Bằng cái nhìn tổng hợp và hệ thống, bài viết đã đưa ra một số khuyến nghị và giải pháp nhằm phát huy vai trò của ngư dân trong việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 từ vấn đề quản lý và quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thuỷ sản, kết cấu hạ tầng, vấn đề vốn và chất lượng lao động, phát triển khoa học- công nghệ trong lĩnh vực thuỷ sản đến các vấn đề bảo vệ nguồn lợi và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng biển đảo

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đòi hỏi phải xây dựng một mô hình quản lý đa ngành và liên ngành với những hình thức quản lý đa dạng nhưng thống nhất. Quản lý nhà nước về hoạt động kinh tế - xã hội của ngư dân phải kết hợp giữa quản lý tổng hợp vùng ven bờ và xa bờ trên cơ sở khoa học. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm giữa quản lý khai thác và quản lý nguồn lợi biển đảo. Đây là hai mặt của một vấn đề thống nhất bảo đảm sự sống còn của cộng đồng ngư dân và thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới cho thấy, bên cạnh quản lý trên cơ sở hệ sinh thái, quản lý nhà nước, cần thiết phải đẩy mạnh quản lý trên cơ sở cộng đồng và đồng quản lý. Các hình thức quản lý này cần được phối hợp chặt chẽ, không tách rời nhau. Cơ chế để khuyến khích và phát triển ý thức tự giác, năng lực tự quản lý của ngư dân được xây dựng bằng cách giao kết tự quản lý nguồn lợi của từng cộng đồng trên cơ sở kế thừa các giá trị từ các hương ước quản lý truyền thống được thể chế hoá đồng bộ mang tính hệ thống trong phạm vi cả nước.

Với cách tiếp cận quản lý như trên, việc xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển tổng thể biển đảo Việt Nam phải trên nguyên tắc thống nhất trong phạm vi toàn quốc, gắn với quy hoạch phát triển vùng, với quy hoạch phát triển ngành nghề trong không gian biển đảo và xuất phát không chỉ từ hiệu quả kinh tế của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, mà còn từ hiệu quả xã hội gắn với hiệu quả đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển đảo.

Một là, vấn đề tổ chức lại sản xuất

Vấn đề tổ chức lại sản xuất đã được ngành thuỷ sản xem là khâu đột phá trong quá trình phát triển ngành thuỷ sản. Việc xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất cần phải lấy ngay kinh nghiệm trong ngư dân, những mô hình hoạt động sản xuất có hiệu quả ở các địa phương để phổ biến, tuyên truyền áp dụng, phát hiện, nghiên cứu hoàn thiện và nhân điển hình. Trên cơ sở những kinh nghiệm thành lập các “tổ đội”ở một số tỉnh phía Nam, bước đầu xây dựng những tổ, đội hợp tác trên cơ sở tự nguyện của các gia đình, dòng họ, cụm dân cư có sự hỗ trợ của Chính quyền theo mô hình đội tàu (4-5 chiếc), đoàn tàu (5-10 chiếc) có tàu “mẹ”, tàu “con” để luân phiên vận chuyển sản phẩm về đất liền tiêu thụ, nhằm giảm chi phí đầu vào và nâng cao giá trị bảo quản sản phẩm.
 
Một trong những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài là tạo cơ chế để xuất hiện nhu cầu hợp tác của ngư dân bằng cách xây dựng mô hình hợp tác có hiệu quả ở từng làng chài, sau đó mới nhân rộng. Tổ chức cho ngư dân tham quan các hợp tác xã điển hình tiên tiến. Thành lập các hợp tác xã cung ứng dịch vụ đầu vào và đảm bảo tiêu thụ đầu ra ngay trên biển dưới sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Chỉ đạo tổ chức, triển khai xây dựng các mô hình hợp tác xã thủy sản có hiệu quả kết hợp giữa hoạt động sản xuất và dịch vụ hậu cần không chỉ trong khai thác hải sản mà còn trong nuôi trồng thủy sản. Tổ chức giới thiệu các hợp tác xã điển hình tiên tiến và tuyên truyền cho ngư dân về tầm quan trọng của hợp tác xã trong việc nâng cao năng suất lao động, bảo vệ nguồn lợi hải sản, giữ vững an ninh vùng biển và tương trợ lẫn nhau khi gặp rủi ro, phòng chống thiên tai. Ngoài ra, cần chú ý tiến hành tổ chức hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là khai thác hải sản và xây dựng khung pháp lý cho những hoạt động này không chỉ đảm bảo cho bà con ngư dân yên tâm hoạt động sản xuất mà còn tránh xảy ra tình trạng tranh chấp ngư trường giữa các nước trong khu vực.

Hai là, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thủy sản

Việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thuỷ sản bảo đảm cho đầu ra của hoạt động sản xuất của ngư dân được ổn định. Ngoài hoạt động xúc tiến thương mại ở ngoài nước, cần quảng cáo sản phẩm thuỷ sản cho khách du lịch nước ngoài để xây dựng mô hình tiêu dùng thuỷ sản Việt Nam cho họ. “Sản phẩm thuỷ sản sạch” đang là vấn đề ảnh hưởng tới xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều này chỉ có thể được giải quyết bằng cách kiểm soát của nhà nước và sự tự kiểm soát của ngư dân, ngay từ khâu sản xuất của họ đến khâu dịch vụ và nhà máy chế biến hải sản. Bên cạnh các cơ sở chế biến và các trung tâm thu mua tăng cường năng lực tìm kiếm thị trường ngoài nước để tăng kim ngạch xuất khẩu, cần phải chú ý đến vấn đề khai thác thị trường tiêu dùng trong nội địa. Chiếm lĩnh và phát triển thị trường tiêu dùng trong nước là nhân tố quan trọng để tăng trưởng, ổn định sản xuất kinh doanh của bà con ngư dân.

Ba là, vấn đề vốn

Việc phát huy vai trò của ngư dân trong Chiến lược biển đến năm 2020 không thể không chú ý đến các nguồn lực, bao gồm: lao động, thiết bị, công nghệ; học vấn, tay nghề, kỹ năng lao động; quy mô và tính chất của các mối quan hệ và mạng lưới xã hội; thái độ ứng xử của ngư dân. Năng suất, chất lượng và hiệu quả của các hành động kinh tế của ngư dân - chủ thể kinh tế phụ thuộc vào quy mô nhiều ít của bốn loại nguồn lực nêu trên.

Trong các loại nguồn lực trên, thiếu vốn là một trong những hạn chế lớn nhất của sự phát triển hộ gia đình ngư dân cũng như các chủ trang trại, doanh nghiệp thuỷ sản hiện nay. Để giải quyết khó khăn về loại vốn này cần giải pháp mang tính tổng hợp từ: giải pháp về thị trường vốn, chính sách tận dụng nguồn vốn trong nước, chính sách khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong nước, đặc biệt là giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn vay ưu đãi ODA. Vấn đề tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư có tầm quan trọng và tính khả thi hơn là các biện pháp tăng vốn.
 
Nhà nước cần tạo ra môi trường pháp lý trong việc phối kết hợp giữa ngân hàng và các cơ sở chế biến hải sản để các cơ sở đó trở thành một trong những tổ chức tín chấp giúp ngư dân tiếp cận vay vốn ngân hàng, từ đó có thể hạn chế tình trạng ép giá của một số cơ sở dịch vụ tư nhân đang tồn tại trong cộng đồng ngư dân. Trong việc chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp,cần xác định dung lượng vốn, thời gian vay, lãi suất vay phù hợp với từng loại hình nghề nghiệp được chuyển đổi và kiêm nghề nhằm ổn định, mở rộng và phát triển sản xuất cho bà con ngư dân.

Để tăng cường các nguồn lực khác của ngư dân, cần khôi phục và tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các hội nghề biển (Hội vạn, Hội tương thân tương ái). Đây là nơi bà con ngư dân thực hiện các giao tiếp xã hội của mình, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh thủy sản, hỗ trợ đồng nghiệp trong lúc khó khăn, tổ chức lễ hội nghề và lễ hội văn hoá. Tiếng nói của hội nghề có ảnh hưởng lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ của bà con ngư dân cũng như hướng hoạt động sản xuất kinh doanh thuỷ sản vào quỹ đạo khai thác hợp lý nguồn lợi, tài nguyên môi trường biển.

Bốn là, đào tạo nguồn lao động

Hiện nay, phần lớn lao động khai thác, nuôi trồng thuỷ sản chưa quan đào tạo một cách hệ thống. Đây là trở ngại lớn cho việc tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới và hạn chế năng xuất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.
 
Để đào tạo nghề có thể mở các khoá đào tạo, tập huấn tại cơ sở nhằm giúp ngư dân tiếp cận các loại hình nghề nghiệp mới, kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất, điều tiết thu nhập và chi tiêu của hộ, kinh nghiệm sản xuất thành công và các kỹ năng sử dụng trang thiết bị kỹ thuật vào hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Công tác khuyến ngư cần hướng tới chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới về đối tượng và phương thức trong khai thác và nuôi trồng thủy sản.
 
Một hướng ưu tiên khác là việc phổ biến và áp dụng tại chỗ các kỹ thuật, công nghệ trong chế biến và bảo quản hải sản nhằm tăng giá trị sản phẩm khai thác và nuôi trồng thủy sản. Thiết lập và thực thi các chính sách ưu tiên đối với việc tuyển dụng con em ngư dân vào các trường đào tạo ngành nghề thủy hải sản chính quy như: đại học, cao đẳng, trung cấp . Khuyến khích các cơ sở chế biến và cung ứng dịch vụ thủy hải sản dành một số chỉ tiêu nhất định nhận con em ngư dân vào học nghề và làm việc. Đây là biệp pháp vừa trước mắt vừa lâu dài để giải quyết tình trạng phần lớn lực lượng nuôi trồng thủy sản và 30% lực lượng đi biển là nông dân và phương pháp bảo quản sản phẩm sau khi thu hoạch còn lạc hậu.

Năm là, phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực thủy sản

Việc phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực thủy sản trở thành động lực của sự phát triển ngành thủy sản. Phát triển khoa học – công nghệ cần thiết phải chú ý đến điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển. Cần thiết phải đầu tư mạnh cho điều tra cơ bản một cách hệ thống về tài nguyên môi trường biển. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng thông tin dự báo ngư trường, nguồn lợi hải sản bằng cách xã hội hóa các kết quả nghiên cứu về ngư trường nguồn lợi hải sản của các đơn vị nghiên cứu. Điều đó giúp cho ngư dân xác định chính xác bãi cá, dòng cá nổi di cư theo nhiệt muối để đánh bắt hiệu quả, giảm bớt thời gian di chuyển ngư trường và hạn chế việc đánh bắt gần bờ. Những dự báo ngư trường cần chi tiết, cụ thể hơn và cần phải được chuyển giao cho ngư dân. Dự báo ngư trường cần phối hợp với các dự báo ngư trường của thế giới ở vùng biển Thái Bình Dương thông qua việc thu thập và xử lý thông tin từ ảnh viễn thám.

Sáu là, bảo vệ nguồn lợi biển đảo

Thiết kế những chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân về bảo vệ nguồn lợi biển đảo trên tất cả các loại hình truyền thông kể cả truyền thông đại chúng lẫn truyền thông tương tác cá nhân. Cần thiết có những tài liệu nâng cao kiến thức để giúp họ thực hiện tốt vai trò của mình trong việc bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên môi trường biển như: Cẩm nang hướng dẫn thực hiện vai trò bảo vệ nguồn lợi biển của ngư dân, những tờ rơi với hình thức và nội dung phù hợp với đối tượng là ngư dân.

Cùng với việc quy hoạch và xây dựng các Trung tâm quan trắc và cảnh báo môi trường, cần thiết xây dựng cơ chế thúc đẩy hành vi tự giác của ngư dân trong việc phát hiện, cảnh báo khi nguồn lợi môi trường suy thoái và ô nhiễm.

Bảy là, xây dựng kết cấu hạ tầng

Định hướng xây dựng kết cấu hạ tầng của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định bốn lĩnh vực: xây dựng hệ thống cảng biển, giao thông kể cả trên bộ lẫn hàng không, hệ thống điện nước và hệ thống thông tin, quan sát biển và yêu cầu xây dựng phải có trọng tâm, trọng điểm theo lĩnh vực và theo vùng.

Trong khoảng 10 năm qua, ngành thủy sản đã xây dựng trên 60 cảng cá, bến cá với hơn 10 ngàn mét cầu cảng tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát huy vai trò khai thác xa bờ của bà con ngư dân. Quy hoạch và đầu tư xây dựng những cảng cá và các trung tâm thu mua sản phẩm của ngư dân với mục đích làm nơi trao đổi buôn bán bằng các hình thức khác nhau, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho việc đấu thầu giá sản phẩm của ngư dân tránh tư thương ép giá. Là địa điểm thuận lợi trao đổi thông tin không chỉ về giá cả thị trường mà còn về ngư trường và kỹ thuật khai thác. Đây chính là điểm trội về thương mại và văn hoá làm biến đổi bộ mặt kinh tế - văn hoá, xã hội của cộng đồng ngư dân.

Tám là, vấn đề bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng biển đảo

Trước mắt, cần nhanh chóng xây dựng đồng bộ một số chính sách hỗ trợ ngư dân và các lực lượng dân sự hoạt động khai thác, nuôi trồng hải sản kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng ở vùng biển đảo trong “thời chiến” và “thời bình” từ việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đến chính sách, chế độ khắc phục rủi ro, hậu quả thiên tai cho các hoạt động sản xuất thủy sản trên biển đảo và chế độ chính sách liên quan tới di dân ra các huyện đảo tiền tiêu, như: Bạch Long Vỹ, Đảo Trần, Cô Tô - Vân Đồn, Hòn Mê, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo và Phú Quốc - Thổ Chu. Tùy theo vị thế chính trị - kinh tế, mức độ rủi ro tiềm năng... của mỗi nơi mà lựa chọn xây dựng các nhóm chính sách, chế độ hỗ trợ khác nhau cho phù hợp. Trong đó chú trọng giải quyết đồng bộ cả ba vấn đề ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường trong quá trình triển khai để đạt được mục tiêu phát triển nghề cá theo hướng bền vững gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng ở biển - hải đảo./.