TCCSĐT - Từ ngày 29-4 đến ngày 07-5, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê đã có chuyến công du tới 6 nước châu Âu gồm Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ, nhằm mục đích tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, cũng như an ninh quốc phòng với các quốc gia tại lục địa già, trong bối cảnh Nhật Bản đang muốn củng cố và mở rộng vai trò của mình trong việc thúc đẩy, duy trì nền hòa bình, ổn định toàn cầu.
Lịch trình dày đặc

Đức là điểm dừng châu đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê trong chuyến công du này. Nhật Bản và Đức - hai đối tác trong nhóm nước công nghiệp phát triển G7, đã nhất trí tiến tới một thỏa thuận nhằm tăng cường đối thoại an ninh. Theo đó, hai bên sẽ tổ chức Hội nghị Quốc phòng và Đối ngoại cấp cục trưởng vào cuối năm 2014. Trên khía cạnh kinh tế, ông S. A-bê đã giành được sự ủng hộ của Đức về hồ sơ đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Nhật Bản - Liên minh châu Âu (EU). Là đối tác thương mại lớn thứ hai của Đức tại châu Á (chỉ sau Trung Quốc), Thủ tướng Đức A. Méc-ken bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán giữa EU với Nhật Bản về FTA có thể hoàn tất trong năm 2015, bởi hiệp định này có ý nghĩa quan trọng với cả hai cường quốc xuất khẩu như Nhật Bản và Đức.

Trong chặng dừng chân thứ hai ở Anh, Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê và Thủ tướng Anh Đ. Ca-mê-rôn một lần nữa khẳng định những ưu tiên trong thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói riêng và giữa Nhật Bản với các quốc gia châu Âu nói chung. Ngoài việc nhất trí thúc đẩy hợp tác an ninh song phương, lãnh đạo hai nước còn đồng thuận khởi động các cuộc đàm phán về chia sẻ nguồn cung cũng như dịch vụ vận tải giữa lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Anh, theo thỏa thuận liên dịch vụ mang tên ACSA. Thỏa thuận quy định, hai nước sẽ giúp đỡ nhau trong các sứ mệnh nhân đạo, như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hay đối phó với các thảm họa thiên tai lớn. Tại diễn đàn kêu gọi đầu tư nước ngoài được tổ chức tại Luân-đôn, ông S. A-bê cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy cải cách theo chính sách kinh tế a-bê-nô-mích (abenomics), qua đó tăng cường đầu tư trực tiếp của các công ty Anh tại Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo cũng đã công bố khoản đầu tư hơn 200 triệu bảng Anh của tập đoàn Toshiba vào lĩnh vực hạt nhân của Anh.

Bồ Đào Nha là chặng dừng chân thứ ba trong chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản. Tại buổi hội đàm, Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê và Thủ tướng Bồ Đào Nha Pê-drô Pát-xô Cô-en-hô thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh trên biển, trong đó có các biện pháp hợp tác chống cướp biển. Hai bên xác nhận tầm quan trọng của luật quốc tế về biển và tự do đi lại trên biển, đồng thời nhất trí hợp tác để nhanh chóng đạt được thỏa thuận đối tác kinh tế giữa Nhật Bản và EU.

Kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê tới Pháp cũng rất khả quan. Theo tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp tại Thủ đô Pa-ri giữa Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê và Tổng thống Pháp Ph. Ô-lăng, ngoài hợp tác phát triển các thiết bị, như tàu lặn giám sát không người lái, hai bên cũng nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh hằng năm. Trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử dân sự, hai bên nhất trí hợp tác theo hướng bảo đảm an toàn ở mức cao nhất. Hai bên cũng ký văn kiện phát triển công nghệ tái sinh nhanh nhằm giảm chất thải phóng xạ. Về FTA đang được đàm phán giữa hai nước, Thủ tướng A-bê và Tổng thống Ph. Ô-lăng đã chia sẻ quan điểm chung về bảo đảm tăng trưởng và việc làm của hai nước, đồng thời nhất trí kế hoạch ký kết hiệp định trong tương lai gần. Trước khi lên đường trở về Tô-ky-ô vào ngày 8-5, ông S. A-bê đã đến thăm Bỉ và trụ sở EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brúc-xen.

Thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng

Chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. Mặc dù đặt nhiều kỳ vọng, nhưng cả Tô-ky-ô và Oa-sinh-tơn đều không thể đạt được đột phá trong các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, Nhật Bản và EU đã khởi động vòng đàm phán thứ 5 về FTA. Hiện nay, kinh tế Nhật Bản và 27 nước thành viên EU chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 40% kim ngạch thương mại thế giới. Nếu FTA giữa EU và Nhật Bản dự kiến được hoàn tất trong năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều ước tính có thể tăng thêm 29 tỷ ơ-rô (khoảng 36 tỷ USD), tương đương mức tăng lên tới 50%. Hiệp định được ký kết sẽ không chỉ mở đường cho hàng hóa EU vào thị trường Nhật Bản, mà còn giúp Nhật Bản tăng xuất khẩu để khôi phục nền kinh tế đang rơi vào tình trạng giảm phát.

Như vậy, có thể nói thúc đẩy hợp tác kinh tế là một nội dung quan trọng trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê đến 6 nước châu Âu, tuy nhiên, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác an ninh quốc phòng cũng là trọng tâm ưu tiên của ông S. A-bê trong chuyến công du này. Bên cạnh mối quan hệ đặc biệt đã có với Hoa Kỳ từ hơn 50 năm qua, Nhật Bản cũng đang tìm cách tăng cường hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực trang thiết bị quân sự với châu Âu.

Theo nhiều nhà phân tích, sở dĩ ông S. A-bê coi trọng và giành nhiều thời gian tới thăm các nước chủ chốt trong EU lần này bởi Tô-ky-ô biết rằng, trong bối cảnh các cường quốc công nghiệp phát triển đang giảm ngân sách quốc phòng, Nhật Bản không thể trông cậy vào một đồng minh duy nhất là Hoa Kỳ để bảo đảm an ninh và hòa bình trong vùng Đông Á. Đây chính là điều mà tờ Libération của Pháp gọi là chiến dịch “tìm kiếm đồng minh ở ngoài khu vực Thái Bình Dương” đang được Thủ tướng Nhật Bản tiến hành. Chẳng hạn, trong chuyến thăm Pháp, ông S. A-bê đã nhấn mạnh: “Trong bối cảnh tình hình an ninh tại châu Âu và Đông Á ngày càng trở nên nghiêm trọng, sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước chưa bao giờ cần thiết như lúc này”. Đáp lại, Tổng thống Pháp bày tỏ sẵn sàng đối thoại an ninh với Nhật Bản vào bất cứ dịp nào.

Vì một vai trò lớn hơn cho nước Nhật


Kể từ khi lên cầm quyền, một trong những động lực chính của Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê là đưa nước Nhật quay trở lại thành một quốc gia bình thường. Vận động sửa đổi bản Hiến pháp chủ hòa là một trong những minh chứng cho điều này.

Mới đây, Nhật Bản cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, cho phép quân đội nước này tham gia mua bán vũ khí theo một số điều kiện nhất định được giới quan sát đánh giá sẽ nâng tầm vai trò toàn cầu của Nhật Bản, trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải giữa Nhật Bản với một số nước láng giềng có chiều hướng gia tăng.

Việc Thủ tướng Nhật Bản thăm châu Âu nằm trong một kế hoạch tổng thể của chính phủ nước này. Theo đó, Nhật Bản đã điều chỉnh mạnh mẽ chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng để có thể trở thành một quốc gia ngày càng năng động và tích cực hơn, nhằm xây dựng một nước Nhật mới có vị thế, vai trò và ảnh hưởng ở khu vực cũng như trên thế giới. Và chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê chính là một trong những bước đi để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đó./.

Ngày 06-5, tại trụ sở NATO, Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê và Tổng Thư ký NATO A. P. Ra-xmu-xen (Anders Fogh Rasmussen) đã ký hiệp định hợp tác nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và NATO. Tổng Thư ký NATO cho biết, hiệp định mới này sẽ đưa mối quan hệ giữa NATO và Nhật Bản phát triển lên một bước xa hơn, mang lại sự hợp tác thực tế của hai bên lên một cấp độ mới.