Những tấm gương thương binh “Tàn nhưng không phế”

NĐ tổng hợp (Nguồn: TTXVN)
16:33, ngày 19-07-2015
TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27-7, trân trọng giới thiệu những tấm gương thương binh, cựu chiến binh khi trở về với cuộc sống đời thường lại tiếp tục viết lên những "khúc quân hành' trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, thực hiện theo lời dạy của Bác, thương bình “Tàn nhưng không phế”.

"Khúc quân hành" trên mặt trận mới

Đó là câu chuyện của cựu chiến binh Trần Mạnh Thắng, thôn An Ninh, xã Vinh Quang huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Từ đôi bàn tay trắng, với những nỗ lực không ngừng, ông đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Năm 1983, chàng thanh niên 20 tuổi tên Thắng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ, bảo vệ biên giới phía Bắc. Đến năm 1985, ông xuất ngũ trở về quê hương mang theo những vết thương chiến tranh. Người thương binh hạng 4/4 bắt đầu con đường xóa đói giảm nghèo với đôi bàn tay trắng.

Nhìn vào trang trại rộng 7,5 ha với mô hình kinh tế tổng hợp, không ai nghĩ rằng, cách đây hơn 10 năm vùng đất này rậm rạp, hoang vu đến nỗi người lạc quan nhất cũng khó có thể tin vào ngày khởi sắc. Nhưng với quyết tâm dám nghĩ, dám làm, ông Thắng đã biến nó thành mô hình kinh tế hiệu quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Thắng tâm sự, không có đồng vốn dắt lưng, nhưng muốn thoát khỏi đói nghèo thì phải có đất, nên ông cùng gia đình vay mượn mua được hơn 7ha đất đồi. Có đất rồi cả gia đình ông lao vào cải tạo, ban đầu ông cũng chỉ trồng lúa, ngô trên đất ruộng và quanh nhà, cải tạo vườn tạp và mở thêm diện tích đất đồi để trồng mía, cây sả theo thời vụ. Sau đó, ông sắm phương tiện, mua máy về ép mật, nấu dầu sả phục vụ cầu của thị trường, đồng thời đi thăm quan các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở, ông Thắng quyết định cùng gia đình đầu tư mua các giống chè chất lượng cao, trồng với diện tích hơn 3 ha, chăm bón theo đúng hướng dẫn kỹ thuật. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài" ông kết hợp trồng thêm lúa, ngô để đảm bảo lương thực, có nguồn thức ăn phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, ông còn đào ao thả cá, mở rộng diện tích đất xung quanh nhà trồng thêm mía, chăn nuôi lợn, gà. Trang trại của ông được xây dựng một cách khoa học đã mang lại hiệu quả kinh tế. Sáu năm nay, đồi chè hơn 3 ha của ông mỗi năm cho hơn 2 tấn chè thành phẩm, trừ chi phí thu lãi trên 100 triệu đồng. Còn với hơn 1,5 ha mía và ao cá rộng 5.000m2 mỗi năm gia đình ông Thắng thu nhập thêm 200 triệu đồng.

Với bản tính cần cù, sáng tạo, ông Thắng cùng đồng đội tiếp tục đầu tư trồng trên 1.000 gốc chanh hồng đào, đây là loại cây mới trên địa bàn. Sau 17 tháng trồng, hiện nay cây chanh của ông đã cho những quả đầu tiên. Theo kế hoạch, sau 2 năm nữa, đây sẽ là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của gia đình. Ông cũng đang có dự định đầu tư công nghệ, ướp hoặc sấy khô để cung cấp cho thị trường sản xuất bánh kẹo trong nước.

Không dừng lại ở đó, khi có chút vốn liếng trong tay, ông Thắng lại tiếp tục lặn lội tìm đất mở trang trại thứ hai tại thôn Ngoan A, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa). Người dân nơi đây không khỏi băn khoăn bởi đây là vùng đất sỏi đá, không trồng nổi cây gì. Thung lũng rộng 13ha heo hút đến mức không có đường, không có điện và cả không sóng điện thoại. Ông bảo: “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm, ông cha ta đã dạy thế và ông không tin là mình không làm được" . Để cải tạo, thiết lập một trang trại rộng 13ha không phải đơn giản. Đầu tiên, ông chủ động thuê máy móc san ủi làm đường giao thông vào đến tận nơi. Có nguồn nước phong phú ông thuê người đắp đập rồi kéo điện về tận trang trại. Chỉ sau một năm 13 ha đất hoang đã được ông đưa vào một trang trại quy củ, khoa học. Nguồn nước được tận dụng để nuôi 1 ha cá vừa phục vụ tưới tiêu, hơn 3.000 gốc chuối vừa cho quả vừa là nguồn thức ăn cho cá mà không đòi hỏi phải nhiều công chăm sóc... Hiện ông đang cùng đồng đội chuẩn bị đầu tư mở rộng trang trại thêm 10ha.

Năm 2014, trung bình hai trang trại ông Thắng thu 3 tấn chè khô; 40 tấn chuối, 4 tấn cá, 50 tấn ngô với tổng thu nhập gần 900 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được khoảng 500 triệu. Đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, những lúc cao điểm trang trại của ông tạo việc làm cho khoảng 20 lao động. Năm 2015, hai trang trại của ông sẽ thu 2 tấn chanh hồng đào, 150 tấn chuối và 3 tấn chè thành phẩm... ước tính thu về hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận thu được khoảng 800 triệu đồng.

Với những nỗ lực không mệt mỏi cựu chiến binh Trần Mạnh Thắng đã được tặng nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, của Hội. Đặc biệt vừa qua, ông vinh dự là một trong hai đại biểu tiêu biểu của Tuyên Quang tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2014, nhận Bằng khen của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trao tặng người có công tiêu biểu khắc phục khó khăn vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất năm 2014. Trang trại của ông đang trở thành điểm đến thăm quan học tập của nhiều tổ chức, cá nhân.

Người thương binh vượt khó làm giàu

40 năm sau ngày giải phóng, người thương binh hạng 4/4 Huỳnh Thân (sinh năm 1955), thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi vinh dự được Thủ tướng tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác góp phần và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là phần thưởng cao quý, xứng đáng với những nỗ lực vượt khó vươn lên trong thời gian dài của người thương binh - nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có hoàn cảnh khó khăn.

Từ nhỏ, Huỳnh Thân sớm mồ côi cha mẹ, phải chăm lo cho các em mình. Năm 16 tuổi, ông tham gia vào đội thiếu niên tiền phong của xã Hành Tín Đông. Năm 1971, tham gia cách mạng hoạt động bí mật ở đội công tác thị trấn chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành… Đến năm 1977, ông Thân công tác tại tỉnh đội Quảng Ngãi. Năm 1978 đi chiến trường Campuchia, đơn vị 5503 thuộc tỉnh đội Nghĩa Bình. Tháng 9-1979, phục viên công tác tại địa phương với thương tật 28%.

Những ngày sau giải phóng, gia đình thương binh Huỳnh Thân rất khốn khó. Nhiều đêm nằm trằn trọc, ông nghĩ phải bám đất mẹ mà sống, bám rừng trồng chuối, mía, mì… mà gây cơ nghiệp.

Năm 1998, sau chuyến đi tham quan nông trường Ba Tơ về, thương binh Thân nảy ra ý định táo bạo là chuyển đổi cây trồng ngắn hạn sang trồng cây keo lai và bắt đầu ươm giống triển khai trên diện tích 10ha từ nguồn vốn 3 triệu đồng ít ỏi vay từ Hội nông dân xã. Chỉ sau 6 năm ngắn ngủi ông thu hoạch lứa đầu được 150 triệu đồng và tiếp tục mở rộng diện tích trong các năm kế tiếp khi nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây trồng này. Đến năm 2010, tổng thu nhập từ sơn trang của thương binh Huỳnh Thân lên tới gần 400 triệu đồng, gia đình ông đã có của ăn của để, mạnh dạn đầu tư một số mô hình khác như nuôi nhím, heo rừng, nuôi trút, bồ câu, gà ta… trên 100ha đất rừng khai phá.

“Vất vả lắm! Cho đến bây giờ khi nhìn vào cơ ngơi mình chịu khó gây dựng mà chưa dám tin”- ông Thân xúc động nói. Trang trại người thương binh này hiện có 120 con heo rừng lớn nhỏ, 10 con nhím giống, 50 con trút, 50 con chim bồ câu Pháp… giải quyết công ăn việc làm cho hơn 20 lao động địa phương. Ông Thân cho biết: “Nhờ sự quan tâm của chính quyền cộng với sự tìm tòi, tự học hỏi kinh nghiệm từ các hộ đi trước, rồi tích lũy kiến thức từ các lớp tập huấn huyện mở nên tôi mới đủ tự tin khẳng định chính mình trên các lĩnh vực mới mẻ. Chỉ có dám nghĩ dám làm thì mới thành công được”. Bây giờ, trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông Thân thu về 450 triệu đồng mỗi năm, số tiền không hề nhỏ đối với người thương binh hạng 4/4.

Ông Thân cũng luôn đi đầu trong công tác từ thiện xã hội. Không chỉ biết làm giàu cho mình, ông còn hỗ trợ tiền, cây, con giống cho 6 hộ đồng bào Hrê trong thôn, giúp họ vượt khó vươn lên, xóa nghèo chính đáng. Ngoài ra, người cựu chiến binh, thương binh này còn đóng góp tích cực vào quỹ phúc lợi địa phương, huy động ngày công để làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi, xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội, điện thắp sáng đường quê… Ông Thân được tin tưởng bầu làm chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh thôn Khánh Giang.

Với những nỗ lực vượt khó vươn lên, ông Thân vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 và được Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen Người có công tiêu biểu khắc phục khó khăn vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động năm 2014.

Cựu chiến binh đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình

Vươn lên từ hai bàn tay trắng, người cựu chiến binh Trần Đăng Truyền (76 tuổi), xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vượt qua những khó khăn, thất bại bằng nghị lực và sự cần mẫn không ngừng, ông đã xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tổng hợp làm giàu cho gia đình cũng như góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương ngày càng đi lên…

Sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em, vào tháng 01-1965 ông tham gia dân quân thuộc cơ quan thủy lợi Quảng Trị để bảo vệ đập La Ngà, huyện Vĩnh Linh. Từ tháng 10-1968-10-1971 ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong của Đoàn thanh niên huyện Vĩnh Linh tham gia chiến đấu và sửa chữa đập, dẫn nước về cho nhân dân sản xuất. Sau giải phóng, ông về công tác tại trạm quản lý thủy nông Bến Hải nay là Công ty Thủy lợi Vĩnh Linh. Năm 1989 ông nghỉ hưu, lúc ấy hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn vất vả khi 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, kinh tế thiếu thốn đủ bề. Với mong muốn thoát nghèo từ trên mảnh đất quê hương, năm 2002 ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp cá, lúa, lò ấp trứng, nuôi lợn.

Kể lại cuộc đời gây dựng sự nghiệp của mình, ông nhớ lại cái thời bị cho là “điên” khi đứng ra đấu thầu 7 ha đất để khai hoang phát triển mô hình vườn-ao-chuồng. Đến nay, nhìn trang trại xanh mướt một màu, ao cá trải rộng của ông Truyền ít ai biết xưa kia vùng đất này từng bị bỏ hoang chỉ có cỏ dại mọc cao quá đầu và hố bom chi chít. Không ngại khó khăn, với quan niệm “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, đều đặn mỗi ngày từ sáng sớm đến tối khuya ông đều có mặt trên đồng ruộng để đắp bờ, lấy nước, phát cỏ dại, làm đất…

Trải qua quá trình lao động không ngừng nghỉ hiện nay ông Truyền đã có một trang trại 7 héc-ta rộng lớn, bề thế với 3 héc-ta lúa kết hợp cá mỗi năm mang lại trên 18 tấn lúa và 35 triệu đồng tiền cá thịt; mỗi năm cung cấp thị trường trên 3 vạn con cá giống; ngoài ra ông còn gây dựng đàn gà thả vườn với trên 300 con; 40 con lợn thịt, đàn vịt thịt với trên 1.500 con… Bên cạnh đó, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp ông bỏ tiền đầu tư máy gặt lúa, 2 ô tô chở hàng, máy bơm nước, máy tuốt lúa... Hàng năm trừ chi phí mô hình kinh tế của ông mang lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng, góp phần tạo công ăn việc làm cho con cháu cũng như thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Chưa dừng lại ở đây, ông Truyền cho biết, thời gian tới ông sẽ hướng dẫn hỗ trợ con cháu tiếp tục mở rộng đầu tư nuôi trồng một số loại cây con mới cũng như tiếp tục đầu tư mua sắm thêm máy móc phục vụ nông nghiệp…./.