Trong hai ngày 16 và 17-7, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.

Chính phủ đã nghe báo cáo, tập trung thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật Dân số; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chức năng xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách... của Chính phủ là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có thể nói là hàng đầu. Đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước muốn đi vào cuộc sống phải được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng luật pháp, bằng cơ chế, chính sách; luật pháp có tốt, đúng, phù hợp thì lãnh đạo, quản lý điều hành của Đảng, Nhà nước sẽ hiệu lực, hiệu quả.

Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ đề cao tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ các phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật và chuẩn bị kỹ các nội dung phát biểu, đóng góp ý kiến, đặc biệt là các nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi quản lý của bộ, ngành mình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu phải bảo đảm tính kịp thời, đúng tiến độ, không để chậm trễ, không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời hết sức lưu ý bảo đảm chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật, đó là tính hợp pháp, hợp hiến, tính khả thi của các các văn bản quy phạm pháp luật.

Mục tiêu của dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được đề ra là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, xây dựng Chính phủ mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, phát huy mạnh mẽ dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân, kiến tạo, phát triển đất nước. Dự thảo luật được kết cấu gồm 8 chương, 45 điều; quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ; nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ; bộ, cơ quan ngang bộ; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng;...

Các thành viên Chính phủ đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật như vấn đề về vị trí, chức năng của Chính phủ; vị trí và chức năng của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ...; đề nghị trong xây dựng dự án Luật cần bám sát vào tinh thần và các quy định cụ thể của Hiến pháp năm 2013; thể hiện rõ hơn quy định về sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ chung; sự phân cấp, phân quyền trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước; tăng quyền cho các thành viên Chính phủ trong phân bổ ngân sách, trong công tác cán bộ;...

Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương được xây dựng có 8 chương và 158 điều; quy định cụ thể về tổ chức đơn vị hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân; tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân; tổ chức chính quyền địa phương trong trường hợp thay đổi đơn vị hành chính và trong trường hợp đặc biệt;…

Mục tiêu của dự án Luật này được đề ra là tổ chức hợp lý chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp năm 2013; bảo đảm chính quyền địa phương các cấp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; bộ máy hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt từ trung ương đến cơ sở; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng và giám sát hoạt động của chính quyền địa phương.

Cho ý kiến về những định hướng lớn trong xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến phát biểu, đóng góp ý kiến của các thành viên Chính phủ để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện 2 dự án luật này trên tinh thần bám sát Hiến pháp, thực tiễn, kế thừa các luật hiện hành.

Thảo luận về Dự án Luật Dân số (có 9 chương, 59 điều), các thành viên Chính phủ khẳng định sự cần thiết xây dựng dự án Luật này; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến vào những nội dung lớn của dự án Luật liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật; tên của Luật; chính sách của nhà nước về dân số...

Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, các thành viên Chính phủ cho rằng, sau 10 năm thực hiện Luật Kế toán cho thấy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song vẫn còn những hạn chế. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán là cần thiết, nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán, đặc biệt là nguyên tắc kế toán, chế độ kế toán; tạo điều kiện phát triển ngành kế toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo điều kiện tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước, giám sát của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong lĩnh vực kế toán.

Các thành viên Chính phủ cũng đóng góp nhiều ý kiến đối với dự án Luật liên quan đến nguyên tắc kế toán, loại hình doanh nghiệp làm dịch vụ kế toán, điều kiện về vốn đối với doanh nghiệp làm dịch vụ kế toán, tổ chức nghề nghiệp kế toán, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kế toán,...

Với 17 chương, 162 điều, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã nêu cụ thể, quy định rõ về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật; quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; việc tăng cường dân chủ, phát huy trách nhiệm công dân trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật...

Các thành viên Chính phủ đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào những nội dung còn có quan điểm khác nhau liên quan đến dự án Luật như về phạm vi điều chỉnh của Luật; bố cục của Luật; việc xây dựng, phê duyệt chính sách; đơn giải hóa hệ thống pháp luật;…

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng nghe báo cáo, đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (dự thảo Nghị quyết gồm 6 điều, khẳng định rõ Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc để góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế); dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17-12-2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành chủ trì soạn thảo các dự án Luật nêu trên tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để bổ sung, hoàn thiện các dự án Luật./.