Sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch Lào Cai sau hơn 20 năm thành lập tỉnh

TS. Trần Hữu Sơn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai
21:56, ngày 24-10-2014
TCCSĐT - Là một tỉnh vùng cao biên giới với cảnh quan tự nhiên phong phú và văn hóa đa dạng, Lào Cai có nhiều ưu thế trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là văn hóa, du lịch. Sau hơn 20 năm thành lập tỉnh, ngành văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định - cơ sở cho những bước tiến bền vững trong tương lai.

Những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển văn hóa - thể thao - du lịch

Ngày 12-8-1991, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Trước yêu cầu cấp bách, ngành văn hóa, thể thao của tỉnh đã xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm là củng cố, xây dựng bộ máy, cơ sở vật chất cho toàn ngành, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Lào Cai cũng tăng cường các biện pháp “chiêu hiền đãi sĩ” phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như thu hút các cán bộ có chuyên môn và lựa chọn các cán bộ trẻ có năng lực để đào tạo các lớp cử nhân, cao học, nghiên cứu sinh chuẩn bị lực lượng kế cận.

Là mảnh đất phong phú về bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử với 25 ngành, nhóm dân tộc khác nhau, Lào Cai đã có nhiều nỗ lực trong suốt hơn 20 năm qua để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Các mô hình văn nghệ quần chúng gắn với bản sắc văn hóa tộc người đã được khôi phục và xây dựng như: đội xòe Tà Chải, đội văn nghệ người Dao ở Long Khánh, đội văn nghệ người Mông ở Bản Phố (huyện Bắc Hà), đội văn nghệ xã Mường Hum (huyện Bát Xát), đội văn nghệ người Xa Phó ở An Thành (huyện Bảo Thắng)… Tỉnh cũng chú trọng xây dựng mô hình chợ thành trung tâm sinh hoạt văn hóa chợ phiên, mô hình “ngày văn hóa thể thao dân tộc”, mô hình đầu tư cho các xã, thị tứ ở nông thôn trở thành trung tâm cụm văn hóa với sân khấu ngoài trời hoặc nhà văn hóa, trở thành các điểm hoạt động thường xuyên của các đội chiếu bóng lưu động và thông tin lưu động. Từ đây phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao cũng lan tỏa qua các bản, làng, xã trong tiểu vùng.

Những năm đầu thế kỷ XXI đánh dấu bước phát triển đột phá kinh tế - xã hội của Lào Cai. Từ trong gian khó, Lào Cai vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, tạo đà thuận lợi cho văn hóa, thể thao, du lịch khởi sắc. Ngay từ năm 2001, Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo xây dựng Đề án “Phát triển văn hóa, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai”. Đề án đã tạo chuyển biến mới về nhận thức đối với cán bộ và quần chúng nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các sự kiện văn hóa, thể thao có quy mô liên tục được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh đất và người Lào Cai, như: “Đón chào thiên niên kỷ”, “100 năm du lịch Sa Pa”, “Lào Cai lên thành phố”, “Du lịch cội nguồn”, “100 năm thành lập tỉnh Lào Cai”, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Với quan điểm coi trọng chất lượng, tránh hình thức, Lào Cai đã và đang tích cực đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” và thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, thể thao ở khu dân cư, trong đó cốt lõi là xây dựng gia đình, làng bản văn hóa. Nếu như năm 2000, toàn tỉnh mới có 51.636 gia đình văn hóa (chiếm 44%), 256 làng bản, tổ dân phố văn hóa, thì hết năm 2013, toàn tỉnh đã công nhận 108.059 gia đình văn hóa (chiếm 73% ) và 1.359 thôn bản, tổ dân phố văn hóa (chiếm 62%). Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cũng từng bước được đầu tư xây dựng với trên 1.180 nhà văn hóa thôn bản, tổ dân phố, xã, phường.

Nhờ sự năng động, sáng tạo, Lào Cai đã thực hiện thành công chương trình “Biến di sản thành tài sản” và “Mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có loại đặc sản trở thành hàng hóa”. Qua đó, những di sản văn hóa phi vật thể, di tích, danh thắng được bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị, phục vụ phát triển du lịch, làm nên dấu ấn nổi bật của văn hóa Lào Cai. Di sản văn hóa đã được “đánh thức” trở thành tài sản, được quảng bá qua các phương tiện truyền thông như rượu Sán Lùng, thổ cẩm Tả Phìn, thổ cẩm của người Tày ở Khánh Yên (huyện Văn Bàn), thuốc tắm Sa Pa… Nhiều ngành, nghề thủ công truyền thống như rèn đúc, thổ cẩm, sản phẩm thêu, chạm khắc bạc, ẩm thực… cũng có những bước phát triển nhất định.

Thời kỳ trước những năm 1990, du lịch Lào Cai mới chỉ mang tính tự phát, cơ sở vật chất hầu như chưa có. Từ sau năm 1992, du lịch Lào Cai bắt đầu có những bước phát triển mang tính đột phá, nhất là từ 2001 đến nay. Tốc độ tăng trưởng bình quân của khách trong giai đoạn 2001 - 2010 đạt trên 11%, trong đó khách quốc tế chiếm xấp xỉ 50% tổng lượng khách. Năm 1992, Lào Cai mới đón 8.000 lượt khách; năm 2010, con số này tăng lên là 860.193 lượt, năm 2013 là 1.260.890 lượt, và chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2014, Lào Cai đã đón được 801.173 lượt khách. Cơ sở vật chất chuyên ngành du lịch cũng không ngừng tăng lên. Năm 2005, toàn tỉnh mới có 217 cơ sở lưu trú với 2.578 phòng thì đến nay đã đạt trên 400 cơ sở với hơn 4.900 phòng; trong đó có 68 khách sạn từ 1 đến 4 sao. Tổng số lao động trong các cơ sở lưu trú đạt trên 2.800 người, trong đó có 61% đã qua đào tạo. Toàn tỉnh đã có hàng chục doanh nghiệp, chi nhánh kinh doanh lữ hành quốc tế. Hệ thống nhà hàng đặc sản, nhà hàng vườn cũng được mở rộng và phát triển. Các phương tiện vận chuyển du lịch ngày càng phong phú và được nâng cao về chất lượng. Hoạt động quảng bá tuyên truyền cho du lịch được xúc tiến mạnh mẽ thông qua việc tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, du lịch lớn như: chương trình du lịch về cội nguồn giữa 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ; chương trình leo núi khám phá Phan Xi Păng, giải đua ngựa truyền thống, lễ hội xuân đền Thượng... Từ một trong những mô hình liên kết đầu tiên của du lịch bước đầu đạt hiệu quả là “du lịch cội nguồn” của 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ, Lào Cai đã đề xuất xây dựng mô hình liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tạo thành tuyến du lịch “vòng cung Tây Bắc”. Lào Cai đã trở thành một trong 11 tỉnh đón lượng khách du lịch quốc tế lớn nhất trong cả nước, đứng thứ tư toàn miền Bắc trong số các địa phương có hoạt động du lịch nổi bật nhất. Về loại hình du lịch núi, Lào Cai dẫn đầu toàn quốc ở nhiều tiêu chí như thu hút khách quốc tế, công suất sử dụng buồng, tổng doanh thu từ du lịch,... Tỉnh đã xây dựng được các sản phẩm của du lịch mang tính đặc thù, được nhiều tạp chí du lịch trao tặng các danh hiệu nổi bật như: ruộng bậc thang Sa Pa là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới, tuyến đường đi bộ ở ven suối Mường Hoa cũng trở thành 1 trong 10 tuyến đường đi bộ đẹp nhất thế giới, chợ Bắc Hà trở thành 1 trong 10 chợ có bản sắc văn hóa và hấp dẫn nhất Đông Nam Á, Sa Pa là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á.

Ở mảng thể dục, thể thao, Lào Cai cũng có những thành tích đáng ghi nhận. Từ năm 1992, với chủ trương khôi phục các lễ hội truyền thống, nhiều môn thể thao dân gian đã hồi sinh và phát triển. Hội thi thể thao dân tộc được tổ chức hai năm một lần với các môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, ném còn… Đầu năm 2014, số người tham gia luyện tập thể thao thường xuyên của tỉnh chiếm khoảng 22,5% dân số với 314 câu lạc bộ thể thao. Bên cạnh những thành tựu trong xây dựng và phát triển phong trào thể thao quần chúng, Lào Cai cũng đã có những đầu tư cho phát triển thể thao thành tích cao. Từ một địa phương là “điểm trắng” trên bản đồ thể thao thành tích cao Việt Nam, chỉ trong thời gian khoảng 10 năm trở lại đây, đặc biệt là từ năm 2006, thể thao Lào Cai đã có bước “đột phá” ngoạn mục, từng bước khẳng định vị thế.

Bài học kinh nghiệm, hướng tới sự phát triển bền vững

Qua hơn 20 năm thành lập, Lào Cai đã rút ra những bài học kinh nghiệm để hướng tới phát triển bền vững sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh, cụ thể là:

Thứ nhất, xây dựng các giải pháp và lộ trình phát triển phù hợp với thực tiễn đặc thù ở Lào Cai

Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới với nhiều dân tộc cùng chung sống. Tính đặc thù đó đã chi phối quá trình phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng tới việc thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh. Vì vậy, phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch ở Lào Cai đòi hỏi phải căn cứ vào tính đặc thù để có các giải pháp, bước đi phù hợp với thực tiễn. Toàn tỉnh được chia thành 3 vùng, đó là: vùng 3 (gồm các xã vùng cao đặc biệt khó khăn, tập trung ở các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát và một số xã của Văn Bàn, Bảo Yên), vùng 2 (gồm các xã nông thôn ở vùng thấp của huyện Bảo Thắng và một số xã của huyện Văn Bàn, huyện Bảo Yên, huyện Bát Xát, tập trung ở vùng thung lũng sông Hồng, sông Chảy), vùng 1 (gồm các thị tứ, thị trấn, các phường ở thành phố Lào Cai).

Ở vùng cao (vùng 3), nhu cầu văn hóa của người dân có đặc điểm riêng. Tuy đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhưng kinh tế vùng cao vẫn chủ yếu là kinh tế thuần nông. Do đó, thời gian rỗi theo ngày rất ít nhưng thời gian rỗi theo mùa vụ (vào thời điểm nông nhàn) lại tương đối nhiều. Hoạt động các thiết chế văn hóa ở nông thôn miền núi cần dựa vào đặc điểm này, chỉ nên xây dựng nhà văn hóa xã ở các xã trung tâm, cụm dân cư là thị tứ hoặc gắn liền với các cơ sở kinh tế nông - lâm trường. Trong khi đó, thôn bản vùng cao tuy không phải là một cấp hành chính nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng cả về kinh tế - xã hội - văn hóa; do đó, cần xác định thôn, bản là đơn vị cơ sở của văn hóa, cố kết được các hoạt động văn hóa chung, là cấp gần dân nhất. Vì vậy, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng cao chính là xây dựng thôn, bản văn hóa. Thực tế hiện nay, các thôn, bản miền núi không có công trình công cộng cho những hoạt động chung; nhu cầu về thông tin, giáo dục, văn hóa của người dân khó được đáp ứng nếu không có nhà văn hóa cộng đồng và nhà văn hóa thôn, bản muốn hoạt động được phải mở rộng chức năng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi văn hóa, văn nghệ, thể thao đơn thuần.

Ở khu vực nông thôn vùng thấp (vùng 2) có nhiều điều kiện để phát triển hệ thống thiết chế văn hóa nhưng cần căn cứ vào nhu cầu của thực tiễn. Thời kỳ đầu, cần lựa chọn một số xã xây dựng thí điểm nhà văn hóa xã, sau đó mới phát triển đồng bộ việc xây dựng các thiết chế văn hóa xã (nhà văn hóa xã, sân thể thao). Đặc biệt trong 3 năm gần đây, các xã chuẩn bị đạt danh hiệu xã nông thôn mới đã được lựa chọn, ưu tiên xây dựng nhà văn hóa.

Ở vùng 1, hầu hết các xã, phường, thị trấn đều chú trọng xây dựng đời sống văn hóa. Vì vậy, ngành và chính quyền các cấp đều tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa theo mô hình nếp sống văn hóa đô thị. Ở khu vực này, chủ trương xã hội hóa trong xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đã được thực hiện; xuất hiện nhiều mô hình doanh nghiệp tổ chức câu lạc bộ, người dân, cán bộ về hưu chủ động xây dựng các câu lạc bộ khiêu vũ, câu lạc bộ bóng bàn, câu lạc bộ luyện tập y-ô-ga,...

Lào Cai luôn chủ trương căn cứ vào điều kiện tự nhiên và xã hội để chỉ đạo, định hướng quy hoạch phát triển du lịch, đề xuất các giải pháp phát triển trung tâm du lịch Sa Pa theo hướng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và chữa bệnh, trong đó tập trung xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng. Điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh là điểm du lịch Bản Dền, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa được xây dựng từ cuối thể kỷ XX; đến năm 2008 đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng toàn quốc với khoảng 12.000 - 15.000 du khách quốc tế thăm quan, lưu trú mỗi năm. Từ đó, mô hình du lịch cộng đồng đã được nhân rộng sang Tả Phìn, Tả Van, Lao Chải,... (huyện Sa Pa) và Na Hối, Tả Van Chư, Trung Đô (huyện Bắc Hà), Cao Sơn, Tùng Lâu (huyện Mường Khương).

Thể thao Lào Cai cũng xây dựng một chiến lược phát triển riêng phù hợp với đặc thù của tỉnh với thế mạnh là thể thao dân tộc. Lào Cai là một tỉnh nghèo, lực lượng tham gia thể thao phong trào phát triển chưa mạnh, trong khi đó, người dân Lào Cai vốn có sức bền, giỏi về leo núi, có truyền thống luyện tập võ thuật, bảo vệ quê hương. Do vậy, tỉnh đã định hướng, lựa chọn các môn điền kinh, đặc biệt là các môn võ thuật để đầu tư phát triển.

Như vậy, sau hơn 20 năm, Lào Cai đã vươn lên trở thành một tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi, trung du và có nhiều lĩnh vực dẫn đầu toàn quốc. Sự khởi sắc đó là do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là sự sáng tạo, vận dụng linh hoạt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó có các giải pháp, bước đi phù hợp với thực tiễn của đảng bộ và nhân dân Lào Cai.

Thứ hai, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Lào Cai là một tỉnh đa dân tộc, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt các thời kỳ xây dựng và phát triển với những bước đi, giải pháp cụ thể:

- Bước thứ nhất: Thống kê các di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, chú trọng các dân tộc, các ngành, nhóm địa phương có số dân ít như: dân tộc Bố Y, La Chí, Phù Lá, Hà Nhì,... Tổng kiểm kê các sách cổ ở 644 làng người Dao, các loại hình dân ca dân vũ, lễ hội, nghệ thuật trang trí, ngành, nghề thủ công,... ở tất cả các ngành, nhóm dân tộc.

- Bước thứ hai: Tổ chức quay phim, chụp ảnh, sưu tầm, công bố các di sản tiêu biểu; xây dựng bản đồ cư trú, giới thiệu đặc trưng văn hóa tộc người của 25 ngành, nhóm dân tộc khác nhau. Trong 11 năm thực hiện đề án, Lào Cai đã xuất bản 23 công trình giới thiệu về các di sản và bản sắc văn hóa các tộc người ở Lào Cai.

- Bước thứ ba: Nghiên cứu các di sản văn hóa các dân tộc gắn liền với xây dựng hồ sơ di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đến nay, Lào Cai đã có 17 di tích, danh thắng quốc gia, 7 di sản văn hóa quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh được công nhận. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh đã tham gia xây dựng 2 hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như: hồ sơ về hát Then của cư dân Tày - Thái, hồ sơ về trò chơi tín ngưỡng kéo co của người Tày, người Giáy.

- Bước thứ tư: Phát huy các di sản trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Một số di tích quốc gia sau khi được trùng tu, tôn tạo đã được quảng bá, xây dựng trở thành các điểm du lịch hấp dẫn như: di tích đền Thượng, di tích đền Mẫu, di tích đền Đôi Cô, di tích đền Cấm (thành phố Lào Cai), di tích đền Bảo Hà, chùa Phúc Khánh (huyện Bảo Yên), di tích đền Trung Đô, di tích đền Bắc Hà (huyện Bắc Hà),... Trong đó, có nhiều di tích mỗi năm đón hàng chục vạn lượt khách thăm quan, tạo nguồn thu hàng tỷ đồng như di tích Đền Bảo Hà, di tích Đền Thượng, danh thắng Hàm Rồng, khu chạm khắc đá cổ Sa Pa. Các di tích vừa trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn (nhất là du lịch tâm linh) vừa tạo nguồn thu rất lớn để trùng tu, tôn tạo di tích, gắn phát triển du lịch với bảo đảm an sinh xã hội. Các di sản văn hóa cũng được phát huy trở thành những sản phẩm du lịch giàu bản sắc, như: nghề sản xuất thổ cẩm của người H’Mông, người Dao, người Xá Phó, nghề nấu rượu ở Bản Phố, Bắc Hà, nghề chạm khắc bạc, nghề làm trống, nghề làm giấy của người Dao ở Sa Pa,...

Như vậy, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một bài học kinh nghiệm quý báu, thực sự là bước đi sáng tạo của Lào Cai, không chỉ góp phần cho sự phát triển của sự nghiệp văn hóa mà còn thúc đẩy du lịch, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới./.