Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.

Theo đó, mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời gian làm việc bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền...

Về tiền lương, Nghị định quy định tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện.

Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong đó, mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động. Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời gian làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Nghị định nêu rõ, người lao động hưởng lương tháng được trả lương một tháng/lần hoặc nửa tháng/lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng. Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Việc người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau: Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm.

Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.

Về tiền lương làm thêm giờ, Nghị định quy định tiền lương làm thêm giờ được tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm; cụ thể, ngày thường, ít nhất bằng 150%; ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động hưởng lương theo ngày.

Nghị định cũng quy định tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương, tạm ứng tiền lương và khấu trừ tiền lương.

Cụ thể, tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm tại Điều 114 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

- Đối với người lao động đã làm việc từ đủ 6 tháng trở lên là tiền lương bình quân ghi trong hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm. Đối với người lao động chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm vì các lý do khác là tiền lương bình quân ghi trong hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm.

- Đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 6 tháng là tiền lương bình quân ghi trong hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc.

Tiền lương tính trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương quy định ở trên chia cho số ngày làm việc bình thường theo quy định của người sử dụng lao động của tháng trước liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động tính trả, nhân với số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm./.