Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam là quốc gia có số người nhiễm HIV nhiều thứ 5 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan.

Giáo sư Nguyễn Thanh Long đã đưa ra thông tin trên tại buổi lễ míttinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, do Bộ Y tế và Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức sáng 30-11, tại Hà Nội.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, trên toàn quốc đã có hơn 224.000 trường hợp nhiễm HIV đang còn sống được báo cáo và tính từ đầu vụ dịch HIV/AIDS đến nay đã có hơn 70.000 trường hợp người nhiễm HIV/AIDS tử vong.

Trong hơn 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận khi đã kiểm soát được tốc độ gia tăng của các ca nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS. Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm trên toàn quốc vẫn có khoảng 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện, HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho hay, trên toàn thành phố hiện có hơn 21.000 người nhiễm HIV, trên 5.000 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và gần 4.000 người đã tử vong do căn bệnh này.

Bà Ngọc phân tích, tình hình dịch HIV/AIDS tại Hà Nội vẫn có những diễn biến phức tạp khi 87% đối tượng mắc bệnh trong độ tuổi lao động (20-49 tuổi) và ngoài những nhóm nguy cơ cao thì bệnh đang có xu hướng xuất hiện nhiều ở nhóm phụ nữ mang thai và trẻ em.

Theo giáo sư Long, sự quay trở lại của đại dịch HIV/AIDS đang trở nên hiện hữu do tốc độ đầu tư cho phòng chống dịch bệnh này tại Việt Nam đang giảm xuống, trong khi các biện pháp can thiệp chưa được triển khai đủ mạnh và tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại.

Hưởng ứng Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu giai đoạn 2011-2015 với chủ đề “Hướng tới mục tiêu ba không: Không còn người nhiễm mới HIV; Không còn người tử vong do AIDS; và Không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS,” năm 2014, Việt Nam đã chọn chủ đề “Không kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.”

Bởi tình trạng phân biệt đối xử đã làm hạn chế một số quyền cơ bản của công dân như quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được học hành, quyền được lao động và mưu cầu hạnh phúc. Phân biệt đối xử đã làm cho những người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV/AIDS trở thành nhóm người sống ẩn trong xã hội, giấu giếm bệnh tật, làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Chính vì vậy, Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS năm nay được ngành y tế tập trung vào những nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức của mọi người và cùng nhau hành động chống lại sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Sau buổi lễ míttinh là hoạt động diễu hành với sự tham gia của 3.000 người qua các tuyến phố của Hà Nội để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về căn bệnh này./.