Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cần cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013
TCCSĐT - Ngày 17-9-2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành họp thẩm tra Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) còn nhiều điểm chưa cụ thể hóa một cách đầy đủ tinh thần Hiến pháp năm 2013, một số nội dung còn “sao chép” nội dung của Hiến pháp. Do vậy, cần phải đưa vào dự thảo và làm rõ những nội dung đã được Hiến pháp quy định.
Theo ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 còn có nhiều bất cập, chưa phù hợp với sự phát triển của đất nước và nội dung mới của Hiến pháp năm 2013. Cụ thể như địa vị pháp lý của Chính phủ trong thực hiện quyền lực Nhà nước chưa được xác định một cách đầy đủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn bị hạn chế; mối quan hệ giữa Chính phủ với chính quyền địa phương chưa được xác định cụ thể, chưa có sự gắn bó chặt chẽ…
Tại cuộc họp, phần lớn các đại biểu tập trung vào vấn đề quy định về tên gọi và số lượng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan của Chính phủ; vấn đề đưa quản lý tòa án nhân dân địa phương về Chính phủ, thông qua Bộ Tư pháp.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật không quy định số lượng và tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu Chính phủ, để phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Tuy nhiên, đại biểu Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, băn khoăn: Cơ cấu tổ chức của Chính phủ phải rõ ràng hơn, trong đó có quy định về số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ. Nếu không quy định, thì trong mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đều phải có Nghị quyết về các bộ, cơ quan ngang bộ. Đây là điều rắc rối và mất thời gian.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Hồng Hà, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng, quy định về thành viên Chính phủ, tổ chức của Chính phủ có những điều chưa rõ, nếu để theo dự thảo sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau. Đây là Luật Tổ chức Chính phủ, phải quy định cụ thể tên gọi, số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ để có tính thống nhất cao, không nên để cơ chế mở như dự thảo. Trong trường hợp cần thành lập hoặc bãi bỏ một bộ, cơ quan ngang bộ theo sự phát triển của đất nước, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định. Ngoài ra, cũng nên quy định rõ số lượng cấp phó của các bộ, cơ quan ngang bộ nhằm tránh xảy ra tình trạng bổ nhiệm hàng loạt.
Về việc giao quản lý tòa án địa phương cho Chính phủ thông qua Bộ Tư pháp, một số đại biểu cho rằng đây là điều hợp lý, để bảo đảm sự độc lập trong quá trình xét xử. Tuy nhiên, Luật cần phải quy định rõ quản lý ở đây là quản lý về tổ chức, để không “lấn sân” khi thực hiện. Đồng thời, Chính phủ cần sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân cho phù hợp với quy định của Luật này.
Thống nhất với việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành, nhưng theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng chính phủ trong dự thảo Luật còn sơ sài, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ tướng Chính phủ - một thiết chế Hiến định. Do vậy, cần xây dựng trong dự thảo các nội dung về địa vị pháp lý của Thủ tướng; cơ chế bầu Thủ tướng; thẩm quyền của Thủ tướng vừa với tư cách là người đứng đầu Chính phủ vừa với tư cách là thiết chế Hiến định.
Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu nêu ý kiến, dự án luật lần này sửa đổi 13/43 điều của Luật Công an nhân dân hiện hành; đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu sửa đổi cơ bản Luật Công an nhân dân hiện hành nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về xây dựng Công an nhân dân. Một số ý kiến cho rằng, dự án Luật chưa được xem xét kỹ lưỡng trên khía cạnh kinh tế - xã hội, chưa đặt trong tổng thể công tác quản lý nhà nước, chưa được phân tích, báo cáo đầy đủ thông tin, số liệu có liên quan. An ninh nhân dân và Cảnh sát nhân dân là hai lực lượng riêng biệt, có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, nếu quy định chung nhiệm vụ, quyền hạn cho cả 2 lực lượng như dự án Luật sẽ không bảo đảm chặt chẽ.
Về công an xã, tại điểm d, khoản 1 và khoản 3 (Điều 16) đề nghị quy định rõ địa vị pháp lý của công an xã theo hướng xác định công an xã là một lực lượng chính quy trong Công an nhân dân; đề nghị tổ chức lại công an xã và dân quân tự vệ, không để một xã có hai lực lượng bán chuyên trách.
Về Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại khoản 1 và 2 ( Điều 16 và Điều 17), nên tổ chức hệ thống quản lý theo ngành dọc, từ Tổng cục thuộc Bộ Công an, địa phương trực thuộc công an tỉnh, thành phố.
Về độ tuổi nghỉ hưu thống nhất thực hiện áp dụng đúng Bộ Luật lao động; phong hàm cấp bậc cao nhất nên dựa vào số lượng quân ngũ, năng lực công tác, cống hiến xã hội, nên phong hàm tướng cho một số giám đốc Công an, Bộ Chỉ huy quân sự ở một số tỉnh, thành có đủ điều kiện, không nên hạn chế như luật hiện hành. Một số ý kiến băn khoăn, đề nghị không quy định về chế độ nhà ở hoặc đất ở cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, vì quy định này không khả thi…
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc thời điểm sửa đổi, bổ sung Luật này để bảo đảm tính thống nhất. Về xây dựng luật cần phải bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt với lực lượng vũ trang, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Các đại biểu cũng lưu ý nhiều vấn đề như: về chức vụ sĩ quan (Điều 11), về cấp bậc hàm cao nhất của các chức vụ sĩ quan (Điều 15); về điều kiện, thời hạn phong, thăng quân hàm (Điều 17); về quy định tiền lương và các chế độ, chính sách đối với sĩ quan tại ngũ (Điều 31)… Trong đó, việc phong, thăng hàm tướng trong quân đội giữa bộ, ngành, cục Trung ương với địa phương chưa tương thích. Tại Điều 7, quy định về tham gia nghĩa vụ giữa quân sự và công an chưa thống nhất, nên quy định lại thời gian tại ngũ, hiện công dân tham gia nghĩa vụ quân sự quân đội là 18 tháng, nhưng đối với ngành công an là 36 tháng. Quy định về thành lập Hội đồng nghĩa vụ quân sự ở cơ sở cần gộp chung giữa quân đội và công an, bên cạnh đó nên tổ chức tuyển chọn nghĩa vụ quân sự một lần/năm…
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tiếp thu các ý kiến góp ý, đóng góp vào hai dự án Luật trên để tập hợp, báo cáo kỳ họp Quốc hội tới./.
Phó Thủ tướng tiếp xúc với giới chức Quốc hội, doanh nghiệp Mỹ  (17/09/2014)
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp đoàn đại biểu người uy tín dân tộc Mông  (17/09/2014)
Việt Nam tham dự khóa họp thứ 69 Đại hội đồng Liên hợp quốc  (17/09/2014)
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN hướng tới quan tâm và sẻ chia  (17/09/2014)
Chủ tịch nước tiếp các Đại sứ trình quốc thư  (17/09/2014)
Tổng thống Ấn Độ kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam  (17/09/2014)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên