Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 28-4 đến ngày 04-5-2014)
Thế giới đề cao vai trò của thể thao trong củng cố hòa bình và phát triển
Ngày 28-4-2014, Liên hợp quốc và Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế (IOC) ký thỏa thuận tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy vai trò của thể thao trong phát triển, kiến tạo và duy trì hòa bình. Thỏa thuận đề ra mục tiêu xây dựng một thế giới tốt đẹp và hòa bình bằng cách giáo dục giới trẻ thông qua thể thao, đồng thời chú trọng tăng cường hợp tác với ủy ban Ô-lim-pích các nước, các liên đoàn thể thao quốc tế, các vận động viên, các cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc, các đặc phái viên và đại sứ thiện chí...
Phát biểu tại lễ ký, Tổng Thư ký Ban Ki-mun cho biết, văn kiện ký với IOC là một bước đi cần thiết và mang tính lịch sử sau nhiều năm hợp tác chặt chẽ trong việc thúc đẩy hòa bình và phát triển thông qua thể thao. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh thể thao có vai trò khôi phục hòa bình và ổn định tại các khu vực xung đột như Xy-ri, Cộng hòa Trung Phi và Nam Xu-đăng cũng như các quốc gia láng giềng - nơi ở của hàng triệu người tỵ nạn. Ngoài ra, thể thao còn là cầu nối các nền văn hóa, tôn giáo, sắc tộc và các tầng lớp xã hội. Về phần mình, Chủ tịch IOC nhận định thỏa thuận này sẽ giúp nâng quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc và IOC lên một tầm cao mới, chặt chẽ và sâu rộng hơn. Ông Thô-mát Bách (Thomas Bach) đề cao vai trò của thể thao trong việc tiến tới hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc trước năm 2015.
WHO cảnh báo về tình trạng kháng thuốc kháng sinh
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 30-4-2014 cảnh báo kháng thuốc kháng sinh là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Sau khi thu thập dữ liệu tại 114 quốc gia trên toàn cầu về tình trạng kháng thuốc, trong đó đặc biệt là kháng sinh, báo cáo của WHO nêu rõ mối đe dọa nghiêm trọng này không còn là dự báo cho tương lai mà đang diễn ra ở mọi khu vực trên thế giới, có nguy cơ ảnh hưởng tới mọi người dân ở mọi lứa tuổi và các quốc gia khác nhau.
Theo Trợ lý Tổng Giám đốc WHO Cây-gi Phư-cư-đa (Keiji Fukuda), nếu không phối hợp hành động tức thời, thế giới sẽ đối mặt với một kỷ nguyên “hậu thuốc kháng sinh”, khi đó các bệnh truyền nhiễm thông thường hoặc những vết thương nhỏ trước đó có thể chữa trị được thì nay có thể gây chết người do kháng thuốc kháng sinh. WHO cho rằng người dân có thể giúp giải quyết tình trạng kháng thuốc này bằng việc chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ, uống đầy đủ liều theo đơn kê dù đã cảm thấy đỡ bệnh hơn. Trong khi đó, ngành y và giới chuyên môn có thể giúp giải quyết vấn đề này bằng việc thúc đẩy phòng ngừa và kiểm soát tình trạng nhiễm trùng; chỉ kê đơn và cấp thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết và cấp phát đúng thuốc kháng sinh cho từng loại bệnh.
Thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động
Thành viên của Liên đoàn Liên minh Lao động In-đô-nê-xi-a (KPSI) diễu hành trong ngày 01-5-2014. Ảnh: anninhthudo.vn
Bắt đầu từ năm nay, Ngày Quốc tế Lao động được công nhận là ngày nghỉ lễ quốc gia ở In-đô-nê-xi-a nên tại Thủ đô Gia-các-ta, Liên đoàn Liên minh Lao động In-đô-nê-xi-a (KPSI) - một trong những tổ chức lớn nhất của người lao động ở quốc đảo này - đã tổ chức các cuộc mít-tinh, diễu hành, biểu tình với sự tham gia của hơn 120.000 công nhân, 10.000 giáo viên và hàng nghìn người lao động.
Cùng ngày, Tổng thống I-ran Hát-xan Rô-ha-ni (Hassan Rouhani) có bài phát biểu trên truyền hình, trong đó ông cam kết sẽ cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, nhất là bảo đảm an toàn lao động và bình đẳng giới.
Tại Rô-ma, trong ngày này, Tổng thống I-ta-li-a Gioóc-giô Na-pô-li-ta-nô (Giorgio Napolitano) đã đặt hoa trước trụ sở Cơ quan bảo hiểm quốc gia cho các thương tật lao động (INAIL) để tưởng nhớ những công nhân thiệt mạng hoặc bị thương tật do lao động trong năm qua.
Cũng trong ngày 01-5, hơn 100.000 người đã tham gia cuộc tuần hành nhân Ngày Quốc tế Lao động tại Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Mát-xcơ-va (Nga). Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1991, cuộc tuần hành này được tổ chức tại quảng trường bên ngoài Điện Krem-lin. Dẫn đầu đoàn tuần hành là Thị trưởng Mát-xcơ-va Xéc-gây Xô-bi-a-nin (Sergei Sobianin) và các nhà lãnh đạo công đoàn của thành phố Mát-xcơ-va và Liên bang Nga.
Ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới như Băng-la-đét, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Đài Loan (Trung Quốc)..., hàng vạn người đã tuần hành kêu gọi các nhà chức trách tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện điều kiện làm việc. Các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (01-5) nhìn chung diễn ra hòa bình, ngoại trừ một số nơi xảy ra bạo lực cục bộ như ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Pa-le-xtin chính thức tham gia 5 hiệp ước quốc tế
Thông báo của Liên hợp quốc cho biết, chính quyền Pa-le-xtin (PA) đã trở thành thành viên chính thức của 5 hiệp ước quốc tế. Đây được coi là một “bước đi quan trọng” đối với người dân Pa-le-xtin. Cụ thể, PA đã chính thức tham gia Hiệp ước cấm tra tấn và phân biệt chủng tộc, Hiệp ước bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật. Từ ngày 07-5, PA còn trở thành thành viên của Hiệp ước bảo vệ trẻ em tại các vùng xung đột và ngày 02-7 sẽ tham gia 2 hiệp định về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Phát ngôn viên của Văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc Ru-pớt Côn-vin (Rupert Colville) cho biết, việc PA tham gia các hiệp ước và hiệp định quốc tế là bước đi quan trọng hướng tới tăng cường thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở Pa-le-xtin.
Bên cạnh việc tham gia các hiệp ước và hiệp định trên, Pa-le-xtin còn chính thức ký công ước Giơ-ne-vơ, đồng thời đề nghị Liên hợp quốc kết nạp vào công ước Viên về quan hệ ngoại giao và hiệp định chống tham nhũng. Được biết, Hội đồng Trung ương tổ chức giải phóng Pa-le-xtin đã thông qua kế hoạch gia nhập 60 tổ chức Liên hợp quốc và các hiệp ước quốc tế. Phái viên của PA tại Liên hợp quốc tuyên bố Pa-le-xtin đủ tư cách tham gia tới 550 hiệp ước và công ước quốc tế, trong đó có Tòa án hình sự quốc tế.
Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu
Ngày 04-5-2014, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun khai mạc Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu, tổ chức tại Thủ đô A-bu Đha-bi (Abu Dhabi) của Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE). Đánh giá cao những sáng kiến của nước chủ nhà UAE nhằm giảm thiểu việc sử dụng năng lượng hóa thạch, ông Ban Ki-mun coi đây là việc làm đặt nền móng từ ngày hôm nay cho mọi cơ sở của sự phồn vinh thịnh vượng trong tương lai. Theo ông, con người không còn nhiều thời gian để hành động cứu môi trường sống, vì vậy, không nên lãng phí thời gian, không được bỏ qua bất cứ cơ hội nào cho một hành động, dù nhỏ nhất, để bảo vệ hành tinh. Ông hoan nghênh việc các chính phủ đã nhất trí sẽ thông qua một chương trình hành động chung vào trước năm 2015, để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, theo hướng cùng nhau giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ủng hộ các kế hoạch phát triển bền vững.
Trước đó, tại Thủ đô Bra-xi-li-a (Bra-xin) đã diễn ra Hội nghị các nước thành viên Hiệp ước Nam Cực. Ngoài chủ đề du lịch, các đại biểu tham gia Hội nghị cũng thảo luận về quá trình nghiên cứu sinh học và bảo tồn động thực vật, bên cạnh sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên của hiệp ước. Giới chức nước chủ nhà cho biết, nhiều quốc gia quan ngại rằng lượng du khách tới Nam Cực quá nhiều trong khi lại thiếu các quy tắc bảo tồn tự nhiên có thể gây ra những ảnh hưởng xấu cho môi trường tự nhiên tại đây./.
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Thắng lợi của văn hóa Việt Nam  (05/05/2014)
Chiến thắng Điện Biên Phủ - sự hội tụ và phát triển của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh  (04/05/2014)
Vận dụng nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Điện Biên Phủ vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới  (04/05/2014)
Quân và dân đồng bằng Bắc Bộ phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ  (04/05/2014)
Điện Biên: Thông đường vành đai đi cửa khẩu Huổi Puốc  (04/05/2014)
Điện Biên: Thông đường vành đai đi cửa khẩu Huổi Puốc  (04/05/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển