Mường La là một huyện miền núi của tỉnh Sơn La, có địa hình phức tạp, núi cao, vực sâu, có nhiều sông suối, thung khe, do vậy đã tạo nên nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau. Công trình thủy điện Sơn La (2.400Mw) lớn nhất khu vực Đông - Nam Á đang được xây dựng tại địa bàn huyện. Phát huy truyền thống đoàn kết, kế thừa thành tựu và kinh nghiệm của 22 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động sáng tạo vượt qua khó khăn và thách thức, huyện Mường La phấn đấu trở thành một huyện phát triển khá của tỉnh vào năm 2010.

1 - Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Mường La

Mường La là một huyện có điểm xuất phát thấp về kinh tế, kết cấu hạ tầng thấp kém, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, văn hóa xã hội còn nhiều hạn chế, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao còn nhiều khó khăn. Tình hình di dân tự do, tái trồng cây thuốc phiện, truyền đạo trái pháp luật và một số tệ nạn khác còn diễn biến phức tạp. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác di dân tái định cư thủy điện Sơn La là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn đối với huyện.

Mấy năm qua, sản xuất nông nghiệp ở Mường La tiếp tục phát triển mạnh, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa ngày càng rõ nét. Việc thâm canh tăng vụ, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ gắn với chính sách đầu tư khuyến nông, khuyến lâm cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được coi trọng. Nhiều dự án mới như phát triển măng tre Đài Loan, sản xuất khoai tây giống, sản xuất rau sạch an toàn, xây dựng và cải tạo vườn cây ăn quả, xây dựng các mô hình thâm canh cây trồng được triển khai có hiệu quả. Nếu như năm 2005 diện tích gieo trồng cây hằng năm của huyện là 16.835 ha, tăng 22,67%, cây lương thực có hạt 8.525 ha, tăng 19,37% so với năm 2000, lúa mùa và lúa chiêm xuân tăng 136 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt 30.403 tấn/năm bằng 95% so với mục tiêu đề ra, trong đó ngô hàng hóa trên 10.000 tấn, thì đến năm 2006 cũng hai chỉ tiêu trên đạt 8.596 ha và 30.400 tấn; năm 2007 đạt 14.200 ha và 37.000 tấn...
 
Chương trình cây ăn quả ở huyện Mường La được chú trọng đẩy mạnh: Năm 2005, tổng diện tích cây ăn quả có 2.756 ha, tăng 9% so với năm 2000, sản lượng 5.670 tấn; trong đó có 53 ha cây Sơn Tra làm nguyên liệu cho chế biến rượu vang, đến năm 2006 hai chỉ tiêu trên của huyện đạt 3.100 ha và 5.967 tấn; năm 2007 đạt 3.540 ha và 6.420 tấn. Chương trình phát triển rau, trồng hoa của huyện đạt kết quả tốt, năm 2005 có diện tích gieo trồng 320 ha, sản lượng đạt 4.800 tấn, đến năm 2007 đạt 330 ha, sản lượng đạt 5.200 tấn. Mấy năm qua, kinh tế hộ và kinh tế trang trại phát triển nhanh trên địa bàn, đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa.

Tập đoàn Cao su Việt Nam áp dụng góp vốn giá trị bằng quyền sử dụng đất, nhận lao động lần đầu tiên áp dụng

Nét mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Mường La mà ít nơi có được là: Tập đoàn Cao su Việt Nam áp dụng chính sách góp vốn giá trị bằng quyền sử dụng đất, nhận lao động từ hộ nông dân góp đất chuyển sang công nhân trồng cao su (có đào tạo), lần đầu tiên được áp dụng tại xã ít Ong. Đội cao su ít Ong có 210 công nhân, đã trồng cao su trên đất Bản Tìn và Nà Trang là 70 ha năm 2007; hiện có 180 hộ góp vốn cổ phần đất, mỗi ha đất bằng 10 triệu đồng (nếu đất cây ăn quả được bù thêm 5 triệu đồng, cây hằng năm là 3 triệu đồng, cây tái sinh là 2 triệu đồng). Dự kiến sau 6 năm cây cao su mới có sản phẩm, dự toán sau 5 năm sẽ hòa vốn. Mỗi gia đình góp vốn đất vào công ty được ít nhất 1 lao động làm công nhân cao su, có hộ góp nhiều đất được nhận từ 2 đến 3 lao động; mỗi lao động được nhận 1,3 triệu - 1,8 triệu đồng/tháng.
 
Đây là quá trình chuyển một bộ phận lao động sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp trên địa bàn nông thôn đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, đây cũng là bước đột phá của mối liên kết bốn nhà: nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà băng (ngân hàng) để thúc đẩy sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Mối liên kết này sẽ bền chặt, vì mục tiêu và lợi ích kinh tế. Người nông dân là cổ đông góp vốn bằng đất và được chia lãi theo cổ phần. Họ vừa là người làm công ăn lương, vừa là đồng chủ sở hữu vốn và tài sản, cũng như phân phối lợi nhuận của công ty. Xét cho cùng chỉ có lợi ích kinh tế là gắn hộ nông dân với công ty lâu dài và bền vững.

2 - Bài học di dân định cư đến quê hương mới

Thực hiện chủ trương di chuyển dân đến nơi ở mới theo quyết định số 92, ngày 15-1-2004, của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 27, ngày 17-9-2004, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đầu tư xây dựng thủy điện Sơn La và công tác tái định cư thủy điện Sơn La, huyện Mường La đã triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015 gắn với di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La và thủy điện Nậm Chiến. Nội dung quy hoạch thể hiện: quy hoạch thị trấn Mường La, chuỗi đô thị Nà Pát - Mường Chùm - Nà Co, quy hoạch bổ sung thị trấn Mường Bú, điều tra khảo sát lập 24 điểm chuẩn bị tái định canh, định cư dự án thủy điện Sơn La và thủy điện Nậm Chiến trên địa bàn các xã Nậm Dôn 9 điểm, Mường Bú 4 điểm, Mường Chùm 4 điểm, Ngọc Chiến 7 điểm; xây dựng dự án quy hoạch vành đai thực phẩm ở các xã Nậm Păm, Mường Chùm, Mường Bú, Ngọc Chiến...

Sự kết hợp phương thức “Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ và cộng đồng giúp đỡ” đã được cấp ủy, chính quyền của địa phương thực hiện khá tốt. Ở Nà Nhụng, Mường Chùm có 63 hộ dân chuyển đến được nhân dân địa phương nhượng lại đất nông nghiệp, đến giúp dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống sinh hoạt. Việc điều lao động giúp bà con đến định cư được chính quyền cơ sở tính toán số lượng lao động cho từng ngày cụ thể, kịp thời. Mỗi công lao động mà hộ dân địa phương làm được tính vào lao động công ích (8.000 đồng/ngày). Do khâu chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng chu đáo như: nước sản xuất, điện, trạm y tế, trường học, đường giao thông, sóng phát thanh và truyền hình... đã làm các hộ mới định cư hài lòng, phấn khởi. Đáng chú ý là không có sự phân biệt giữa người dân địa phương với người dân mới đến định cư; công tác an ninh được bảo vệ tốt. Với tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng dân cư là nét đẹp trong bà con các dân tộc nói chung và bà con dân tộc Thái đen nói riêng. Do cùng một phong tục tập quán nên các hộ mới đến đã nhanh chóng hòa nhập cùng nhân dân địa phương.

Xã Mường Chùm hiện nay không còn hộ đói, lại vừa mới có đường nhựa chạy qua, nên lưu thông hàng hóa giữa các vùng trở nên thuận lợi. Đường nhựa từ thị trấn Mường La đi Mai Sơn hiện đang là tuyến vận chuyển vật liệu, máy móc thiết bị cho công trình thủy điện Sơn La, sẽ là điều kiện tốt để Mường Chùm phát triển kinh tế hàng hóa. Thực tế cho thấy, giao thông phát triển là tiền đề cho sản xuất hàng hóa phát triển. Nhìn những nương ngô xanh ngút ngàn ven đường quốc lộ, đường liên huyện, liên thôn bản, những đàn trâu, đàn bò béo, chúng tôi cảm phục bà con Mường Chùm đã hai sương một nắng làm nên những vụ lúa, vụ ngô bội thu, đưa vùng quê nghèo thành miền quê trù phú...

3 - Mường La trong tương lai

Mường La trong thời gian tới, Công trình thủy điện Sơn La hoàn thành sẽ là nơi cung cấp điện lên lưới quốc gia đến mọi miền của Tổ quốc. Nơi đây, sẽ hình thành khu du lịch hồ thủy điện Sơn La, điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Khách đến đây sẽ tận mắt nhìn thấy núi non của miền Tây Bắc hùng vĩ, công trình thủy điện bề thế, thấy hồ thủy điện Sơn La mặt nước trải rộng “sơn thủy hữu tình”, thưởng thức các món ẩm thực của các dân tộc, các đặc sản của núi rừng, mua các sản phẩm mây tre đan, dệt thổ cẩm, nghe các làn điệu dân ca của các dân tộc Thái, Mường, H’Mông, Dao, Khơ Mú...

Dọc sông Đà và vùng phụ cận gồm các xã Chiềng Hoa, Chiềng San, Nậm Păm, ít Ong, Pi Tong, Mường Bú, Mường Chùm, Tạ Bú, Chiêng Lao sẽ đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích lúa nước nhờ các công trình thủy lợi để bảo đảm an ninh lương thực và chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa như sản xuất rau, hoa cao cấp. Hình thành tua du lịch: thị xã Sơn La - thị trấn Mường La - Ngọc Chiến, có các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các điểm làng nghề như dệt thổ cẩm, mây tre đan... đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách vui chơi, thư dãn, giải trí... ngồi cáp treo ngắm cảnh, leo núi.

Các xã vùng cao như Ngọc Chiến, Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Muôn, Nậm Dôn, Hua Trai cần tập trung chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò, dê... theo hướng hàng hóa, phát triển cây Sơn Tra, cây dược liệu, các loại hoa, quả. Thực tế cho thấy, cây rau bắp cải, đậu cô-ve, bí ngồi, dưa chuột, cà chua ngoại có chất lượng cao trồng ở xã vùng cao như Ngọc Chiến có hiệu quả; hoa ni, hoa tuy-líp cũng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng. Mô hình hoa, rau quả sạch cao cấp với diện tích 15 ha trồng thử nghiệm cho hiệu quả tốt (cà chua 150 tấn/ha, dưa chuột 200 tấn/ha, bí ngồi mỗi cây có từ 10 đến 12 quả, trọng lượng 200 gam - 300 gam/quả, bán 9.000 đồng/kg). Nên tìm cách nhân mô hình này ra diện rộng ở nhiều xã vùng cao, có khí hậu thích hợp. Ngoài ra, nơi đây còn phát triển các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, xây dựng khu kinh tế du lịch Ngọc Chiến.

Ở Nà Nhụng có 63 hộ di dân tái định cư thủy điện Sơn La được nhândân địa phương nhượng lại đất, đến giúp dựng lại nhà cửa, lo ổn định đời sống sản xuất.

Ở khu vực thị trấn, công trình thủy điện và khu tập trung dân cư cần đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ như: nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái. Tạo mọi điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất chế biến nông, lâm sản sau thu hoạch, sửa chữa cơ khí, điện tử, kinh doanh vận tải, các loại dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng chuỗi đô thị Nà Pát - Mường Chùm - Nà Co, thị trấn Mường La, thị trấn Mường Bú, các thị tứ và đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ trên địa bàn, tạo việc làm cho người lao động.
 
Phát triển khu công nghiệp Mường Bú, Mường Chùm gắn với tam giác kinh tế thành phố Sơn La- thị xã Mai Sơn - thị xã Mường La trong tương lai. Một địa danh Mường La sẽ hoành tráng và tươi đẹp, nơi đón du khách thập phương đến thăm quan, du lịch, nghỉ dưỡng, sẽ không còn cảnh cứ trời mưa là giao thông ách tắc, thiếu cầu lớn qua sông suối, lũ quét, lở núi đe dọa làm nhiều cán bộ, công nhân ngại đến công tác tại Mường La. Bài hát về “Mường La quê em” sẽ còn bay cao, vang xa và đọng lại trong tâm trí của mỗi người./.