Các đại hội tiếp theo của Đảng bộ tỉnh tiếp tục khẳng định thế mạnh về sản xuất nông nghiệp toàn diện và xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, khâu đột phá thúc đẩy sự chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đồng thời đề ra các giải pháp tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, ứng dụng có kết quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học.

Để triển khai, thực hiện các nghị quyết đại hội đảng bộ, Tỉnh chỉ đạo xây dựng Nghị quyết chuyên đề phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết về phát triển kinh tế thủy, hải sản của tỉnh đến năm 2010 và Nghị quyết về phát triển kinh tế biển, vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành, địa phương đã có nhiều chính sách, biện pháp để huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn, đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP của Chính phủ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đã chủ trương chuyển đổi một số vùng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, trồng các cây, con có hiệu quả kinh tế hơn.

Từ một tỉnh thuần nông, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng yếu kém, trồng trọt độc canh cây lúa, chăn nuôi chưa phát triển, thủy sản chỉ dựa vào khai thác tự nhiên, đến nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và giá trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh trên đơn vị diện tích đất canh tác. Năm 2008, ước tính sản lượng lúa đạt trên 1,7 triệu tấn, tăng hơn 2 lần so với năm 1992, năng suất lúa bình quân tăng 1,5 lần. Thủy sản giữ vị trí ngành kinh tế mũi nhọn, tăng nhanh về diện tích, sản lượng nuôi trồng, khai thác, chế biến và xuất khẩu. Diện tích nuôi thủy sản tăng 3 lần; sản lượng thủy sản tăng gần 5 lần; kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 14 lần so với năm 1992 (dự kiến năm 2008 xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 400 triệu USD). Giá trị sản xuất bình quân trên đất nông nghiệp đạt gần 70 triệu đồng/ha. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản có bước phát triển cả về số cơ sở, quy mô, năng lực sản xuất, giá trị năm sau cao hơn năm trước, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp chế biến thủy sản, với 9 nhà máy, công suất 78.250 tấn thành phẩm/năm, thu hút 13.000 lao động; 1.115 cơ sở chế biến nông sản, thu hút 19.300 lao động; 16 cơ sở chế biến đường và một nhà máy tinh luyện đường RS công suất 1.800 tấn nguyên liệu/ngày, thu hút trên 350 lao động; 631 cơ sở xay xát gạo, thu hút 2.708 lao động và một công ty cổ phần chế biến gạo chất lượng cao công suất 28.000 tấn/năm. Chương trình xóa đói, giảm nghèo, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và xây dựng nông thôn mới cũng có những bước phát triển đáng kể: tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh dự kiến đến cuối năm 2008 còn 16% (theo tiêu chí 2005); 100% số xã có điện lưới với 90% số hộ dân có điện sử dụng; trên 80% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% số xã có trường tiểu học, 95,4% số xã có trường trung học cơ sở, 18,4% số xã có trường phổ thông trung học; 100% số xã có trạm y tế, 75,1% số ấp có cán bộ y tế; trên 80% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch.

Sóc Trăng xác định khoa học - kỹ thuật và công nghệ là giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Tỉnh chọn các đề tài khoa học mang tính khả thi để áp dụng trong sản xuất, tăng năng suất, nhất là lĩnh vực giống cây trồng (lúa), vật nuôi; các đề tài ứng dụng công nghệ sau thu hoạch... phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, Sóc Trăng đã nghiên cứu chọn tạo giống lúa trung mùa ST5 có chất lượng tốt và năng suất rất cao, các dòng lúa thơm cực sớm ST6, ST7, ST8 đặc biệt là giống lúa quốc gia ST3 góp phần nâng cao giá trị lúa hàng hóa của tỉnh. Dự án về cải tiến chất lượng giống heo địa phương để tăng tỷ lệ nạc đã cho kết quả tốt: tỷ lệ nạc trong thân thịt từ 43% tăng lên 52%. Nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đã được thực hiện có hiệu quả tốt trong sản xuất, cung cấp giống thủy sản như tôm càng xanh, cá tra, cá sặc rằn... ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào xây dựng các mô hình nuôi một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, cá kèo, cá thác lác, cá chình, ốc hương, cua biển... Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật PCR trong chẩn đoán và phòng trị bệnh đốm trắng, đầu vàng trên tôm sú...

Công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công đã tập trung vào nhiệm vụ chuyển giao đến nông dân các tiến bộ kỹ thuật về sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản. Các quy trình sản xuất, nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản nông, thủy sản hướng vào mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Qua đó, trình độ sản xuất của nông dân nhất là của đồng bào dân tộc Khơ-me từng bước được nâng lên.

Hệ thống bảo vệ thực vật, thú y được thiết lập và hoạt động ổn định ở tất cả các huyện, thành phố, góp phần bảo đảm an toàn dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, bảo vệ sản xuất, tạo được lòng tin của bà con nông dân và các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Sóc Trăng chuyển dịch vẫn còn chậm, chưa theo sát với thị trường. Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chưa phát triển đồng bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở các vùng trong tỉnh còn có sự chênh lệch... Để rút ngắn khoảng cách về đời sống vật chất, tinh thần giữa nông thôn và thành thị, trước mắt Sóc Trăng tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn

Đảng bộ Sóc Trăng xác định, nông nghiệp, nông thôn tiếp tục giữ vai trò, vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, mục tiêu được đặt ra là tiếp tục phát triển một nền nông nghiệp mạnh, đa dạng và bền vững; xây dựng nông thôn với cơ cấu kinh tế hợp lý, có quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực nông thôn; phấn đấu đến năm 2010, thực hiện đạt các chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp, nông thôn mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra. Cụ thể: ổn định sản lượng lúa hằng năm ở mức 1,7 triệu tấn, lúa đặc sản các loại chiếm tỷ trọng cao, giá trị sản xuất bình quân trên một héc-ta đất nông nghiệp đạt 75 triệu đồng trở lên; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 22,7% trong cơ cấu nông nghiệp; diện tích nuôi thủy sản đạt 80.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm là 45.000 ha, trong đó có 30.000 ha nuôi thâm canh và bán thâm canh; tổng sản lượng thủy hải sản đạt 275.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 680 triệu USD; có 85% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, trên 90% số hộ dân có điện sử dụng; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 15% (theo tiêu chí năm 2005).

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu trên, tỉnh sẽ quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đồng thời, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

- Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân, nhất là các chủ thể sản xuất kinh doanh nông nghiệp về chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; về phát triển kinh tế biển, vùng ven biển của tỉnh Sóc Trăng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

- Khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp toàn diện (bao gồm cả nông, lâm, thủy sản); xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế biển, vùng ven biển của tỉnh. Trên cơ sở đó, xây dựng và triển khai các dự án phát triển sản xuất theo từng vùng sinh thái; từng bước hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả, rau màu và các mô hình chăn nuôi theo công nghệ hiện đại, có sức cạnh tranh cao, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đẩy mạnh phát triển cả nuôi trồng, khai thác biển và chế biến xuất khẩu. Đối với nuôi trồng, phát triển cả 3 vùng ngọt, lợ, mặn theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Hoàn thiện khu dịch vụ hậu cần nghề cá và cảng cá Trần Đề, khu tránh bão cho tàu thuyền trước năm 2010, tạo điều kiện phát triển nghề cá.

- Triển khai nhanh công tác quy hoạch phát triển ngành nghề ở nông thôn trên cơ sở phù hợp với lợi thế của địa phương, có thị trường tiêu thụ, hướng tới các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế nông thôn. Quy hoạch lại cấp xã, phường, nhất là quy hoạch kết cấu hạ tầng và xây dựng nông thôn mới.

- Tăng cường chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhằm giảm tỷ lệ hao hụt và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ phát triển các cơ sở sản xuất hàng thủ công sử dụng ít nguyên liệu, nhiều lao động, đạt giá trị kinh tế cao; duy trì, phát triển các cơ sở làng nghề, khuyến khích các hộ gia đình, tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tại chỗ và tham gia xuất khẩu.

- Thực hiện tốt liên kết "bốn nhà" trong sản xuất nông nghiệp; triển khai thực hiện có kết quả việc tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, ngày 24-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; phối hợp với các địa phương tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và quản lý chất lượng nông sản hàng hóa, đăng ký và bảo vệ thương hiệu hàng hóa.

- Tiếp tục đổi mới và phát triển quan hệ sản xuất ở nông thôn: củng cố các loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã; tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế hộ phát triển; quan tâm phát triển kinh tế trang trại; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra đời và phát triển ở khu vực nông thôn.

- Chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, trong chọn tạo các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, sản phẩm bảo đảm chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Đổi mới, mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công tới cơ sở và đẩy nhanh việc thực hiện xã hội hóa công tác này; hướng dẫn nông dân ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái, đáp ứng yêu cầu đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường; kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, khống chế, dập tắt kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng.

- Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở và lực lượng cán bộ kỹ thuật của các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công; cán bộ quản lý, cán bộ hợp tác xã, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Kêu gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước cần ưu tiên đầu tư và huy động các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch và vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục, chợ, hệ thống thông tin liên lạc ở nông thôn.

- Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nông thôn, nhất là các chương trình xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện tốt chính sách về đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc Khơ-me nghèo, không có đất. Tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ khó khăn phát triển sản xuất, phấn đấu giảm nghèo, vươn lên khá.

Đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, giữ gìn truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao dân trí, tăng cường đào tạo nghề để không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn.

- Tổ chức tốt việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn nông thôn. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn từ tỉnh đến cơ sở, nhất là ở cơ sở nhằm đưa công tác quản lý nhà nước đi vào chiều sâu, phù hợp với điều kiện hội nhập và phát triển bền vững. Giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu kiện của nhân dân, không để hình thành những điểm "nóng" ở nông thôn.

Sóc Trăng có nhiều tiềm năng và lợi thế để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những năm qua, tỉnh đã tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời có nhiều chính sách, biện pháp để huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển bền vững./.