Truyền thông dân số vùng biển: Còn nhiều rào cản

HB tổng hợp
14:13, ngày 20-12-2014
TCCSĐT - Ở các xã vùng biển, công tác truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình gặp nhiều rào cản. Quy mô dân số lớn cộng với sự biến động dân cư gây nhiều áp lực trong quản lý dân số.

Đơn cử như thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) có quy mô dân số cao nhất tỉnh Cà Mau, với trên 32.000 dân. Tỷ lệ hộ dân tạm trú chiếm khá cao, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều hộ gia đình còn quan niệm sinh đông con hoặc sinh phải có con trai để kế thừa lao động nghề biển. Suy nghĩ này đã làm gia tăng các trường hợp sinh con thứ ba, ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.

Dân cư đổ về thị trấn làm ăn sinh sống quá đông, nhất là dân tạm trú không nơi ở cố định dẫn đến khó quản lý tình hình biến động dân số. Trình độ dân trí không đồng đều nên công tác tuyên truyền, vận động dân số - kế hoạch hóa gia đình gặp không ít khó khăn. Do làm nghề biển, nam giới hay vắng nhà nên cộng tác viên dân số khó có điều kiện tiếp xúc để vận động kế hoạch hóa gia đình. Các ấp, khóm có tổ chức họp tổ dân số, câu lạc bộ nhưng chưa thu hút được chị em phụ nữ thuộc diện hộ tạm trú tham gia.

Hiện nay, 12 khóm của thị trấn Sông Đốc đều có cộng tác viên dân số quản lý địa bàn tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai, dừng lại ở 2 con để cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, dân số đông, số lượng cộng tác viên có hạn nên gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, mỗi cộng tác viên chỉ quản lý tối đa 150 hộ, nhưng tai đây có những cộng tác viên quản lý hơn 300 hộ gia đình. Do đó, hiệu quả truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình còn nhiều hạn chế.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Sông Đốc Nguyễn Phương Đông, cho biết: “Một số gia đình vùng biển sinh con đông lâm vào cảnh đói nghèo phải nhờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mặc dù hằng năm Ủy ban nhân dân thị trấn đầu tư kinh phí hơn 30 triệu đồng triển khai công tác truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình nhưng do dân số thường xuyên biến động nên khó kiểm soát chặt chẽ”.

* Triệu Phong là một huyện thuần nông, diện tích 3.600 ha, tổng số dân trên địa bàn huyện là 104.129 người. Được phân bố trên địa bàn 19 xã, thị trấn với 3 vùng rõ rệt: vùng gò đồi, đồng bằng, miền biển và cát trắng. Trong đó, phụ nữ từ 15 - 49 tuổi là 28.370 người, có chồng là 14.334 người. Riêng các xã vùng biển chiếm khoảng 20% dân số toàn huyện.

Trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện Triệu Phong còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các xã vùng biển và ven biển. Đây là những xã có tỷ lệ gia tăng dân số và số gia đình sinh con thứ ba trở lên khá cao. Nguyên nhân do đặc thù nghề nghiệp, nhiều gia đình muốn có nhiều con, muốn có con trai để đi biển và nối dõi tông đường. Hầu hết nhận thức của chị em phụ nữ còn hạn chế trong việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Do đó, mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tại các xã vùng biển còn cao; tỷ lệ phụ nữ trong tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai khá thấp.

Bác sĩ Huỳnh Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, Trưởng Ban quản lý đề án, khẳng định: “Muốn thực hiện đạt nhanh mục tiêu Đề án, cần phải huy động nhiều nguồn lực. Ngoài nguồn lực của Trung ương, các xã vùng biển thuộc đề án phải tăng cường sự quan tâm lãnh, chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí đối ứng; đồng thời lồng ghép chính sách an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo với thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình để nâng cao mọi mặt về đời sống vật chất, tinh thần của bà con vùng biển, đảo”./.