Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc trên địa bàn Quân khu 3, đáp ứng tình hình mới
TCCSĐT - Thực tiễn 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược cho thấy, mặc dù địa bàn Quân khu 3 không có nhiều rừng, núi, nhưng do làm tốt công tác chính trị - tinh thần, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nên đã huy động được sức mạnh to lớn của nhân dân cho công cuộc kháng chiến, lập nên nhiều kỳ tích anh hùng.
Kế thừa và phát huy truyền thống, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố
Xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần
Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức chính trị, giữ vững niềm tin của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cảnh giác và làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Thực hiện chỉ thị của các cấp, các ngành về xây dựng cơ sở chính trị và công tác dân vận, lực lượng quân sự, công an, biên phòng và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đã phối hợp thực hiện ngày càng tốt hơn công tác vận động quần chúng, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là ở khu vực biên giới, biển đảo, vùng còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số và trọng điểm về tôn giáo. Với quan điểm hướng về cơ sở, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương không chỉ chú trọng tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, mà còn chú ý mở rộng đối tượng cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, hội viên Hội Cựu chiến binh, chủ tàu thuyền, chủ doanh nghiệp... Từ năm 2007 đến năm 2013, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chính quyền các địa phương tích cực chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh được 4.108 lớp cho 424.280 lượt người. Trong công tác giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh, sinh viên, từ năm 2008 đến năm 2012, mỗi năm các địa phương trên địa bàn Quân khu có từ 478 - 507 trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng tổ chức giáo dục quốc phòng - an ninh cho trên 3 triệu học sinh, sinh viên.
Xây dựng tiềm lực kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là địa bàn nằm trong vùng địch tạm chiếm, thực hiện chủ trương kháng chiến kiến quốc, nhân dân các địa phương trên địa bàn Quân khu đẩy mạnh tăng gia sản xuất, huy động nguồn lực tại chỗ cung cấp vật chất cho cuộc kháng chiến diễn ra trên địa bàn, phục vụ kịp thời các chiến dịch lớn. Trong kháng chiến chống Mỹ, quân dân các địa phương “tay cày tay súng”, “tay búa tay súng”, vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa chi viện sức người sức của giải phóng miền Nam. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, các địa phương trên địa bàn Quân khu đã phát huy nội lực, tranh thủ nguồn vốn trong nước và ngoài nước phát triển kinh tế một cách toàn diện. Thực hiện quan điểm mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, các địa phương luôn chú ý đầu tư phát triển các ngành nghề, các cơ sở công nghiệp lưỡng dụng (vừa sản xuất hàng hóa phục vụ cho nhu cầu dân sinh, vừa sẵn sàng chuyển sang sản xuất các mặt hàng phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng), các công trình hạ tầng cơ sở trọng điểm, nắm và quản lý chắc các loại phương tiện dự bị động viên, sẵn sàng huy động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh khi cần thiết. Quân khu cũng hoàn chỉnh kế hoạch điều chỉnh quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đến năm 2020, triển khai nhiều dự án kinh tế kết hợp với quốc phòng đạt hiệu quả cao; phối hợp với các địa phương thực hiện điều chỉnh, bố trí dân cư trên các địa bàn biên giới, biển đảo…
Xây dựng tiềm lực quân sự - an ninh
Trong xây dựng lực lượng thường trực, trên tinh thần “gọn cơ quan, giảm quân số đơn vị phía sau, bảo đảm quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu”, Quân khu ưu tiên cho các đơn vị làm nhiệm sẵn sàng chiến đấu (đạt 98% quân số trở lên), đơn vị làm nhiệm vụ tuyến biên giới, biển đảo, nhiệm vụ trực A2, cơ động phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đối với lực lượng dân quân tự vệ, tổ chức theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, đạt 1,55% dân số, trong đó chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ cơ động, dân quân thường trực ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh. Đối với lực lượng dự bị động viên, các địa phương và đơn vị trong toàn Quân khu tổ chức đăng ký quân dự bị đạt 8,45% dân số, sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên đạt 99,03%. Lực lượng dự bị động viên thường xuyên được điểm danh, kiểm diện, tổ chức huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị theo đúng quy định.
Trên cơ sở Chỉ thị số 56/CT-TM năm 2011 của Bộ Tổng Tham mưu về việc quy hoạch xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ, cơ quan quân sự tham mưu ủy ban nhân dân các cấp xây dựng và triển khai đề án quy hoạch. Hằng năm, các địa phương đều trích một phần ngân sách để xây dựng các công trình quốc phòng ở các khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ chiến đấu trên các hướng trọng điểm, tổ chức lấp phủ và quản lý các công trình quốc phòng, khảo sát các hang động thiên nhiên phục vụ nhiệm vụ quân sự khi có chiến tranh xảy ra. Các lực lượng quân sự, công an, biên phòng, hải quân, cảnh sát biển phối hợp chặt chẽ trong quản lý địa bàn, nắm chắc tình hình an ninh trên tuyến biên giới, biển đảo...
Thực hiện cơ chế lãnh đạo quốc phòng - an ninh
Thực hiện Nghị định số 152/2007/NĐ-CP, ngày 10-10-2007 của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 chỉ đạo các địa phương nghiêm túc tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện, diễn tập chiến đấu trị an cấp xã. Từ năm 2007 đến năm 2013, các địa phương trong Quân khu tổ chức tốt 2.104 cuộc diễn tập với sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, sát thực tế, bảo đảm an toàn. Thông qua đó, vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền được tăng cường, góp phần nâng cao năng lực tham mưu của cơ quan quân sự và các ban, ngành, đoàn thể địa phương… Các hoạt động kinh tế kết hợp quốc phòng trên địa bàn Quân khu có nhiều chuyển biến, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ.
Để tạo sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố đặt ra yêu cầu ngày càng cao về sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu với các tỉnh, thành ủy và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân và công tác quốc phòng - quân sự địa phương trên địa bàn Quân khu. Các tỉnh, thành ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang địa phương thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và nghị quyết của Đảng ủy Quân khu về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, công tác quốc phòng - quân sự địa phương, xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố chấp hành và thực hiện nghiêm nghị quyết của Đảng ủy Quân khu, mệnh lệnh của Tư lệnh Quân khu về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và công tác quốc phòng - quân sự địa phương.
Nâng cao năng lực quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc.
Việc quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ có tính đặc thù so với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, lãnh đạo chính quyền các cấp cần nhận thức đầy đủ về 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có kiến thức cơ bản về công tác quốc phòng - quân sự địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa điều hành phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh phù hợp với yêu cầu thực tế địa phương trong từng thời kỳ; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để xây dựng tiềm lực và thế trận khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.
Phát huy vai trò chức năng tham mưu của các ban, ngành, đoàn thể địa phương (lấy cơ quan quân sự, công an làm trung tâm).
Để giúp chính quyền quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương, xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần phải phát huy và đề cao vai trò làm tham mưu của các cơ quan, ban ngành đoàn thể địa phương, trong đó lấy cơ quan quân sự, công an làm trung tâm. Kết quả xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn Quân khu những năm qua phần nào phản ánh trình độ tham mưu của các cơ quan chức năng địa phương trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Chăm lo xây dựng thế trận lòng dân, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, tạo cơ sở vật chất cho khu vực phòng thủ.
Trong khi vận dụng mọi điều kiện thuận lợi và biện pháp tiến hành xây dựng thế trận lòng dân, việc tiến hành các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội là cơ bản nhất. Các địa phương cần chú trọng mối quan hệ tác động giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường đầu tư ngân sách cho quốc phòng để xây dựng, phát triển kinh tế, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh.../.
Việt Nam lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức  (17/12/2014)
Thành phố Hồ Chí Minh: Đón chào năm mới 2015 với nhiều chương trình đặc sắc, ấn tượng  (17/12/2014)
Nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác Tiểu vùng Mekong  (17/12/2014)
Chủ tịch nước dự khai mạc Đại hội Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam  (17/12/2014)
Dân số Việt Nam đã vượt mốc 90 triệu người  (17/12/2014)
Dân số Việt Nam đã vượt mốc 90 triệu người  (17/12/2014)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên