TCCSĐT - Cùng với Tuyên bố cam kết bảo vệ rừng của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, ngày 23-9-2014, nhiều công ty chế biến thực phẩm trên thế giới đã cam kết ngừng sử dụng dầu cọ.

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về khí hậu

 
 Việc đốn gỗ để lấy dầu cọ là nguyên nhân khiến loài đười ươi ở In-đô-nê-xi-a mất môi trường sống. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng với Tuyên bố cam kết bảo vệ rừng của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, ngày 23-9-2014, nhiều công ty chế biến thực phẩm trên thế giới đã cam kết ngừng sử dụng dầu cọ.

Tại Hội nghị, 3 công ty sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới là Wilmar, Golden Agri-Resources và Cargill cam kết hợp tác nhằm ngăn chặn nạn chặt, phá rừng, đồng thời hối thúc Tổng thống In-đô-nê-xi-a Giô-cô Uy-đô-đô (Joko Widodo) thực thi các chính sách bảo vệ rừng. In-đô-nê-xi-a hiện là nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới với sản lượng trên 26 triệu tấn trong năm 2012.

Cây cọ dầu được trồng phổ biến ở các nước nhiệt đới, chiếm khoảng 45% sản lượng dầu ăn trên thế giới. Việc đốn gỗ để lấy dầu cọ cũng là nguyên nhân khiến loài đười ươi ở In-đô-nê-xi-a mất môi trường sống. Trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về khí hậu, hơn 30 quốc gia, trong đó có Mỹ, Ca-na-đa và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ký tuyên bố cam kết đến năm 2020 sẽ giảm 50% diện tích rừng bị mất trắng, và đến năm 2030 chặn đứng hoàn toàn tình trạng sử dụng rừng vào các mục đích khác. Tuy nhiên, trái với tinh thần chung của Hội nghị, Bra-xin đã từ chối ký kết tuyên bố này.

Hội nghị An ninh Y tế toàn cầu tại Mỹ

Ngày 26-9-2014, tại Nhà Trắng (Mỹ) đã diễn ra Hội nghị An ninh y tế toàn cầu. Các đại biểu đã nêu bật những cam kết của các quốc gia và tổ chức quốc tế trong việc bảo đảm an ninh và an toàn toàn cầu trước sự đe dọa của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi. Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Ma-ga-rét Chan (Margaret Chan) đã có bài phát biểu khẳng định sự nguy hiểm, tính cấp bách và những thách thức của các vấn đề dịch bệnh mang tính toàn cầu, trong đó có bài học về ứng phó với dịch Ê-bô-la đang bùng phát tại một số nước khu vực Tây Phi. Đại biểu các nước hối thúc cần có những hành động cấp thiết hơn nữa để bảo đảm 3 mục tiêu: Dự phòng tốt, phát hiện sớm và phản ứng nhanh.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh sự hợp tác đa ngành ở từng quốc gia nhằm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Các nước Ca-na-đa, Phần Lan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc thể hiện cam kết mạnh mẽ bằng việc hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật cho các các quốc gia thông qua tăng cường năng lực xét nghiệm, phòng, chống kháng thuốc.

Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69 thảo luận về các điểm nóng trên thế giới

Ngày 27-9-2014, trong ngày thứ tư của phiên thảo luận cấp cao tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69, lãnh đạo chính phủ, bộ trưởng các nước đã có bài phát biểu về tình hình quốc gia, đồng thời bày tỏ quan điểm về các vấn đề quốc tế lớn.

Tổng thống chính phủ chuyển tiếp của Cộng hòa Trung Phi Ca-tơ-rin Xam-ba Pan-da (Catherine Samba Panza) bày tỏ hy vọng lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ quốc gia này khôi phục an ninh và thúc đẩy phát triển trong bối cảnh Trung Phi vừa kết thúc cuộc nội chiến giữa liên minh các nhóm vũ trang Hồi giáo và lực lượng nổi dậy Cơ đốc giáo.

Thủ tướng Ấn Độ Na-rên-đra Mô-đi (Narendra Modi) đề cập tiến trình đàm phán hòa bình giữa Ấn Độ với Pa-ki-xtan và nhấn mạnh cần phải tạo bầu không khí thích hợp cho tiến trình đối thoại này.

Trong khi đó, về phần mình, tại Liên hợp quốc, Thủ tướng Pa-ki-xtan Na-oa Sa-ríp (Nawaz Sharif) chỉ trích việc Ấn Độ rút khỏi đàm phán là hành động làm “lỡ một cơ hội”.

Tại diễn đàn Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) lên án chiến dịch không kích của Mỹ tại I-rắc và Xy-ri để tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là bất hợp pháp và yêu cầu phương Tây phải hợp tác với Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát (Bashar Al-assad). Đối với vấn đề U-crai-na, ông X. La-vrốp tiếp tục khẳng định quan điểm việc Mỹ và Liên minh châu Âu hỗ trợ cho cuộc đảo chính tại U-crai-na đã gây ra cuộc xung độ vũ trang tại đất nước này.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các bên liên quan nhanh chóng nối lại tiến trình đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Liên minh quốc tế chống IS mở rộng không kích tại Xy-ri

Ngày 27-9-2014, liên minh quốc tế do Mỹ chỉ huy đã mở rộng chiến dịch không kích chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Xy-ri trong lúc máy bay chiến đấu Anh thực hiện nhiệm vụ không kích đầu tiên của mình nhằm vào IS tại I-rắc, nước láng giềng của Xy-ri.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, 7 mục tiêu của IS tại Xy-ri đã bị tấn công, trong đó có tại thị trấn A-in An A-rập của người Cuốc giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang bị phiến quân IS bao vây và tại thị trấn E-u-pha-rết, thuộc tỉnh miền Bắc Ra-ca - nơi IS hồi tháng 6 vừa qua tuyên bố lấy làm tổng hành dinh khi lực lượng này bắt đầu đánh chiếm các khu vực ở I-rắc và Xy-ri.

Bỉ và Đan Mạch cũng đã thông qua kế hoạch cùng với Pháp và Hà Lan tham gia chiến dịch chống IS tại I-rắc, cho phép Mỹ tập trung vào chiến dịch chống IS ở Xy-ri. Trong khi đó, nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Tổng thống nước này Tay-íp Éc-đô-gan tuyên bố nước này có thể đóng vai trò quân sự trong liên minh chống IS.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước tham gia liên minh chống IS, ngày 27-9, nhóm Mặt trận An Nu-xra có quan hệ với tổ chức khủng bố An Kê-đa đã lên án các cuộc không kích tại Xy-ri là “cuộc chiến chống lại đạo Hồi”; đồng thời, thề trả đũa các nước phương Tây và A-rập tham gia chiến dịch này. Trong ngày đầu tiên của chiến dịch không kích, hàng chục tay súng An Nu-xra đã bị tiêu diệt./.