TCCSĐT - Trong những ngày tháng 8-1945 lịch sử, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện nghị quyết của Đảng và với sức mạnh đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, đồng bào cả nước dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng ở địa phương và cơ sở đã chạy đua với thời gian để giành độc lập cho dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân. Thành công của Cách mạng Tháng Tám đã để lại cho chúng ta bài học lớn về tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, kiên quyết giành thắng lợi.

1- Thời cơ Cách mạng Tháng Tám được xác định khi những điều kiện chủ quan và khách quan đã chín muồi. Một là, phong trào cách mạng và yêu nước của nhân dân Việt Nam chống ách cai trị của Nhật đã phát triển đến đỉnh cao trên khắp cả nước, ở tất cả các vùng, miền, các tầng lớp nhân dân. Giành độc lập, giành chính quyền trở thành vấn đề cốt tử của cách mạng và dân tộc. Nhân dân Việt Nam không thể sống trong sự áp bức bóc lột đến cùng cực của chế độ thực dân, phát xít và chính quyền phong kiến tay sai nước ngoài. Hai là, phát xít Nhật, kẻ thù trực tiếp của cách mạng Việt Nam, đã đầu hàng Đồng minh (14-8-1945); chế độ phong kiến tay sai đã suy tàn và Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim do Nhật dựng lên đã hoang mang, mâu thuẫn và lâm vào khủng hoảng. Ba là, Đảng và Mặt trận Việt Minh đã lớn mạnh, không những chủ động về đường lối, chủ trương và sự chỉ đạo thực tế mà còn có tổ chức và lực lượng rộng khắp trong cả nước, sẵn sàng và chủ động đưa quần chúng nhân dân vào hành động cách mạng.

Nắm chắc thời cơ, quyết tâm giành thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cũng thấy rõ những nguy cơ. Nếu không hành động theo nguyên tắc: Tập trung - Thống nhất - Kịp thời, để chậm trễ thì các nguy cơ sẽ cản trở, khó giành thắng lợi và tình hình sẽ diễn biến rất khó khăn, phức tạp. Các nguy cơ đó là: Lợi dụng Nhật thất bại, quân Pháp sẽ nhanh chóng quay lại Việt Nam, Đông Dương để thiết lập lại vị trí thống trị như trước ngày 09-3-1945 (ý đồ đó của Pháp đã lộ rõ từ bản tuyên bố 24-3-1945 của Đờ Gôn); quân Đồng minh (Tàu Tưởng và Anh) kéo vào giải giáp quân Nhật sẽ chiếm đóng lâu dài và thực hiện ý đồ cai trị các vùng đất của Việt Nam và Đông Dương. Đó là những nguy cơ thực tế rất phức tạp và nguy hiểm. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị đã có những quyết sách kịp thời, tranh thủ cao nhất những thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, đưa sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi nhanh nhất, trọn vẹn và ít tổn thất.

Nghị quyết Hội nghị Đảng toàn quốc họp ở Tân Trào nêu rõ: “Chính sách chúng ta là phải tránh cái trường hợp một mình đối phó với nhiều lực lượng Đồng minh (Tàu, Pháp, Anh, Mỹ) tràn vào nước ta và đặt Chính phủ của Pháp Đờ Gôn hay một chính phủ bù nhìn khác trái với ý nguyện dân tộc.

Bởi vậy, cần tranh thủ sự đồng tình của Liên Xô và Mỹ chống lại mưu mô của Pháp định khôi phục địa vị cũ ở Đông Dương và mưu mô của một số quân phiệt Tàu định chiếm nước ta”(1).

Ngày 28-8-1945, tại Hà Nội, Ủy ban giải phóng dân tộc được Đại hội quốc dân Tân Trào cử ra để lãnh đạo tổng khởi nghĩa, được cải tổ thành Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Một số đồng chí lãnh đạo của Đảng đã tự nguyện không tham gia Chính phủ lâm thời để các nhân sĩ, trí thức tham gia Chính phủ. Đó là nghĩa cử cao đẹp được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao và cũng thể hiện chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Hồ Chí Minh. Ngày 30-8-1945, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, chấm dứt chế độ quân chủ, phong kiến kéo dài hàng ngàn năm.

Ngày 02-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội đã trọng thể diễn ra lễ mừng đất nước độc lập. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh cơ sở thực tế và pháp lý của nền độc lập và Nhà nước cách mạng Việt Nam. “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”, “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”(2).

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã mở ra thời đại mới của lịch sử dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh. Cách mạng Tháng Tám đã để lại nhiều bài học có ý nghĩa lý luận và chính trị - thực tiễn cho các thời kỳ cách mạng tiếp theo, nhất là với công cuộc đổi mới hiện nay. Một trong những bài học đó là tận dụng thời cơ và đẩy lùi nguy cơ, kiên quyết giành thắng lợi. Đảng đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa nhân tố chủ quan và khách quan, giữa phát huy ý chí tự lực, tự cường của dân tộc với hoàn cảnh quốc tế, giữa thuận lợi và thách thức mới nảy sinh, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng và dân tộc để đi đến thành công.

2- Công cuộc đổi mới gần 30 năm qua đã tạo ra nhiều cơ hội lớn, đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đồng thời cũng đối đầu với những thách thức nặng nề, những nguy cơ cản trở, kìm hãm sự phát triển. Do đó, nhận thức rõ hơn cơ hội cho sự phát triển đất nước hiện nay là quan trọng.

Một là, với thành tựu to lớn, toàn diện của công cuộc đổi mới, thế và lực của đất nước đã mạnh lên, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội (năm 1996), trở thành quốc gia có thu nhập trung bình (năm 2008), thoát khỏi tình trạng của nước nghèo, kém phát triển. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xây dựng và từng bước hoàn thiện. Thực lực của nền kinh tế tăng lên; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được duy trì hợp lý và được đánh giá là thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng khá cao trên thế giới. Các đột phá chiến lược được thực hiện tích cực. Môi trường đầu tư được cải thiện, đa dạng hóa được nhiều nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ tăng lên. Trình độ công nghệ sản xuất công nghiệp thay đổi theo hướng hiện đại. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn có tiến bộ. Diện mạo đất nước thay đổi căn bản so với thời kỳ trước đổi mới. Xây dựng, phát triển văn hóa, con người đạt được những kết quả quan trọng cùng với những tiến bộ trong giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ. Việc giải quyết các vấn đề xã hội đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là về lao động - việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Sức mạnh quốc phòng, an ninh được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; chiến lược bảo vệ Tổ quốc không ngừng hoàn thiện. Hệ thống chính trị được xây dựng vững chắc bảo đảm sự ổn định chính trị. Đại đoàn kết dân tộc được củng cố tạo nên sự thống nhất và đồng thuận xã hội.

Hai là, công cuộc đổi mới không ngừng phát triển toàn diện, đồng bộ theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực tiễn và nhận thức về chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ, khẳng định Việt Nam đang phát triển theo con đường đúng đắn. Đường lối đổi mới của Đảng do Đại hội VI đề ra năm 1986 đã tạo ra bước ngoặt và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Đường lối đó không ngừng phát triển và được thực tiễn khẳng định tính đúng đắn. Hiện nay, đang tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược để tạo nên bước phát triển mạnh mẽ và bền vững. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đổi mới tư duy phát triển, phương thức phát triển, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững, gắn đổi mới mô hình tăng trưởng với cơ cấu lại nền kinh tế. Đổi mới sự lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chú trọng những vấn đề xã hội, văn hóa và con người. Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, xây dựng đồng bộ hệ thống chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quân sự, chiến lược an ninh quốc gia. Từ thực tiễn đổi mới, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn. Sáng tỏ về mô hình 8 đặc trưng và mục tiêu của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Sáng tỏ về những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là những phương hướng cơ bản và tám mối quan hệ lớn cần nắm vững và giải quyết tốt. Đó là những vấn đề rất cơ bản để tạo động lực mới cho sự phát triển đất nước hiện nay.

Ba là, với đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tích cực, chủ động, hội nhập quốc tế, đất nước đang có cơ hội nâng cao vị thế và phát triển bền vững. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời cũng thấy rõ tính chất phức tạp của quá trình chuyển biến xã hội. Nhận thức rõ những vấn đề mới của thời đại như quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học, công nghệ, sự hợp tác và đấu tranh và cùng tồn tại hòa bình giữa các nước vì lợi ích dân tộc. Thế giới và khu vực vẫn tồn tại nhiều nhân tố bất ổn. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo vẫn diễn ra gay gắt. Trong bối cảnh như thế, Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đường lối đối ngoại đúng đắn đã củng cố môi trường hòa bình, hữu nghị để hợp tác và phát triển; đã tranh thủ có hiệu quả nguồn lực bên ngoài, thành tựu khoa học, công nghệ của thế giới để phát triển đất nước về mọi mặt.

Hiện nay, thời cơ, vận hội cho sự phát triển đất nước nhanh và bền vững là rất rõ ràng và hiện thực. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những nguy cơ, thách thức đang tồn tại cần phải ngăn chặn, đẩy lùi. Bốn nguy cơ mà Đảng xác định từ năm 1994 đến nay vẫn tác động tiêu cực và có mặt còn trầm trọng hơn. Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa cả trong nhận thức và hành động vẫn là mối lo lớn của nhiều người. Nền kinh tế vẫn còn nhiều yếu kém, quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh còn thấp, phát triển chưa bền vững. Công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, yếu kém, tình trạng tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được khắc phục có hiệu quả “là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”(3). Với truyền thống và tinh thần của Cách mạng Tháng Tám cần phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực, tận dụng tốt nhất cơ hội để phát triển đất nước và quyết tâm đẩy lùi nguy cơ, khắc phục khuyết điểm, yếu kém để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

---------------------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 427

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 3

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.21-22