Ngày khai giảng của Trường Phổ thông cơ sở Y-can, huyện Trấn Yên, Yên Bái - Ảnh: TTXVN

Thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước về phát triển giáo dục vùng dân tộc, những năm qua, các cấp, các ngành tỉnh Yên Bái tích cực, chủ động tìm biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước.

Mở rộng mạng lưới trường, lớp

Năm học 2007 - 2008, mạng lưới trường, lớp từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp của tỉnh tiếp tục được củng cố, hoàn thiện theo yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nhu cầu học tập của nhân dân. Toàn tỉnh có 580 trường (1 trường dân lập, 8 trường tư thục, 7 trường bán công), 8.847 lớp, nhóm lớp, 210.864 các cháu mầm non, học sinh, học viên. Hệ thống giáo dục mầm non của tỉnh tiếp tục được củng cố, phát triển. Hệ thống trường mầm non công lập được duy trì và ổn định. Năm học 2007- 2008, toàn tỉnh có 7 trường tư thục, 1 trường bán công, 150 xã có trường mầm non.

Giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thời gian qua có nhiều tiến bộ đáng kể: với 8 trường phổ thông dân tộc nội trú, trong đó có 1 trường phổ thông trung học dân tộc nội trú thuộc tỉnh và 7 trường trung học cơ sở tại các huyện. Năm học 2006- 2007, khối nội trú tỉnh có 18 lớp với 492 học sinh, khối huyện có 41 lớp với 1.258 học sinh. Biên chế đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên là 261 người, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đạt chuẩn trên 98%. Trong 5 năm (2001 - 2006), số học sinh tốt nghiệp của các trường dân tộc nội trú trong tỉnh là 2.518 em, trong đó 44,7% là học sinh người H’Mông, 21% số học sinh là người Dao... Có gần 43% số học sinh sau khi tốt nghiệp trường trung học phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh đã thi đỗ và được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, số còn lại về địa phương làm việc, nhiều người đã trở thành cán bộ chủ chốt các xã, thôn, bản.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục

Quán triệt Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP, ngày 18-4-2005, của Chính phủ, Quyết định số 524/QĐ-UBND, ngày 20-4-2007, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái tích cực tuyên truyền nhằm tạo nhận thức cho nhân dân về công tác xã hội hóa giáo dục. Nhờ vậy, năm học 2007 - 2008, toàn tỉnh có 18 đơn vị trường bước đầu thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế tổ chức và tàichính.

Hiện nay, Yên Bái có 176 trường tiểu học (2.892 lớp, 63.582 học sinh); 189 trường trung học cơ sở (1.763 lớp, 55.720 học sinh); 26 trường trung học phổ thông, trong đó có 1 trường trung học phổ thông tư thục (642 lớp, 24.577 học sinh).

Đến nay, toàn tỉnh có 169 trung tâm học tập cộng đồng, huy động hơn 800.000 lượt người tham gia học tập. Ngoài ra, loại hình trường bán trú dân nuôi tiếp tục được duy trì, phát triển: 9.670 học sinh bán trú dân nuôi (trong đó 7.426 học sinh tiểu học, 2.244 học sinh trung học cơ sở), so với năm học trước tăng 4.315 học sinh. Tiếp tục thực hiện chế độ hỗ trợ học bổng cho học sinh trung học phổ thông dân tộc H’Mông ở 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Công tác giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trung tâm giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện có 4 lớp, 71 học sinh (có 51 học sinh người dân tộc), trong đó 59 học sinh trung học cơ sở, 12 học sinh học lớp 12 trung học phổ thông. Trẻ khuyết tật ở các địa phương được đi học tại các lớp mầm non, cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các cấp, các ngành chăm lo 1.067 học sinh khuyết tật, bao gồm 904 học sinh cấp tiểu học, 163 học sinh cấp trung học cơ sở.

Mạng lưới các trường chuyên nghiệp của tỉnh cơ bản đã bảo đảm cơ cấu ngành nghề, quy mô đào tạo từng bước cân đối, gắn với địa chỉ sử dụng, chú trọng đào tạo cán bộ cơ sở và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đào tạo liên kết cho các tỉnh trong khu vực một số ngành nghề như văn hóa - nghệ thuật, nông - lâm - nghiệp, ytế...

Yên Bái có 10 trung tâm giáo dục thường xuyên (1 trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh, 9 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, thị xã và thành phố). Trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh tiếp tục mở rộng liên kết đào tạo đại học không chính quy, đào tạo và bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ cho cán bộ công chức và học sinh trên địa bàn, mở 81 lớp tin học, ngoại ngữ và các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho 3.749 cán bộ, giáo viên trong tỉnh, đạt trên 100% kế hoạch. Trung tâm giáo dục thường xuyên của các huyện, thị xã, thành phố chủ yếu tập trung mở các lớp bổ túc trung học phổ thông. Đây là mô hình thực hiện mục tiêu vừa dạy văn hóa (bổ túc văn hóa), vừa dạy nghề ở 3 cấp độ: hướng nghiệp - dạy nghề ngắn hạn - liên kết đào tạo nghề dài hạn để thực hiện nhiệm vụ phân luồng sau trung học cơ sở, trung học phổ thông. Việc sắp xếp các trường chuyên nghiệp bảo đảm tính liên thông, đa cấp, đa nghề trong đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiếp tục mở rộng quy mô, tăng cường xã hội hóa, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Năm học 2008 - 2009 được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là “Năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý tài chính”. Toàn ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái quyết tâm tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với cuộc vận động “Hai không” và cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Triển khai sâu rộng, hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” với 2 mục tiêu, 5 yêu cầu và 5 nội dung theo Chỉ thị số 40/2008/CT-BGD&ĐT, ngày 22-7-2008, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quyết tâm đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, tổ chức dạy và học, đổi mới công tác thi, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học và quản lý, điều hành hệ thống giáo dục. Tỉnh huy động các nguồn lực để các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có chất lượng, hiệu quả; gắn đào tạo với nhu cầu xã hội; kiểm tra việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch được giao ở tất cả các cơ sở đào tạo.

Hai là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, nâng cao chất lượng, chăm lo tốt hơn đến đời sống vật chất và tinh thần đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Xây dựng và hoàn thiện Đề án quy hoạch đội ngũ cán bộ, giáo viên giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến 2020, bảo đảm nhu cầu phát triển giáo dục và đào tạo theo tình hình thực tế của địa phương. Nâng cao năng lực của hệ thống quản lý giáo dục, tăng cường phân cấp quản lý giáo dục và thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công tác thanh tra. Theo đó, tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý cho các cơ sở trường học.

Một trong những trọng tâm là đầu tư toàn diện một cách phù hợp và hiệu quả hơn nữa cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo nên sự thống nhất, hài hòa giữa các vùng.

Ba là, đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học đúng độ tuổi, bảo đảm kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở vững chắc; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia; triển khai thực hiện đề án xã hội hóa công tác giáo dục và đào tạo. Tiếp tục củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, mạng lưới trường, lớp học, phòng học bộ môn, nhà công vụ giáo viên, tích cực triển khai chương trình kiên cố hóa trường, lớp. Thực hiện công bằng trong giáo dục, ưu tiên phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc, vùng khó khăn, giáo dục cho người khuyết tật, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục, quản lý và sử dụng đúng và hiệu quả các nguồn kinh phí đúng Luật Ngân sách.

Bốn là, tăng cường công tác chỉ đạo, tập trung nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia theo hướng bảo đảm cơ cấu, kế hoạch như đề án đã phê duyệt; các ngành, các huyện, thị xã phối hợp với ngành giáo dục xây dựng đề án về giáo dục dân tộc, giáo dục mầm non giai đoạn 2008- 2015. Chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thị, thành phố bảo đảm biên chế, cơ cấu giáo viên, nhân viên trường học, tăng cường công tác quy hoạch, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy, chính quyền các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở trường học trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2008 - 2009; quan tâm thiết thực, cụ thể công tác quy hoạch trường lớp, bảo đảm đủ quỹ đất cho hoạt động giảng dạy và học tập theo từng loại hình trường; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Năm là, đổi mới chính sách đầu tư phát triển ngành học mầm non, mẫu giáo 5 tuổi đối với tỉnh miền núi, vùng khó khăn để bảo đảm tất cả trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo, được làm quen với tiếng Việt trước khi vào học lớp 1; xây dựng khu ký túc xá cho trường trung học phổ thông các huyện vùng cao, vùng khó khăn, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc thiểu số; tăng cường chỉ đạo, triển khai đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia và đề án kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012, bảo đảm đúng tiến độ và hiệu quả./.