Nhìn từ những con số và diễn biến chung của nền kinh tế Việt Nam năm 2014 có thể nhận thấy dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn và thách thức.

Câu hỏi đặt ra là kinh tế năm 2015 sẽ chuyển biến ra sao? Những mục tiêu đặt ra cho năm 2015 như GDP đạt 6,2%, lạm phát xoay quanh mức 5% dựa trên cơ sở nào? Chúng ta cần phải làm gì để có thể hoàn thành những chỉ tiêu đã nêu. Và bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ có triển vọng ra sao?

Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi về vấn đề này.

- Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, năm 2014, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được duy trì và củng cố, lạm phát được kiểm soát, kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Năm 2014, lần đầu tiên trong nhiều năm chúng ta hoàn thành được chỉ tiêu về kinh tế xã hội đã đặt ra, riêng chỉ tiêu về chỉ số giá tiêu dùng thì thấp hơn kế hoạch - điều này cho thấy dự báo của cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô của cả nước có bước tiến, trước đây chúng ta dự báo kinh tế một đằng nhưng thực tế tốc độ tăng trưởng lại giảm thấp hơn.

Năm 2014 có nhiều tác động từ bên ngoài như Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam, rồi diễn biến tình hình của các nước Đông Âu cũ trong đó có Ukraine cũng ảnh hưởng đến kinh tế của chúng ta. Sau các sự kiện ở Bình Dương và Hà Tĩnh, chúng ta đã có ứng xử phù hợp với tình hình, củng cố được niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.

Năm 2014, chúng ta có những đột phá so với những năm trước, đó là giải ngân đầu tư công và vốn ODA đã đạt mức khá, tăng trưởng xuất khẩu vẫn đạt được tốc độ mà nhiều nước trong khu vực đang phấn đấu. Một điểm nữa là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vấn đề an sinh xã hội của chúng ta đã được cải thiện hơn một bước so với năm 2013. Nếu so với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng hợp lý và ổn định đời sống của nhân dân thì hai chỉ tiêu đầu đã đạt được, đời sống của người dân thì còn có những nơi cần phải xem xét lại.

- Con số tăng trưởng GDP của năm 2014 cho thấy điều gì, nó có phản ánh thực chất nội tại của nền kinh tế Việt Nam không thưa ông và con số GDP này so với các nước trong khu vực được ông đánh giá thế nào?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Trước hết, phải nói rằng tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2014, nếu so về chỉ số tốc độ đơn thuần thì chúng ta ở nhóm trung bình trong ASEAN, nhưng nếu so về tốc độ tăng tuyệt đối thì chúng ta tăng chậm hơn các bạn.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế quanh ngưỡng 5,9% phải đặt vào bối cảnh có hơn 213.000 doanh nghiệp đã báo là không có doanh thu và không có hoạt động phát sinh thuế trong năm 2014, mới thấy tiềm năng để nền kinh tế phát triển với tốc độ cao hơn nữa vẫn còn, nếu chúng ta xử lý tốt việc hỗ trợ cho 213.000 doanh nghiệp đó.

- Thưa ông, hoạt động của thị trường tiền tệ và vấn đề xử lý nợ xấu luôn là mối quan tâm của dư luận xã hội. Và những vấn đề này có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của nền kinh tế. Theo đánh giá của ông, diễn biến thị trường tiền tệ năm 2014 cho thấy điều gì và việc xử lý nợ xấu có đang đi đúng hướng không?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Từ tháng 01 đến 9-2014, chúng ta đã vượt qua được khó khăn và điều hành thị trường theo như mong muốn. Đó là việc chúng ta dần loại trừ vàng và ngoại tệ như là phương tiện thanh toán mà tập trung vào đồng Việt Nam và bảo vệ được giá trị của đồng Việt Nam. Điều đáng chú ý là những tháng cuối năm, tỷ giá có biến động nhưng nhìn chung cả năm 2014, tỷ giá đã ổn định do chúng ta đã có nguồn dự trữ ngoại hối đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, lãi suất cho vay so với các nước trong khu vực còn cao và đây là nhiệm vụ mà chính sách tiền tệ cần hướng tới để điều chỉnh trong năm 2015.

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, chúng ta có thể nhìn thấy từ tháng 01 đến 8-2014, nợ xấu có xu hướng tăng cao xoay quanh mức 4 đến 4,1% nhưng trong 4 tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015 khi thực hiện các chính sách điều tiết thì chúng ta sẽ dần đưa nợ xấu về mức khoảng 3%. Hy vọng với mức cân đối của thị trường tiền tệ như vậy, chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ.

- Theo ông, mức tăng trưởng kinh tế GDP 6,2% cho năm 2015 được đưa ra dựa trên những cơ sở nào?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Thứ nhất, mức tăng trưởng GDP 6,2% và kiềm chế lạm phát xoay quanh mức 5% được đưa ra dựa trên số lượng doanh nghiệp đang gặp khó khăn và dựa trên hệ thống chính sách đã ban hành trong năm 2014 để tạo ra cú hích hỗ trợ cho 213.000 doanh nghiệp khó khăn vượt qua được thử thách này.

Thứ hai, nếu chúng ta đặt mức độ lạm phát như mức độ của các nước trong khu vực đang ổn định thì chúng ta sẽ khó trong điều hành tỷ giá, đầu tư công và khó để đưa kinh tế vượt lên. Mức GDP 6,2% còn dựa trên yếu tố là với tổng nợ công của chúng ta cuối năm 2015 đạt khoảng 64% GDP thì sẽ có một số công trình dự án đi vào hoạt động và nó sẽ tạo ra cú hích.

- Theo ông năm 2015, chúng ta có thể nhận diện ra những cơ hội, thách thức gì và cần phải làm gì để bức tranh kinh tế năm 2015 sẽ thực sự có một gam màu tươi sáng?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Để thực hiện Hiến pháp năm 2013, trong năm 2014, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một loạt các văn bản Luật liên quan đến vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xã hội như Luật đầu tư công, Luật phá sản, Luật doanh nghiệp sửa đổi... Như vậy, hệ thống pháp luật kinh tế được sửa đổi theo hướng phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, trong năm 2015, hàng loạt những hiệp định thương mại tự do sẽ được ký kết và đi vào hoạt động cũng mở ra cho chúng ta khả năng phát triển thị trường khá hơn.

Về giải pháp, ở đây đòi hỏi cả hai phía, thứ nhất là đối với Chính phủ là người điều hành trực tiếp thì phải chọn được những ngành, lĩnh vực, khâu đột phá, không thiên quá vào vai trò của một Chính phủ sản xuất mà phải thực hiện tốt vai trò Chính phủ là người điều phối, điều hành nền kinh tế, hạn chế can thiệp trực tiếp của Chính phủ phủ với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp.

Thứ hai là từ phía doanh nghiệp phải nhìn các bước đi của doanh nghiệp FDI để chúng ta chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì mới có thể tạo ra được thị trường và mới có thể hình thành được sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Nếu chúng ta cứ tiếp tục loanh quanh trong khu vực của chúng ta như thế này, với tư duy, cách quản trị doanh nghiệp như hiện nay thì sẽ rất khó bắt nhịp được với tiến bộ của khu vực.

- Ông đánh giá thế nào về kế hoạch xử lý nợ công của Chính phủ để có thể phát triển bền vững nền kinh tế?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta cũng phải thấy rằng, so với những năm trước, tốc độ tăng nợ công của chúng ta trong nhiệm kỳ 2011-2015 là rất lớn. Khi kết thúc kế hoạch 2006-2010, nợ công của chúng ta vào khoảng hơn 40%, nhưng đến thời điểm này, dự báo của Chính phủ là khoảng 64% vào cuối năm 2015. Như vậy, trong vòng năm năm, nợ công đã tăng 15%. Đây là tốc độ tăng rất nhanh mà chúng ta không mong muốn.

Để xử lý tình huống này, ngay trong kỳ họp thứ tám vừa qua, Quốc hội cũng đã thảo luận và trên cơ sở báo cáo về nợ công của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan chức năng của Chính phủ đã thống nhất sẽ có một lộ trình thực hiện đúng chiến lược nợ công đã được thông qua, trong đó đảm bảo công khai minh bạch nguồn sử dụng nợ công để tăng cường giám sát của xã hội, cơ quan quản lý đối với xử lý nợ công. Bên cạnh đó, chúng ta phải thực hiện đầu tư trọng tâm, trọng điểm khi sử dụng nguồn vốn đầu tư công đồng thời huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, như vậy sẽ giảm được nợ công.

- Xin cảm ơn ông./.