Củng cố tin cậy, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam-Trung Quốc
Kết thúc chuyến thăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đã trả lời phỏng vấn báo chí đi theo đoàn về kết quả, ý nghĩa chuyến thăm, nội dung như sau:
- Xin đồng chí cho biết ý nghĩa, mục đích của chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Đồng chí Hoàng Bình Quân: Chuyến thăm lần này có bối cảnh quan trọng là năm nay, hai nước Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là cuộc gặp gỡ cấp cao nhất đầu tiên giữa hai Đảng, hai nước kể từ khi Trung Quốc có Ban lãnh đạo mới sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, do đó có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng đối với quan hệ Việt-Trung trong thời kỳ mới.
Đây là dịp rất có ý nghĩa để hai Đảng, hai nước cùng nhau đánh giá, khẳng định quan hệ 65 năm qua và hoạch định phương hướng phát triển quan hệ trong thời gian tới. Mục đích bao trùm của chuyến thăm là tiếp tục củng cố, tăng cường tin cậy, duy trì cục diện hòa bình, hữu nghị, ổn định, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên các lĩnh vực, tạo đà phát triển lành mạnh cho quan hệ Việt-Trung, đồng thời tạo thuận lợi cho việc tiếp tục giải quyết những tồn tại, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình cho phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trung Quốc là nước láng giềng, có truyền thống quan hệ hữu nghị lâu đời với Việt Nam và là nước có đường lối phát triển gần gũi với Việt Nam. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc là nhằm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, coi trọng quan hệ với láng giềng, nước lớn, bạn bè truyền thống của Việt Nam.
Quan hệ hai Đảng, hai nước 65 năm qua tuy có những lúc khó khăn nhưng phát triển tích cực là dòng chủ lưu. Kể từ khi bình thường hóa, quan hệ hai Đảng, hai nước đã phát triển mạnh mẽ. Hai bên đã giải quyết xong hai công việc rất lớn trong quan hệ là phân định biên giới trên bộ và trong Vịnh Bắc Bộ.
Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn nhất của Việt Nam; quan hệ hai nước đã nâng lên thành Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, quan hệ hai nước gần đây bị ảnh hưởng do tình hình căng thẳng ở Biển Đông, tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của nhân dân ta và các hoạt động hợp tác giữa hai bên.
Trọng tâm chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư là để trao đổi chân thành, thẳng thắn với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc về các biện pháp nhằm khôi phục đầy đủ và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực, củng cố tin cậy, tăng cường hữu nghị, trao đổi các biện pháp nhằm kiểm soát tốt tình hình, duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, vì lợi ích của nhân dân hai nước, khu vực và thế giới.
- Xin đồng chí cho biết một số kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm?
Đồng chí Hoàng Bình Quân: Với sự đón tiếp rất trọng thị, với chương trình làm việc rất phong phú, không khí hữu nghị, trao đổi thẳng thắn, thực chất, hiệu quả, chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, đạt những kết quả rất quan trọng.
Hai bên đã nhất trí ra Thông cáo chung 9 điểm thể hiện các nhận thức chung quan trọng về truyền thống quan hệ 65 năm qua, về quan hệ Việt-Trung, về việc tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác đầy đủ, thiết thực, duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đưa quan hệ song phương phát triển lành mạnh, bền vững.
Trên cơ sở đó, hai bên đã đề ra các phương hướng, biện pháp lớn, thiết thực, tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, cụ thể ở mấy điểm chính sau:
Trước hết, hai bên đã thống nhất khôi phục đầy đủ và đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực giữa hai nước trong thời gian tới, trong đó có việc nỗ lực thực hiện tốt "Quy hoạch phát triển 5 năm Hợp tác Kinh tế-Thương mại Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn 2012-2016," Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm và các thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại đã ký kết; thúc đẩy thương mại song phương tăng trưởng ổn định, cân bằng, bền vững; phía Trung Quốc đồng ý khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng có sức cạnh tranh của Việt Nam; ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư và sẵn sàng tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam đến Trung Quốc khai thác mở rộng thị trường.
Hai bên nhất trí tăng cường thương mại biên giới; thúc đẩy xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới, các dự án kết nối cơ sở hạ tầng; thúc đẩy hợp tác trong các ngành nghề nông nghiệp, chế tạo, dịch vụ và các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, kiểm nghiệm, kiểm dịch...
Phía Trung Quốc đồng ý dỡ bỏ cảnh báo về du lịch đến Việt Nam. Hai bên đã chính thức tuyên bố thành lập các nhóm công tác về tiền tệ và về cơ sở hạ tầng; ký kết 7 văn kiện hợp tác giữa hai nước trên một số lĩnh vực.
Thứ hai là hai bên đã nhất trí về các biện pháp nhằm củng cố tin cậy, tăng cường hữu nghị, duy trì ổn định và đà phát triển lành mạnh của quan hệ Việt-Trung với việc tăng cường trao đổi cấp cao, theo đó Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận lời sớm thăm Việt Nam. Tăng cường các cơ chế trao đổi, hợp tác giữa hai Đảng, hai nước.
Hai bên đã ký Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng, nhất trí mở rộng hợp tác hữu nghị giữa Quốc hội, đoàn thể của hai nước. Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu giữa các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ và giữa các địa phương hai nước.
Thứ ba là hai bên đã trao đổi ý kiến cởi mở, thẳng thắn về tình hình và những tồn tại của vấn đề trên biển, nhấn mạnh tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc"; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt-Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển.
Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC) và sớm đạt được "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Hai bên cũng đã nhất trí thúc đẩy hoạt động của Nhóm bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, sớm khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ trong năm nay.
Trong tất cả các cuộc hội đàm, hội kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo thực hiện, bằng các hành động cụ thể, thiết thực, nhất quán, các thỏa thuận trên phương châm "nói đi đôi với làm."
- Xin đồng chí cho biết những dấu ấn nổi bật trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Đồng chí Hoàng Bình Quân: Có thể nói đây là chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư có nhiều dấu ấn rất nổi bật. Trước hết, Trung Quốc coi trọng cao độ chuyến thăm, đón rất trọng thị, dành cho Tổng Bí thư và Đoàn những nghi thức lễ tân đặc biệt, như cử cấp Phó Thủ tướng đón, tháp tùng, tiễn Đoàn tại sân bay; tổ chức lễ đón ngoài trời với 21 phát đại bác chào mừng, bố trí đoàn môtô hộ tống rất long trọng; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Trung Quốc tổ chức hai buổi chiêu đãi trọng thể Tổng Bí thư và Đoàn...
Thứ hai, các cuộc hội đàm, hội kiến, trao đổi, tiếp xúc diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, cởi mở. Hai bên trao đổi thẳng thắn, nội dung rất thực chất, đạt được những nhận thức chung và các biện pháp quan hệ rất quan trọng.
Thứ ba, chuyến thăm trong năm kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Tổng Bí thư đã có các cuộc gặp gỡ rất có ý nghĩa, như nói chuyện thân tình và cảm động với các nhân sỹ, các cựu chiến binh và thân nhân những người Trung Quốc có công với Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến; gặp gỡ và phát biểu sâu sắc, tình cảm với đại biểu thanh niên hai nước; xuống nông thôn, trò chuyện thân tình với người dân Trung Quốc.
Những hoạt động đó để lại ấn tượng hết sức tốt đẹp đối với lãnh đạo và người dân Trung Quốc, được dư luận nhân dân trong và ngoài nước đánh giá cao.
- Thưa đồng chí Trưởng ban, với kết quả và những dấu ấn tốt đẹp của chuyến thăm, đồng chí có thể chia sẻ một vài suy nghĩ về triển vọng quan hệ hai nước sau chuyến đi rất quan trọng của Tổng Bí thư?
Đồng chí Hoàng Bình Quân: Với chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ hai Đảng, hai nước đã có bước tiến mới với những nhận thức chung quan trọng và những biện pháp quan hệ rất thiết thực. Vì vậy, tôi cho rằng hai bên sẽ khôi phục đầy đủ và đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để củng cố, tăng cường lòng tin, tăng cường tình hữu nghị.
Vấn đề trên biển là nan giải nhất hiện nay trong quan hệ giữa hai nước. Với chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên tiếp tục có những nhận thức chung quan trọng làm cơ sở cho việc gìn giữ hòa bình, ổn định trên biển.
Vấn đề quan trọng là "nói đi đôi với làm," phải biến những nhận thức chung, quyết tâm chính trị thành những việc làm thiết thực ở các cấp, các ngành; phải kiểm soát tốt tình hình, phải thực sự hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, đặt vào hoàn cảnh của nhau, chia sẻ lợi ích chính đáng của nhau để xử lý thỏa đáng những vấn đề phát sinh và tìm những giải pháp hữu hiệu, giải quyết có tình, có lý vấn đề trên biển. Tôi hy vọng sau đây, vấn đề trên biển có chuyển biến tích cực.
Tôi hy vọng với thành quả quan hệ 65 năm qua, với những nhận thức chung quan trọng và những định hướng, biện pháp thiết thực, quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định, tích cực, thực sự là nhân tố quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của mỗi nước./.
Quyết liệt để hoàn thành cổ phần hóa 289 doanh nghiệp theo đúng kế hoạch  (11/04/2015)
Quyết liệt để hoàn thành cổ phần hóa 289 doanh nghiệp theo đúng kế hoạch  (11/04/2015)
Khai mạc Hội báo Xuân Việt Nam trên nước bạn Lào  (11/04/2015)
Việt Nam mong sớm đạt Thỏa thuận toàn diện về hạt nhân Iran  (11/04/2015)
Tổng Bí thư gửi điện cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc  (10/04/2015)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên