TCCSĐT - Ngày 04-8-2015 đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong quá trình hợp tác, phát triển kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) khi hai bên đã đạt được sự thống nhất về nguyên tắc đối với Hiệp định Thương mại tự do sau hơn hai năm đàm phán tích cực.

Tại cuộc họp báo chiều cùng ngày công bố kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, theo EVFTA, bên cạnh việc xóa bỏ thuế quan, Việt Nam sẽ gỡ bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu. Hiệp định này cũng tạo ra cơ hội tiếp cận thị trường mới trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư. Việt Nam đã đồng ý với việc tự do hóa thương mại trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, viễn thông, giao thông, bưu chính và chuyển phát nhanh. Trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho EU, như thông qua việc dỡ bỏ hoặc hạ bớt những hạn chế trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thực phẩm hoặc đồ uống, cũng như các lĩnh vực phi thực phẩm.

Trong lĩnh vực mua sắm chính phủ, Việt Nam và EU đã thỏa thuận về nguyên tắc phù hợp hoàn toàn với Các quy định thỏa thuận mua sắm chính phủ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đạt được mức độ minh bạch có thể so sánh với các hiệp định thương mại tự do khác của EU với các nước phát triển và đang phát triển tiên tiến hơn.

Hiệp định này cũng sẽ tăng cường việc bảo vệ những Chỉ dẫn địa lý (GIS) đại diện cho những nông sản hàng đầu EU, như champage, pho mát Parmigiano Reggiano, rượu Rioja, pho mát Roquefort à Scotch Whisky. Những chỉ dẫn của Việt Nam cũng sẽ được công nhận tương tự tại EU, tạo ra một khuôn khổ đầy đủ để thúc đẩy hơn nữa việc nhập khẩu những sản phẩm chất lượng, như trà Mộc Châu hay cà-phê Buôn Ma Thuột.

Hiệp định EVFTA bao gồm một chương trình toàn diện về thương mại và phát triển bền vững, bao trùm các vấn đề lao động và môi trường có liên quan trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU. Những cam kết đối với những tiêu chuẩn lao động cốt lõi và những công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) bảo đảm cả hai bên tôn trọng những quyền cơ bản của người lao động.

Ngoài ra, chương trình này cũng bao gồm những cam kết hỗ trợ việc bảo tồn và quản lý bền vững những tài nguyên thiên nhiên (bao gồm động vật hoang dã, rừng và thủy - hải sản). Những lĩnh vực như trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và những cơ chế thương mại có đạo đức và công bằng cũng được đặc biệt chú trọng trong chương trình này.

EVFTA sẽ thiết lập những cấu trúc chuyên biệt để bảo đảm việc thực hiện đầy đủ chương trình này, bao gồm cả những cơ chế bảo đảm sự tham gia của các thành phẩn kinh tế, xã hội và môi trường ở cả Việt Nam và EU.

Hiệp định cũng sẽ bao gồm một mối liên kết có ràng buộc về mặt pháp lý với Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) trong đó chi phối mối quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và EU, qua đó bảo đảm rằng nhân quyền, dân chủ và pháp quyền là những thành phần chủ chốt trong mối quan hệ thương mại song phương giữa hai bên.

Hiệp định bao gồm một chương trình riêng về hợp tác trong việc thực hiện Hiệp định và hỗ trợ Việt Nam đạt được đầy đủ quyền lợi của Hiệp định. Thúc đẩy phát triển bền vững là một mục tiêu chủ chốt trong sự hợp tác đó. Các lĩnh vực đặc biệt quan trọng bao gồm các vấn đề về môi trường và lao động, hài hòa hóa thương mại và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Trong cuộc điện đàm vào sáng nay với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Cao ủy Thương mại của EU Cecilia Malmstrom khẳng định Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển và một khi hiệp định EVFTA đi vào thực thi, nó sẽ mang lại những cơ hội mới, quan trọng cho doanh nghiệp của cả hai phía thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ. Về phía EU, hiện có khoảng 31 triệu việc làm ở châu Âu phụ thuộc vào việc xuất khẩu, do đó việc có được sự tiếp cận thuận lợi hơn với một thị trường mới nổi và phát triển nhanh như Việt Nam, với hơn 90 triệu người tiêu dùng, là một tin tức hết sức tốt lành.

Trên cơ sở Hiệp định EVFTA, các nhóm đàm phán sẽ tiếp tục tiến trình và giải quyết những vấn đề kỹ thuật còn lại, đồng thời hoàn thiện văn kiện Hiệp định để trình lên Hội đồng và Nghị viện châu Âu./.