Sau chiến tranh lạnh, thế giới hai cực đã trở thành thế giới một cực, nhưng hiện đang trong quá trình chuyển đổi thành thế giới đa cực hay một thế giới đa quan hệ? Bởi vì, toàn cầu hóa và những tiến bộ khoa học - công nghệ đang làm biến đổi nhanh các quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, quan hệ giữa Mỹ, EU và Trung Quốc hiện vẫn còn rất nhiều trở ngại. Một số người coi Trung Quốc như mối đe dọa quân sự, trong khi những người khác lại xem Trung Quốc như một đối tác kinh tế không thể bỏ qua.

Thách thức chung thúc đẩy hợp tác

Chưa bao giờ thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức chung như hiện nay, từ nghèo khổ, khủng bố quốc tế, phổ biến vũ khí hạt nhân, di cư tự do, đến thay đổi khí hậu, môi trường xuống cấp, an ninh năng lượng và quản lý toàn cầu hóa. Một hệ thống quản lý thế giới đổi mới là điều kiện đầu tiên để giải quyết các thách thức này.

Mỹ, EU và Trung Quốc chiếm 1/3 dân số thế giới, hơn 3/4 kinh tế thế giới, hơn 90% chi phí quân sự và 4 trên 5 ghế thường trực tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Hiển nhiên, Mỹ có thực lực mạnh nhất trong tam giác này. Tuy nhiên, cuộc chiến tại I-rắc đã làm suy giảm nhiều ảnh hưởng của Mỹ, khiến cho mong muốn xây dựng trật tự thế giới theo ý đồ của Mỹ không thể thực hiện.

Mỹ, EU và Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức của quá trình toàn cầu hóa và những thách thức mới. Mỗi bên có những thách thức cơ bản khác nhau. Đó là, Mỹ: vấn đề khủng bố, Trung Quốc: vấn đề độc lập của Đài Loan, EU: vấn đề thất nghiệp. Mỗi bên đều cố gắng kết nối những thách thức riêng với những thách thức của hệ thống quốc tế, nhưng thật khó để có được một hệ thống xử lý chung.

EU là một “quyền lực mềm” chủ yếu của thế giới. Phần lớn ảnh hưởng của EU bắt nguồn từ thành tựu hội nhập hòa bình của nó. Tuy nhiên, EU vẫn còn khó khăn lớn trong việc xây dựng một chính sách an ninh và đối ngoại chung.

Trung Quốc là một nước trỗi dậy qua thời kỳ phát triển kinh tế nhanh chóng. Sự phát triển này đạt được với một chút xáo trộn xã hội, sự bất bình đẳng kinh tế giữa miền đông và miền tây, giữa thành thị và nông thôn.

Trong khi EU chỉ đánh giá Trung Quốc như một mối đe dọa kinh tế thì Mỹ xem Trung Quốc như một đe dọa an ninh tương lai, một đối thủ chiến lược. Song, tất cả đều nhận thức được rằng, họ phải đối mặt với những mối đe dọa chung.

EU và Trung Quốc đã xây dựng một hiệp định hợp tác và đối tác dài hạn, mục đích là để củng cố mối quan hệ kinh tế giữa hai bên và toàn cầu. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc phức tạp hơn. Hai nước là đối thủ thời chiến tranh lạnh và hiện vẫn lo ngại về nhau. Mỹ vừa muốn vừa sợ một nước Trung Quốc phát triển và ổn định. Chính vì vậy, kiềm chế Trung Quốc vẫn luôn là chính sách của Mỹ.

Lợi ích thúc đẩy hợp tác

Hiện nay, ở phương Tây có nhiều ý kiến cho rằng, phương Tây phải tăng cường hiểu biết về triết lý, văn hóa và lịch sử Trung Quốc. Sự xâm lấn của các cường quốc đối với chủ quyền của Trung Quốc trong 150 năm với các cuộc chiến tranh thuốc phiện, Hiệp ước Nam Kinh, các hiệp ước bất bình đẳng khác; nhượng lãnh thổ Hồng Công và những nhượng bộ khác, đỉnh điểm là cuộc xâm lược năm 1900 của liên minh 8 nước khiến cho Trung Quốc phải ký hòa ước bất bình đẳng năm 1901(Boxer Protocol), đã biến Trung Quốc trở thành một nước đang phát triển. Nhưng Trung Quốc có lịch sử hơn 4.000 năm và là nền kinh tế lớn nhất thế giới từ thế kỷ XI cho đến thế kỷ XVIII. Vì vậy, sự trỗi dậy của Trung Quốc hiện nay là sự tái trỗi dậy. Đó là vấn đề mấu chốt.

Nguồn gốc văn hóa, truyền thống, lịch sử, ngôn ngữ và tư tưởng là yếu tố ràng buộc Mỹ và EU. Tuy nhiên, quy mô, tầm quan trọng và cách tiếp cận chính sách đối ngoại giữa Mỹ và EU không phải luôn luôn trùng hợp mà có sự khác biệt, nhất là dưới thời Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ và có thể vẫn sẽ còn có sự khác nhau trong thời gian tới. Quan điểm khác biệt này xuất phát từ nhân tố văn hóa, địa lý, lịch sử. EU tỏ ra uyển chuyển hơn trong cách đánh giá, nhìn nhận. Bởi vậy, EU có xu hướng thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, trong khi Mỹ luôn tìm cách thực hiện đơn phương. Đ. Răm-xpheo, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ từng nói: “Không có vấn đề gì quan trọng trên thế giới mà Mỹ không thể hành động đơn phương”.

Mặc dù, lợi ích chung khiến cho Trung Quốc, Mỹ và EU phải hợp tác, nhưng lợi ích riêng vẫn là nhân tố quan trọng. Trung Quốc cho rằng, can thiệp có thể làm hại sự phát triển của các nước. Nhưng EU lại cho rằng, cộng đồng quốc tế có trách nhiệm can thiệp trong những trường hợp có giới hạn cụ thể với sự chấp thuận của Liên hợp quốc. Còn Mỹ cho rằng, mình có quyền đơn phương can thiệp trong những trường hợp giới hạn cụ thể mà không cần sự chấp thuận của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, Mỹ, EU và Trung Quốc đều đang phải đối mặt với những thách thức chung và những thách thức này chỉ có thể giải quyết được trên cơ sở hợp tác toàn cầu. Và cũng chính vì chỉ có một thị trường toàn cầu nên “ba người chơi dẫn đầu” phải phụ thuộc lẫn nhau. Thành công kinh tế của mỗi bên là yếu tố sống còn đối với hai bên còn lại, khiến cho họ phải hợp tác hơn là biệt lập, nếu không, một bên sẽ chống lại hai bên. Vì vậy, tăng cường lợi ích trong các hiệp định thương mại song phương là tất yếu để bảo đảm hợp tác là yếu tố cơ bản thúc đẩy quan hệ theo hướng đa phương. Các hiệp định cần là các hiệp định thương mại tự do, không có ưu tiên và phân biệt. Bên cạnh đó, Mỹ, EU và Trung Quốc có lợi ích chiến lược chung về hòa bình và phát triển. Do đó, tam giác quan hệ này không thể là đơn cực mà phải là đa cực. Trong thời kỳ toàn cầu hóa, cân bằng quyền lực cần được thay bằng chia sẻ quyền lực. Chỉ có hợp tác ba bên mới có thể định hướng được sự phát triển.

Cân bằng quyền lực để xử lý khủng hoảng

Mỹ, EU và Trung Quốc không phải là những siêu cường đơn nhất và họ rất khác biệt trong cách mở rộng quyền lực của riêng mình. Cùng với nhau, ba siêu cường này đang ngày càng làm chủ nền kinh tế toàn thế giới, hình thành nên khối thương mại lớn nhất và định ra luật lệ cho phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, vẫn còn các cường quốc khác. Đó là một nước Nga giàu năng lượng, một Ấn Độ đang khao khát vươn lên, một Nhật Bản giàu công nghệ. Ngoài ra, còn có rất nhiều nước theo đuổi quan điểm chống siêu cường mạnh mẽ. Trong một thế giới của sự liên kết, chứ không phải liên minh, các hệ thống nước lớn hay các phạm vi ảnh hưởng của họ ngày càng chồng lấn nhau với sự tham gia liên kết của các nước khác nhằm nhận được hỗ trợ kinh tế, viện trợ quân sự... từ một cường quốc.

Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại một thế giới đa cực và đa văn minh trong cách nhìn nhận của ba siêu cường riêng biệt, khi đang cạnh tranh nhau trên một hành tinh mà các nguồn lực ngày càng cạn kiệt. Mỗi bên, theo cách riêng của mình, đang làm suy yếu cấu trúc quốc tế của quản lý toàn cầu, làm xói mòn quan điểm về sự kiềm chế cạnh tranh giữa các siêu cường của luật pháp và các thể chế quốc tế.
 
Chính vì thế, các thể chế quản lý toàn cầu phải phản ánh được nền tảng địa - chính trị cơ bản nhằm duy trì sự tín nhiệm và sự hợp pháp. Các nước phải tiếp tục ủng hộ một Liên hợp quốc với tư cách là một diễn đàn chung để đối thoại. Nếu các nước lớn tiếp tục có những bước leo thang mang tính toàn cầu, nguy cơ xảy ra xung đột sẽ ngày càng cao: cạnh tranh nguồn lực ở vùng biển Ca-xpi, khủng bố bằng vũ khí hạt nhân, một cuộc tấn công ở Vịnh A-đen hoặc Eo biển Ma-lắc-ca...

Hiện nay, mỗi siêu cường đang cố gắng giành lợi thế cho mình nhưng không một siêu cường nào đủ sức mạnh để điều khiển toàn bộ hệ thống. Về phương diện lịch sử, sự lặp lại thành công của cán cân quyền lực và các học thuyết an ninh chung được rút ra từ lập luận chiến tranh là một lợi thế chiến lược trong việc xây dựng các hệ thống để tránh chiến tranh. Thế giới đa cực hiện nay tựa như một chiếc ghế 3 chân với Mỹ, EU và Trung Quốc là những siêu “đế chế” đang vượt trội. Tuy nhiên, chỉ khi có một cán cân quyền lực vững chắc thì chiếc ghế ấy mới vững bền và một trật tự thế giới mới mới dần hiện lên.

Sự thăng bằng yêu cầu Mỹ, EU và Trung Quốc phải xác định các luật lệ của cuộc chơi địa - chính trị cùng nhau. Cũng giống như trong một gia đình, sự cân bằng đòi hỏi một loạt quy tắc phức hợp để điều hòa các quan hệ. Những động cơ thiên về thành lập các thể chế để cố tình giảm bớt quyền lực của một bên, trong khi gia tăng quyền lực của bên kia là rất khó nắm bắt. Các bên chỉ biết đến bản thân cần phải được thuyết phục rằng, họ sẽ tiết kiệm được chi phí thông qua sự cộng tác vốn cũng phục vụ cho các lợi ích của chính họ. Mỹ sẽ không thể thuyết phục được thế giới rằng, nền dân chủ kiểu Mỹ hoặc sự dân chủ hóa là các mục đích cuối cùng của họ. Mỹ có thể cung cấp những “củ cà rốt” lớn hơn. Mỹ phản đối các biện pháp bảo hộ và tăng sức mạnh cho các thị trường mới nổi vì bản thân các thị trường này cũng đang ngày càng trở thành các nguồn chính mang lợi nhuận về cho họ. Thay vì rao giảng về nhân quyền, lao động, các tiêu chuẩn môi trường, Mỹ có thể cung cấp nhiều hơn nữa sự hỗ trợ về công nghệ cần thiết cho các nước đang phát triển để giúp họ đạt tới sự ổn định và thịnh vượng.

Thay đổi tiến trình tương lai của nhân loại đòi hỏi một sự hiểu biết lẫn nhau giữa các siêu cường và tài quản lý mềm dẻo, linh hoạt nhằm tạo dựng và duy trì sự ổn định. Vì vậy, phương pháp tiếp cận ba bên cần được phối hợp khi giải quyết các vấn đề chung.

Về ngắn hạn, vấn đề là làm thế nào để tránh được sự cạnh tranh giữa Mỹ, EU với Trung Quốc. Không có một sự đồng thuận cả ở Mỹ và EU về một chiến lược tổng thể với Trung Quốc. Các thể chế của Mỹ và EU là đa dạng. Mỹ, về bản chất, là một “quyền lực cứng”, còn EU là một “quyền lực mềm”.

Hiện nay, ở Mỹ có sự lo ngại rằng, sự tăng cường trong quan hệ chính trị giữa EU và Trung Quốc phản ánh quan điểm tạo ra một thế giới đa cực để chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Do đó, Mỹ đang tìm cách chia rẽ EU và thực hiện chính sách kiềm chế Trung Quốc.

Các nhà phân tích chính trị quốc tế cho rằng, quan điểm hiện tại của phương Tây đối với Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến quan điểm tương lai của Trung Quốc. Do vậy, Mỹ, EU cần phải hợp tác với Trung Quốc và từng bên phải định hình thế giới với mỗi bên và với hai bên còn lại. Để làm được điều này, Mỹ, EU và Trung Quốc cần học mô hình phát triển của nhau và học cách tôn trọng lẫn nhau. Đồng thời đưa ra các định hướng khả quan trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như giảm nghèo, kiểm soát dịch bệnh, sử dụng tốt hơn các nguồn tự nhiên, thay đổi khí hậu và thậm chí là xây dựng một xã hội thông tin toàn cầu; công bằng trong thương mại quốc tế với các nguyên tắc tốt hơn để phù hợp với tất cả trong các giai đoạn phát triển khác nhau; khuyến khích các doanh nghiệp và NGOs của mỗi bên có trách nhiệm hơn đối với cộng đồng thế giới; tìm ra nhiều lĩnh vực hợp tác hơn và bắt đầu tạo ra một nền văn hóa chung; thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau trong tất cả các lĩnh vực và tất cả các cấp độ; thúc đẩy an ninh toàn cầu và khu vực; củng cố hợp tác quốc tế và quản lý toàn cầu.

Ngoài ra, lợi ích của mỗi bên tùy thuộc vào việc chủ nghĩa đa phương có được xây dựng bền vững không? Điều này đòi hỏi những nỗ lực của tất cả các bên liên quan. Sự phát triển thành công của một nước nằm trong lợi ích toàn cầu./.