Triển lãm về những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, 45 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã chính thức khai mạc chiều 19-12 tại Hà Nội.

Triển lãm do Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm tri ân những cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho cách mạng Việt Nam trong 15 năm (1954-1969) cuối cùng của Người. Qua đó, một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ của Di tích quốc gia đặc biệt với những dấu mốc lịch sử chặng đường 45 năm phát triển của Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Triển lãm trưng bày hàng trăm bức ảnh cùng các tài liệu, hiện vật, chia làm ba nội dung chính: Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch (giai đoạn 1954-1969); công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, giai đoạn 1969-1992; công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, giai đoạn từ năm 1992 đến nay.

Ở nội dung đầu tiên, các hiện vật, tài liệu làm rõ các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cuộc tiếp, làm việc với khách trong nước, quốc tế; vui chơi với các cháu thiếu nhi; gặp gỡ đồng bào, chiến sỹ cả nước; các bản thảo, bút tích của Người... Trong đó, có những tài liệu, hiện vật nổi bật như bản thảo tác phẩm ''Đạo đức cách mạng'' của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Trần Lực, viết tháng 12-1958; bản thảo tài liệu: Bài nói chuyện tại Hội nghị sản xuất cứu đói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 13-6-1955; bản thảo tài liệu Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 17-7-1966; bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nội dung thứ hai được chia làm 2 chủ đề nhỏ gồm "Những bước đi ban đầu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, giai đoạn 1969-1975" và "Công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích, giai đoạn 1975-1992" tập trung trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến Nghị quyết số 206-NQ/TƯ ngày 25-11-1970 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về việc thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh; kế hoạch sửa sang và phát huy tác dụng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, năm 1970; Nghị quyết số 04-NQ/TU ra ngày 12-9-1977của Bộ Chính trị- Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, điều 2 có ghi ''Thông qua những di tích, tài liệu và hiện vật có quan hệ với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực hiện chức năng nghiên cứu và giáo dục, hướng dẫn thăm quan''...

Trong phần nội dung này cũng trưng bày một số hình ảnh tư liệu về các đoàn khách đầu tiên đến thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Nội dung thứ ba của triển lãm tập trung thể hiện các hoạt động về công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, giai đoạn từ năm 1992 đến nay.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi không chỉ ghi dấu công lao, đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho cách mạng Việt Nam mà còn là bằng chứng sinh động, chân thực về cuộc sống khiêm tốn, giản dị, tấm gương mẫu mực về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, vì hạnh phúc của nhân dân.

Mỗi di tích, tài liệu, hiện vật ở Khu di tích này đều chứa đựng giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đó là những giá trị vô giá của nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ thế giới.

45 năm qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng cán bộ Khu di tích vẫn tận tụy trong công tác bảo quản, gìn giữ, phát huy hiệu quả di sản quý giá này.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã đón tiếp, phục vụ gần 60 triệu lượt khách trong nước, quốc tế đến thăm quan, học tập về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhấn mạnh trong 15 năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch (1954-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam; lãnh đạo nhân dân ta tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình độc đập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Triển lãm diễn ra đến ngày 05-01-2015./.