“Mũi tên thứ 3”: Liệu có trúng đích?

Nguyễn Nhâm
17:29, ngày 17-07-2014

TCCSĐT - Ngày 24-6-2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố chiến lược phát triển kinh tế dài hạn, bản kế hoạch gồm 230 điểm có tên gọi là “Mũi tên thứ 3”, nhằm khơi dậy tiềm năng cạnh tranh phát triển, vực dậy nền kinh tế Nhật Bản và đưa Tokyo trở lại với vị thế là cường quốc khu vực và toàn cầu. Vậy thì “Mũi tên thứ 3”: Liệu có trúng đích?

Giảm phát được chặn lại

Sau hai mũi tên đầu trong chính sách Abenomics mà Tokyo nhắm tới là: nới lỏng tiền tệ và mở rộng việc mua trái phiếu chính phủ, với mục tiêu điều chỉnh dần lạm phát ở mức 2% đến năm tài chính 2015, nhưng theo báo cáo của Bộ Thương mại Nhật Bản, lạm phát của nước này hiện vẫn ở mức 3,2% (tính đến tháng 4-2014). Sản xuất giảm 2,5%, cao hơn dự báo trước đó, mức tiêu dùng của các hộ gia đình Nhật Bản cũng giảm sút tới 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số Nikkei tính từ đầu năm đến nay đã giảm xuống 8%.

Ngược lại, chỉ số mức tăng đầu tư doanh nghiệp trong quý I là 7,9%, cao hơn đánh giá ban đầu là 4,9%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ quý IV năm 2011. Kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp nhằm khuyến khích đầu tư và tăng lương cho người lao động cùng với chủ trương tăng thuế bắt đầu thực hiện từ tháng 4-2014, cũng đang phát huy hiệu quả.

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế Nhật Bản thì quý I năm 2014 vẫn tăng trưởng ở mức 6,7% cao hơn so với dự báo trước đó là 5,9%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý III năm 2011 và là dấu hiệu lạc quan cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể phục hồi kể cả dưới tác động của chính sách tăng thuế suất, thuế tiêu thụ từ 5% lên 8% đã được nước này áp dụng từ 01-4-2014. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dự báo, kinh tế Nhật Bản sẽ giảm 3,5% trong quý II năm 2014 trước khi tăng 2% trong quý III và quý IV năm 2014.

Giải pháp mới quyết liệt hơn

Với “Mũi tên thứ ba”, Thủ tướng Nhật Bản Abe mong muốn trong mười năm tới với thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng thêm 1.500.000 yên (tương đương với 15.000 USD) và tăng gấp đôi tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Nhật Bản. Theo đó, FDI hằng năm của Nhật Bản phải đạt gần 345 tỷ USD. Để đạt mục tiêu nêu trên kế hoạch yêu cầu các ngân hàng Nhật Bản phải đặt ít nhất một giám đốc bên ngoài, coi đây là một trong những biện pháp cải cách quản lý mà chính phủ Abe luôn thúc đẩy để khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Mở rộng sức cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân, cũng là điểm nhấn của chương trình cải tổ lâu dài nền kinh tế sẽ có tác động đến toàn bộ cơ cấu của kinh tế Nhật Bản. Kế hoạch nâng cao tỷ lệ nhà quản lý là nữ từ 7,5% năm 2013 lên 30% trong những năm tới, tất cả công ty niêm yết phải thông báo cho nhà đầu tư tỷ lệ nhà quản lý là phụ nữ, cũng là giải pháp đổi mới cơ cấu nhân sự trong quản lý kinh tế.

Rô-bốt hóa nền kinh tế, cũng nằm trong nội dung của “Mũi tên thứ 3”. Giới hoạch định chính sách Nhật Bản cho rằng: “Cần tăng cường sử dụng rô-bốt để nâng cao năng suất lao động trong bối cảnh dân số bị giảm và già hóa”. Thông qua diễn đàn về “cuộc cách mạng rô-bốt”, Nhật Bản đang hy vọng đến năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ sử dụng số lượng rô-bốt gấp 20 lần so với hiện nay, các ngành còn lại tăng gấp đôi.

Chính phủ Nhật Bản đã hối thúc Bộ Nông - Lâm - Thủy sản thành lập một ủy ban mới mà ở đó tất cả các bộ sẽ hợp tác để đạt được mục tiêu gia tăng xuất khẩu nông sản của Nhật Bản lên mức 1.000 tỷ yên đến năm 2020 và 5.000 tỷ yên đến năm 2030.

Đến năm 2020, Nhật Bản sẽ hoàn thành cải cách thị trường, trong đó có thị trường điện trong nước. Hoàn toàn thay đổi tình trạng độc quyền trong lĩnh vực điện lực hiện nay ở Nhật Bản.

Lĩnh vực khoa học - công nghệ được coi là nội dung đặc biệt quan trọng trong “Mũi tên thứ 3”. Theo đó, Nhật Bản cam kết sẽ có biện pháp thúc đẩy các lĩnh vực khoa học công nghệ bị cản trở phát triển do thiếu các nhà đầu tư mạo hiểm, thành lập trung tâm nghiên cứu đẳng cấp quốc tế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành công nghệ cao, nhưng chưa có lịch trình cụ thể.

Hiệu quả vẫn còn đang ở phía trước

Theo giới phân tích, điểm nhấn trong chủ thuyết kinh tế được gọi là Abenomics nằm ở chỗ Tokyo cùng một lúc huy động tổng lực của nhiều công cụ điều hành kinh tế vĩ mô đó là: chính sách tài khóa, tiền tệ, ngân hàng và kết hợp các chiến lược ngắn, trung và dài hạn… để đưa nền kinh tế Nhật Bản đi lên, chấm dứt gần hai thập kỷ giảm phát, suy thoái, nợ công tăng cao kỷ lục (224,9%/GDP).

Nỗ lực của Thủ tướng Abe vẫn còn gặp khó khăn do các nhà đầu tư và tiêu thụ tư nhân chưa nhiệt tình ủng hộ chính phủ, ngành xuất khẩu cũng khó vượt qua thử thách khi đang có nguy cơ giá năng lượng tăng cao và việc ký kết hiệp định TPP đang gần kề.

Được biết, cải cách Quỹ đầu tư dưỡng lão của chính phủ Nhật Bản sẽ được Chính phủ Nhật Bản điều chỉnh phân bổ tài sản sớm nhất, kế đó là đầu tư 200 tỷ USD để mua tài sản ở nước ngoài; 121,44 tỷ USD để mua trái phiếu nước ngoài và 73,45 tỷ USD đầu tư vào thị trường chứng khoán ở nước ngoài, khiến cho đồng yên giảm giá và tiếp tục chống giảm phát…

Một lĩnh vực xuất khẩu đầy tiềm năng cũng đang được Chính phủ Nhật Bản khai thác, đó là ngành công nghiệp quân sự. Theo quyết định mới nhất thì từ ngày 01-4 năm nay, Nhật Bản được quyền xuất khẩu vũ khí. Australia là quốc gia đầu tiên quan tâm đến tàu ngầm trang bị hệ thống AIP do Nhật Bản chế tạo. Hải quân Australia hiện cần 12 tàu ngầm lớp Soryu, giá mỗi chiếc vào khoảng 600 triệu USD, chỉ bằng 50% so với giá tàu ngầm Australia chế tạo trong nước. Ngoài ra phải kể đến các khách hàng tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á, trong bối cảnh ASEAN và Nhật Bản có chung mối lo về bảo đảm an ninh biển.

Như vậy, trong thời gian cầm quyền chưa đầy 2 năm, với chủ thuyết kinh tế Abenomics, ông Shinzo Abe đã đưa ra “3 mũi tên” để vực dậy nền kinh tế vốn giảm phát và suy thoái nhiều năm. Hai mũi tên đầu tiên đã tạo ra bước đột phá, tuy chưa đạt được như mong muốn, nhưng đã ngăn chặn được đà giảm phát sâu và đưa lại niềm tin cho giới đầu tư cũng như dư luận trong và ngoài nước.

“Mũi tên thứ 3”, theo giới phân tích là giai đoạn quyết định với nhiều giải pháp tổng hợp và quyết liệt hơn, hiện vẫn còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, giới nghiên cứu và dư luận đang kỳ vọng vào thành công của chủ thuyết kinh tế Abenomics của Nhật Bản, cho dù hiệu quả thực sự của “Mũi tên thứ 3” vẫn còn đang ở phía trước./.