TCCSĐT – Đó là chủ đề Hội thảo quốc tế do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 05-5-2014 tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham dự của 22 nhà khoa học quốc tế, 37 nhà khoa học, chuyên gia của Việt Nam và đại diện các ban, ngành, tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng cho biết, bước sang năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam bước sang năm thứ tám. Trên cơ sở phân tích sâu sắc thế chiến lược giữa Việt Nam và Pháp trên chiến trường, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hạ quyết tâm giữ vững thế chủ động, kiên quyết đập tan kế hoạch Na-va, chớp thời cơ, giành thắng lợi quyết định. Kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 được vạch ra và nhanh chóng triển khai với phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Kế hoạch tấn công đồng loạt của quân và dân Việt Nam trên khắp chiến trường Đông Dương từ Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ đến Thượng Lào, Hạ Lào và miền Đông Cam-pu-chia buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng, làm cho kế hoạch tập trung khối cơ động chiến lược - trọng tâm của Kế hoạch Na-va, bị phá vỡ.

Với hy vọng giành lại thế chủ động, Pháp đổ thêm quân tinh nhuệ xuống Điện Biên Phủ và quyết định xây dựng nơi này thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương nhằm thu hút quân chủ lực Việt Nam đến để tiêu diệt. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Ngày 13-3-1954, cuộc tấn công của quân và dân Việt Nam vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Cả nước đẩy mạnh hoạt động phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. Cuộc chiến diễn ra với phương án tác chiến khoa học “đánh chắc, tiến chắc”, sự tiếp tế kịp thời, tổ chức lực lượng hợp lý, với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” chiến đấu quả cảm, hy sinh của các lực lượng, quân và dân Việt Nam đã giành thắng lợi trọn vẹn vào ngày 07-5-1954.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS,TS. Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có được là nhờ kết hợp sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố mà sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên sức mạnh tổng hợp”. Đó là đường lối kháng chiến đúng đắn được xác định ngay từ đầu cuộc kháng chiến và không ngừng được bổ sung, phát triển. Đường lối đó đã vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện thực tế Việt Nam, đồng thời kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết định cụ thể dựa trên sự phân tích, đánh giá tình hình với quyết tâm chiến lược nhằm làm thất bại Kế hoạch Na-va. Đó là quyết định trong toàn bộ Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 phân tán lực lượng của địch theo nhiều hướng, buộc địch bị động đối phó với các hướng tiến công của ta. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ các địa phương tăng cường phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ, động viên lực lượng của hậu phương chi viện cho mặt trận; đồng thời lãnh đạo phối hợp chiến trường 3 nước Đông Dương và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc.

Về nguyên nhân thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, GS,TS. Phạm Xuân Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: “Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng của quân và dân ta với rất nhiều biểu hiện cụ thể, phong phú trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ chính là những giá trị nền tảng, cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Trong thời đại mới, dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, những giá trị ấy được nâng lên một tầm cao mới, tạo thành sức mạnh phi thường để đánh bại kẻ thù”.

Bằng nhiều cách tiếp cận, các nhà khoa học quốc tế đã đưa ra nhiều cách nhìn và đánh giá đối với chiến thắng Điện Biên Phủ. GS,TS. Vu Hướng Đông (Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học, Trường Đại học Trịnh Châu, Trung Quốc) khẳng định, Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự nghiệp nối tiếp cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng là sự thể hiện nổi bật về mong muốn hòa bình, yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam.

GS. Rốp Hu-lơ (Đại học Quốc gia Ô-xtrây-li-a) đưa ra một số tài liệu bằng tranh ảnh, các hình tượng thể hiện qua các tác phẩm văn học hoặc thơ ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cho rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu phát triển công tác tuyên truyền từ đầu những năm 40 của thế kỷ XX và đã dạy, đào tạo cán bộ cách thức, kỹ năng sử dụng hình ảnh có ý nghĩa đối với người xem, làm cho tài liệu tuyên truyền sinh động, có ý nghĩa văn hóa, tạo sự truyền cảm, hòa vào lòng dân, qua đó góp phần động viên, khích lệ người dân tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến chống Pháp.

GS,TS. V. Kô-lô-tốp (Đại học Quốc gia Xanh Pê-téc-bua, Nga) với tham luận “Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt trong quá trình chống ngoại xâm”, PGS,TS. Võ Kim Cương (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) với tham luận “Điện Biên Phủ và sự tan rã của hệ thống thuộc địa” đều khẳng định: chiến thắng Điện Biên Phủ như “tiếng sấm” thức tỉnh, mở ra thời kỳ đấu tranh và thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, nhất là đối với các nước Á, Phi, Mỹ - La tinh.

Một số tham luận khác tập trung đánh giá vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt quá trình chỉ huy chiến dịch; vị trí, vai trò của các mặt trận trên chiến trường Đông Dương phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ; vai trò của hậu phương và các lực lượng trong Chiến dịch; sự ủng hộ của quốc tế đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống Pháp…/.